Những tác phẩm văn học xuất sắc được dựng thành phim
(Giúp bạn)Giữa bối cảnh khán hiếm kịch bản thì văn học được coi là mảnh đất màu mỡ để nhà làm phim tạo được những sản phẩm Điện ảnh đích thực. Tuy nhiên, trên cánh đồng văn học mênh mông ấy, điện ảnh chỉ mới chạm được vào một phần rất nhỏ.
- 1
Vợ chồng A Phủ
Vợ chồng A Phủ được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nhà văn Tô Hoài. Đặc biệt ở chỗ, phim được chính tay tác giả chuyển thể thành kịch bản và đạo diễn tài năng Mai Lộc đã dựng thành phim vào năm 1961.Nhân vật Mỵ trong phim
Phim nói về nhân vật Mỵ, một cô gái dân tộc Mèo xinh đẹp, bị bắt về làm vợ lẽ của A Sử, con trai của Thống lý Pá Tra trong vùng. Cuộc sống của Mỵ không khác gì nô lệ trong gia đình chồng, cho tới ngày cô gặp A Phủ, người cùng cảnh ngộ, và họ đã tìm ra con đường sống cho mình…
Với cốt truyện hấp dẫn, cảm động, phim Vợ chồng A Phủ còn lôi cuốn người xem bằng hình ảnh đẹp của miền Tây Bắc, với phần âm nhạc xuất sắc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cùng bài hát nổi tiếng Bài ca trên núiqua giọng hát của nghệ sĩ Kiều Hưng.
Bộ phim do xưởng phim Việt Nam sản xuất và đã được trao giải thưởng Bông sen bạc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973.
- 2
Chị Dậu
Chị Dậu được dựng dựa trên tiểu thuyết Tắt Đèn của Ngô Tất Tố. Đây được xem là một bộ phim thuộc hàng kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam thế kỷ 20.Hình ảnh trong phim Chị Dậu
Được sản xuất năm 1980, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã rất thành công khi khắc họa cuộc sống nông thôn đương thời một cách chân thực. Những tầng lớp khác nhau trong xã hội phong kiến nửa thuộc địa của Việt Nam trước Cách mạng Tháng tám (1945) được lột tả sâu sắc và toàn diện. Đây cũng là tác phẩm đưa tên tuổi của diễn viên Lê Vân đến gần với công chúng.
Bộ phim đã được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Nantes (Pháp).
- 3
Làng Vũ Đại ngày ấy
Bộ phim lột tả toàn cảnh cuộc sống của làng quê Việt Nam đương thời dựa trên tổ hợp 3 truyện ngắn của nhà văn Nam Cao là: Chí Phèo, Lão Hạc vàSống mòn.
Một lần nữa sản phẩm nghệ thuật này đã đưa tên tuổi của Phạm Văn Khoa đến bục vinh quang. Trong lịch sử nghệ thuật Điện ảnh Việt Nam, đạo diễn Phạm Văn Khoa là người đầu tiên tái hiện lại các đề tài trước cách mạng, những tác phẩm văn học nổi tiếng trong dòng văn học hiện thực phê phán trước đây.
Cảnh trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy
Giá trị nổi bật trong các tác phẩm của ông đã đem lại “tiếng khóc” cho người xem, sự cảm thông, lòng nhân ái và cả sự căm giận, buộc con người phải suy nghĩ, phải hành động để thay đổi.
Những sáng tạo nghệ thuật trong 2 bộ phim Chị Dậu và Làng Vũ Đại ngày ấy của Phạm Văn Khoa là những phẩm chất quý giá, đem lại cho tác phẩm những giá trị nghệ thuật và nhân văn, làm giàu có thêm về tính đa dạng trong mầu sắc mang tính đột phá của nghệ thuật điện ảnh Việt Nam.
Bộ phim được sản xuất năm 1982, quy tụ dàn diễn viên đình đám và để lại dấu ấn cho đến tận ngày hôm nay như: Nguyễn Hữu Mười (Giáo Thứ), Kim Lân (Lão Hạc), Bùi Cường (Chí Phèo), Đức Lưu (Thị Nở)....
