Những động vật "sống nhăn răng" khi đầu lìa khỏi cổ

00:43 12/02/2014

(Giúp bạn)Đó là những loài động vật vẫn "ngọ nguậy hoạt động" sau khi bị mất đầu...

Thế giới động vật vô cùng phong phú. Và bạn có biết, trên thế giới tồn tại những loài động vật sống dai dẳng đến mức dù đã "đầu lìa khỏi cổ" vẫn hoạt động như bình thường. Cùng điểm lại một vài loài vật như thế qua nghiên cứu dưới đây:

  • 1

    Rắn

     
    Trong trường hợp đối mặt với những con rắn độc, ba phản ứng tự nhiên của con người sẽ là la toán lên và bỏ chạy, bị “đứng hình” tại chỗ hoặc kẻ dũng cảm sẽ chặt đầu con rắn nếu có thể. Trong trường hợp thứ ba, đừng nghĩ bạn đã thoát nạn hoàn toàn, bởi cái đầu rắn vẫn có thể cắn bạn như thường.
     
    nhung-dong-vat-song-nhan-rang-khi-dau-lia-khoi-co-1

    Thật ra con rắn vẫn chưa chết hẳn. Khoa học đã giải thích được rằng, trong các rãnh sâu nằm giữa mắt và mũi của rắn thường có các thụ thể cảm biến nhiệt (đặc biệt ở rắn chuông) cho phép chúng bắt được bức xạ nhiệt từ những con mồi máu nóng. 
     
    nhung-dong-vat-song-nhan-rang-khi-dau-lia-khoi-co-2
     
    Các thụ thể đó vẫn còn hoạt động một lúc sau khi đầu bị tách lìa khỏi thân nhờ sự kéo dài phản xạ thần kinh. Khi động vật máu nóng lại gần, các thụ thể hoạt động kéo theo phản ứng tức thời của các cơ ở đầu rắn và thực hiện một cú đớp đầy nguy hiểm. Vậy nên, chúng ta vẫn có thể bị giết bởi chính kẻ chúng ta đã giết nếu bất cẩn và thiếu hiểu biết.
  • 2

    Bạch tuộc

     
    Bạn có biết món bạch tuộc sống – sannakji - rất nổi tiếng của Hàn Quốc? Đây là một món ăn đặc biệt của xứ kimchi, nó rất ngon và bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để ăn chúng. Khi thực khách gọi món ăn này, đầu bếp sẽ đem con bạch tuộc còn sống đặt lên bàn và chặt nhỏ, rồi tẩm gia vị. Vài phút sau, món bạch tuộc sống sẽ được bày biện ra với các tua vẫn còn đang "uốn éo". Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi chúng đã bị chặt nhỏ rồi mà vẫn ngọ nguậy.
     
    nhung-dong-vat-song-nhan-rang-khi-dau-lia-khoi-co-3

    Nhưng ít ai biết rằng, bạch tuộc là loài động vật đặc biệt, có hệ thần kinh khá phức tạp. Có đến 2/3 nơron thần kinh ở các tua, điều đó khiến chúng có sự phản xạ rất phức tạp với sự điều khiển của ít nhất ba cấp độ hệ thần kinh. 
     
    nhung-dong-vat-song-nhan-rang-khi-dau-lia-khoi-co-4
     
    Bình thường, các tua tự mình hoạt động dưới sự kiểm soát chung của thần kinh trung ương, nên khi mất đầu, các tua vẫn có thể ngọ nguậy được trong khoảng thời gian ngắn. Tất nhiên, khi bị mất đầu, chú bạch tuộc đã chết rồi, chỉ là các tua "ngọ nguậy" do còn thừa năng lượng thôi. Chỉ khi hoàn toàn cạn kiệt năng lượng, chúng mới chịu "chết đứ đừ".
     
    Nếu được thưởng thức món sannakji, hãy nhai thật kỹ nếu bạn không muốn hoảng sợ tột độ bởi những cái tua của nó có thể dính chặt lấy miệng, cổ họng.
  • 3

    Ếch

     
    Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe kể: con ếch khi bị chặt đầu sẽ có hành động giống như đang “van lạy”. Thật ra, nó có thể làm nhiều hơn thế sau khi đầu lìa khỏi cổ.

    nhung-dong-vat-song-nhan-rang-khi-dau-lia-khoi-co-5

    Điều này đã sớm được phát hiện từ thế kỉ XIX bởi nhà thần kinh học người Scottland - David Ferrier. Trong quá trình nghiên cứu về các chức năng của bộ não, ông đã thực hiện các thí nghiện với ếch và khám phá ra một điều đáng ngạc nhiên. 
     
