Những phiên chợ Tết đặc sắc của Việt Nam (P.1)

00:04 12/02/2014

(Giúp bạn)Ở Việt Nam có những phiên chợ, mỗi năm chỉ họp một lần vào dịp giáp Tết hay đúng vào ngày Tết. Xa xôi, cách trở, bận rộn mấy, người ta cũng đến mà du xuân, cầu duyên, cầu phát tài, phát lộc hay đơn giản chỉ là dịp để gặp gỡ thăm hỏi, chúc Tết lẫn nhau.

Chợ thường là nơi trao đổi, mua bán các mặt hàng. Nhưng ở nước ta có những phiên chợ, mỗi năm chỉ họp một lần vào dịp giáp Tết hay đúng vào ngày Tết, nhằm phục vụ những người du xuân, cầu duyên, cầu tài, cầu lộc, cầu buôn may bán đắt hay gặp gỡ thăm hỏi, chúc Tết lẫn nhau.

  • 1
    Chợ Cưới:
     
    Đây là chợ phiên đặc biệt của người dân tộc ở xã Tam Lộng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc họp vào ngày 25 tháng Chạp. Trai gái trong bản làng kéo tới đây rất đông, có cả bố mẹ hoặc ông bà đi theo để chứng kiến lời giao ước của họ. Họ có thể đã yêu nhau, hoặc đến chợ mới làm quen và tìm hiểu nhau.
     
    Chợ Cưới là một kiểu chợ tình ở miền núi. Nhiều lứa đôi đã nên vợ nên chồng ngay trong phiên chợ đặc biệt này.
  • 2
    Chợ Đồng:
     
    Chợ Đồng thuộc làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - quê hương nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Phiên chợ này được tạm họp trên cánh đồng khô ráo ở đầu làng vào ngày 24 tháng Chạp hằng năm.
     
    Cứ đến phiên, hầu như tất cả mọi người trong làng đều đến chợ. Họ đi chợ để bán, để mua, để chúc mừng nhau khi năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
     
    Đặc biệt, nhiều người đến chợ để tham gia hội thi thơ nhân dịp Tết. Ai có bài thơ hay, trúng giải thì được cùng các bô lão trong làng "nếm rượu tường Đền" - một loại rượu đặc sản rất ngon.
  • 3
    Chợ Gà (Chợ Sáu):
     
    Chợ Gà của làng Xuân Ổ (còn gọi là làng Sáu-chợ Sáu, nay thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) mở vào đêm mồng 4 Tết. Khi trời còn nhập nhoạng tối, dân làng đã đến chợ. Tương truyền, theo quan niệm của người xưa, chợ họp tối để người trần và người âm có thể cùng nhau đi dự.
     
    nhung-phien-cho-tet-dac-sac-cua-viet-nam-p1-1
     
    Chợ chỉ mua bán những con gà đen tuyền, vì giống gà này có thể nhập được vào cõi âm để tâu bẩm với Thành hoàng làng, mong Ngài phù hộ cho dân làng được nhân khang, vật thịnh. Nhà nào có gà đen mang bán ở chợ sẽ được hưởng phúc lớn.
     
    Chợ Gà vừa tan thì ngay trên khu vực chợ xuất hiện nhiều quán trầu cau để cho các "liền anh," "liền chị" mời nhau xơi trầu và hát quan họ. Nếu quán chật chỗ thì các “liền anh,” “liền chị” lại trải thêm chiếu trên chợ, hoặc ngồi trên cánh đồng chung quanh mà hát suốt đêm.
  • 4
    Chợ Lượn:
     
    Trong dịp Tết Nguyên Đán, ở một số chợ ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, đồng bào Tày thường tổ chức hát lượn giao duyên, nên gọi là chợ Lượn. Nam thanh, nữ tú đến chợ mua bán là phụ, mà hát lượn là chính.
     
    Hát lượn là điệu hát trữ tình để nam nữ bày tỏ tình cảm với nhau. Họ hát say sưa, nam xướng, nữ đối (hoặc ngược lại) từ sáng tới chiều, cho đến lúc tan chợ. Nhiều lứa đôi đã bén duyên, nên vợ nên chồng từ chợ Lượn một phiên này.
  • 5
    Chợ Mục Đồng:
     
    Tại xã Yên Thư, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có chợ dành riêng cho "mục đồng" vào ngày 28 tháng Chạp hằng năm.
     
    Sáng ngày 28, trẻ "mục đồng" mặc quần áo mới rủ nhau đi họp chợ. Cũng như người lớn, các em bày bán đủ loại mặt hàng như gà vịt, mũ nón, bánh trái...
     
    Chợ Mục Đồng họp trên một khoảng đất trống, cũng người mua, người bán, khung cảnh ồn ào, tấp nập như một phiên chợ thật sự.

Comments