Chính từ bộ phim này, diễn viên Bùi Cường nhận Huy chương Vàng dành cho diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6 (1983). Còn riêng Đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa đã khá thành công khi nhận Giải thưởng Nhà nước (2007) về Văn học-Nghệ thuật dành cho bộ 3 tác phẩm điển ảnh gồm: Chị Dậu (1980) và Làng Vũ Đại ngày ấy (1982) vàLửa trung tuyến.
- 4
Giông tố
Bộ phim Giông tố sản xuất năm 1991, được đạo diễn Nguyễn Mạnh Lãi dựng dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Bộ phim xoay quanh cuộc đời Thị Mịch, một cô gái quê mùa, sắp lấy chồng nhưng chớ trêu thay cô lại bị Nghị Hách hiếp dâm mà có thai. Vụ này đưa ra tòa và phần thắng thuộc về phía Nghị Hách. Để tránh điều tiếng, Nghị Hách quyết định cưới Thị Mịch làm vợ bé. Nhưng Mịch còn yêu người chồng chưa cưới tên Long. Long dù đã lấy vợ khác nhưng vẫn còn yêu Thị Mịch, vì thế hai bên vẫn hẹn hò tình tứ với nhau...Từ đó, những biến cố trong cuộc đời ập đến.
Sau này, người ta vẫn nhắc đến NSND Trọng Khôi đầy ấn tượng qua vai diễn Nghị Hách của Giông Tố.
- 5
Thời xa vắng
Tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu được ra đời từ những năm 80 của thế kỷ XX. Một tác phẩm được đánh giá khá sâu sắc bởi tính nhân đạo và thời sự nhạy bén. Tác phẩm đã nêu rõ mặt trái của những tư tưởng phong kiến bảo thủ và việc cần thiết phải thay đổi tư duy trong quá trình xây dựng kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Tiểu thuyết này đã được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986.
Ngay sau đó năm 1987, đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh đã mua tác quyền tiểu thuyết Thời xa vắng để chuyển thể thành phim. Tuy nhiên phải đến năm 2003, Thời xa vắng mới được thành phim hoàn chỉnh, sau 16 năm thai nghén.
Thời xa vắng từng giành giải Cánh diều bạc 2005
Bộ phim nói về Sài, con một ông Đồ “cuối mùa”, luôn tâm niệm “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Mới hơn 10 tuổi, Sài đã được bố mẹ cưới cho cô vợ tên là Tuyết - cô gái có phần xấu xí thô kệch và lớn hơn Sài ba tuổi. Sài đã không đủ can đảm vượt qua dư luận để đến với Hương - tình yêu đích thực của đời mình.
Vì thể diện gia đình, nghe lời cấp trên, vì tương lai tươi sáng Sài đã cố yêu vợ. Nhưng rồi anh cũng không được kết nạp vào Đảng do nhà Tuyết có "nợ máu" với cách mạng. Sài xung phong đi B và ly dị với Tuyết.
Với một kịch bản hay, đầy sức sống, cách thể hiện chân thực, dung dị nhưng đi thắng vào tâm hồn người xem, bộ phim là minh chứng cho số phận của những con người muốn vươn lên, phá bỏ số phận ở những vùng nông thôn Việt Nam, đầy sự hoài niệm về một thời xa vắng đã qua.
Thời xa vắng từng giành giải Cánh diều bạc 2005, giải Quay phim xuất sắc nhất của Hội điện ảnh Việt Nam năm 2005 và giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất trao cho Hồ Phương Dung tại Liên hoan phim quốc tế Singapore năm 2005.
- 6
Bến không chồng
Tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng được trao giải thưởng của Hội nhà văn năm 1991. Đến năm 2000, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chuyển thể thành kịch bản phim.Một cảnh trong phim
Bến không chồng là một câu chuyện xoay quanh cuộc đời của những người đàn bà ở làng quê miền Bắc hiền hòa, những số phận đó đang khắc khoải chờ đợi những người đàn ông của mình đang chiến đấu ngoài mặt trận. Khi Vạn, người lính chiến trường Điện Biên Phủ trở về, làng quê anh lúc đó là một "bến không chồng" buồn bã. Hạnh - cô gái xinh đẹp đầy sức sống xuất hiện giữa cuộc đời Vạn, đó là lúc những bi kịch bắt đầu cùng lúc với những phút giây hạnh phúc tột đỉnh hiếm hoi...