    Đó là con ếch dù không có não vẫn có thể hoạt động giống như một con ếch bình thường. Nếu lật ngửa ra, nó sẽ lật lại; nếu kéo chân, ếch sẽ co lại hoặc nhảy. Nếu thả vào nước, nó sẽ bơi và nhảy ra. Đương nhiên, con ếch phải được duy trì sự sống bằng cách cung cấp đầy đủ năng lượng nhân tạo.
     
    nhung-dong-vat-song-nhan-rang-khi-dau-lia-khoi-co-6

    Sở dĩ con ếch “sống dai” như vậy là nhờ những phản xạ vô điều kiện mạnh mẽ của cơ thể, khi kích thích, các xung điện sẽ được phát ra, truyền đến cơ yêu cầu co cơ. Những phản ứng này vẫn có thể bỏ qua sự điều khiển của thần kinh trung ương bởi hệ thần kinh của ếch không phụ thuộc hoàn toàn vào bộ não. 
  • 4

    Ruồi giấm


    Ruồi giấm được biết đến qua những phép lai kinh điển của Mendel, nhưng ít ai biết nó có một sức sống dai… hơn đỉa. Sự thật là nếu chúng ta có chặt bỏ đầu ruồi giấm đi thì… cũng không có gì thay đổi nhiều ngoài việc thể xác không đầu trông hơi khó coi.
     
    nhung-dong-vat-song-nhan-rang-khi-dau-lia-khoi-co-7

    Điều đó đã được chứng minh từ những nghiên cứu thực nghiệm. Sau khi mất đầu, ruồi giấm không chỉ tiếp tục sống một thời gian khá dài mà chúng còn có thể thực hiện những hoạt động phức tạp như khi được bộ não chỉ huy, ví dụ bay, đậu, bò đi và cả… “yêu”. 
     
    nhung-dong-vat-song-nhan-rang-khi-dau-lia-khoi-co-8
     
    Ruồi giấm làm những việc không tưởng đó một cách khá dễ dàng nhờ vào một bộ phận giống như “bộ não phụ” nằm trong ngực. Bộ phận này tiếp quản gần như tất cả công việc của bộ não chính bỏ lại sau khi “ra đi” như cử động, tuần hoàn, hô hấp… 
     
    Không chỉ vậy, ngay cả khi mắt cũng đi theo đầu thì những con ruồi giấm vẫn phản ứng với ánh sáng như thường nhờ các tế bào nhạy sáng nằm khắp nơi trên cơ thể.
  • 5

    Gián


    Đây là loài vật không còn xa lạ với chúng ta, và cũng là nhà vô địch sống lâu sau khi “mất đầu”. Nếu bị chặt đầu thì con người cũng như những động vật khác gần như sẽ chết ngay tức khắc vì mất máu và đứt gần như tất cả các mạch chủ điều khiển, nuôi sống cơ thể.
     
    nhung-dong-vat-song-nhan-rang-khi-dau-lia-khoi-co-9

    Nhưng gián lại khác, chất dịch mang sự sống của nó có áp suất rất thấp, không bị trào ra ngoài, thêm vào đó, gián không cần thở bằng đầu, máu của chúng cũng không có nhiệm vụ tuần hoàn oxy.  Đặc biệt, gián không chỉ có một não bộ, các hạch thần kinh phân bố khắp cơ thể cho phép loài động vật này bay nhảy và phản ứng với các tác động bên ngoài như thường.
     
    nhung-dong-vat-song-nhan-rang-khi-dau-lia-khoi-co-10
     
    Nó chỉ chịu chết vì… nhiễm trùng hoặc đói khát (chính xác là nó có thể sống 1 tháng không ăn hoặc 2 tuần không uống). Các nhà khoa học đã thí nghiệm và chứng minh thêm được rằng: riêng cái đầu còn sống “dai” hơn nếu để đông lạnh và được truyền dưỡng chất.

Comments