Những tình huống thắt nút, cởi nút được Lưu Trọng Ninh khéo léo đan xen. Đã có những tranh cãi về việc chuyển thể, nhưng không thể phủ nhận những thước phim giàu chất điện ảnh mà Lưu Trọng Ninh gửi gắm trong Bến không chồng.
Phim có nhiều cảnh quay đẹp. Những bông hoa gạo đỏ rực và những người phụ nữ ngồi lặng thinh trên bến nước như một nỗi ám ảnh. Bến không chồng vẫn được đánh giá là bộ phim thành công nhất của đạo diễn Lưu Trọng Ninh tính đến thời điểm hiện tại. Đây cũng là bộ phim có sức ám ảnh dai dẳng nhất về số phận người lính thời hậu chiến.
- 7
Đất Phương Nam
Đất phương Nam là một bộ phim truyền hình đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, do Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) sản xuất năm 1997.Một cảnh trong phim
Bộ phim là một câu chuyện về cuộc sống của những con người dân quê bình dị trong thời cuộc loạn lạc, thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Mỗi số phận, mỗi cảnh đời trong từng trang tiểu thuyết đã bước ra bằng xương, bằng thịt trở thành những nhân vật trong phim.
Phim bắt đầu từ số phận của cậu bé An. Do nghịch cảnh mất mẹ, cậu bé An trôi dạt tha phương trên bước đường đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những cảnh đời ngang trái, những mảnh đời lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của phong kiến và thực dân. Giữa đất trời mênh mông nhưng các người nông dân phải chịu cảnh mất đất đai; được mùa nhưng không giữ được vật phẩm. Hoàn cảnh đã đưa đẩy họ trở thành những người nông dân khởi nghĩa. Tuy gặp nhiều khó khăn giữa dòng đời, An vẫn luôn sống trong lòng nhân ái, đùm bọc của đồng bào. Đó là nguồn động lực đưa cậu vượt qua những khó khăn gian khó.
Chính bộ phim đã đem đến thành công cho Hùng Thuận (vai An) mà đến tận bây giờ vẫn còn in trong tâm trí khán giả một cậu bé có đôi mắt đen láy, thông minh và dũng cảm.
Bộ phim đã đạt giải A của Hội điện ảnh (1997) và giải Mai Vàng lần thứ III_1997 dành cho đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.
- 8
Mùa len trâu
Chuyện phim dựa trên tác phẩm Mùa len trâu trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Bộ phim kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ 20. Mỗi khi mùa mưa về, nước tràn ngập mọi nơi, có những người làm nghề "len trâu", đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ.Đây là bộ phim đầu tay của đạo diễn trẻ Nguyễn Võ Nguyên Minh và được khởi quay từ năm 2003
Bộ phim đã dành được khá nhiều giải thưởng danh giá: giải Giải đặc biệt ở LHP Locarno (Thụy Sĩ), Giải đạo diễn xuất sắc nhất ở LHP Chicago (Mỹ), Giải cao nhất, Grand prix của LHP Amiens ( Pháp), Giải đặc biệt của LHP Amazonas (Brasil).
Hầu hết những tác phẩm được dựng thành phim đều là tác phẩm của các nhà văn thế hệ trước. Về sau này, nền văn học hiện đại những tác phẩm được chuyển thành phim rất hiếm hoi. Khán giả có thể thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật nổi bật trong đó có: Kính vạn hoa, Nữ sinh (Nguyễn Nhật Ánh), Ngũ quái Sài Gòn (Bùi Chí Vinh) hay Cải ơi (từ Cải ơi và Biển đời mênh mông) và Cánh đồng bất tận (truyện ngắn cùng tên) của Nguyễn Ngọc Tư...