Phận bèo bọt của ca sĩ Việt chạy show "chuồng gà"
(Giúp bạn)Chuyện mất cắp, trấn lột hay thậm chí là "hỏi thăm" bằng nắm đấm diễn ra nhan nhản khắp các sân khấu "chuồng gà".
Theo chân một nghệ sĩ đến với sân khấu chuồng gà, có đi mới biết, một ca sĩ phải đối mặt với bao nhiêu rủi ro khi nhận lời mời hát tỉnh. Những con đường quanh co, ngoằn nghèo, gập ghềnh và tối mịt dần đưa họ đến với khán giả. Hành trình này xuất hiện hằng ngày trong lịch trình bay show của họ. Vì thế, độ rủi ro cũng rất cao, chẳng ai biết được điều gì đang đợi họ trên con đường ấy.
Điều đáng nói là khi đến với sân khấu "chuồng gà", không phải ca sĩ nào cũng được nghênh đón. Chỉ cần khán giả ở đó không có cảm tình, ca sĩ sẽ được họ chào đón bằng dùi cui và mã tấu. Vậy mới có chuyện, chàng ca sĩ C.V.C phải chui lỗ chó để vào được sân khấu, và bầu sô của đêm diễn hôm đó phải thuê một đám thanh niên cao to đứng bao quanh điểm diễn bảo vệ cho nam ca sĩ này. Nghe như chuyện đùa, nhưng đó hoàn toàn là sự thật, thậm chí ở những sân khấu nhỏ xíu này còn lắm chuyện nực cười cực "khó đỡ".
Trước ngày diễn, băng-rôn được treo la liệt khắp nơi, những cái tên đậm chất Tàu như Quách Tiểu Doanh, Lý Gia Hân… xuất hiện nhan nhản, khiến người xem có cảm giác ở đây chuẩn bị diễn ra đại hội võ lâm chứ không phải là một show ca nhạc.
Đội minh họa gắn mác trai làng
Nếu ai đó nói sân khấu tỉnh là một ván bài, thì bầu sô và ca sĩ đều là những con bạc khát nước, chỉ có điều nếu so sánh về thực lực, các ca sĩ lại có phần thua thiệt. Vì sự tính toán hạ thấp chi phí đến hết mức có thể của bầu sô, nên phòng thay đồ của ca sĩ cũng bị bỏ qua, đội bảo vệ cũng luôn tồn tại ở con số thấp nhất. Thế nên phía sau cánh gà, ca sĩ thường bị khán giả bao vây tứ phía.
Người xin chụp ảnh, kẻ xin chữ ký. Những mảnh giấy bé bằng hai ngón tay được khán giả chiêu dụng để có được chữ ký của thần tượng, hoặc đôi khi gấp gáp, chữ ký của ca sĩ còn được "vẽ" đại trên một cuốn vở học sinh. Bị dồn qua, ép lại, bị người này sờ soạng, người kia túm tóc, khi bước ra khỏi đám đông, ca sĩ nào cũng rơi vào trạng thái bơ phờ, có khi còn bị mất của.
Nhưng nếu ai đó có ý từ chối cho chữ ký, thì ngay lập tức từ vị trí thần tượng, các ca sĩ sẽ bị hạ xuống làm kẻ thù và có thể bị fan "ra tay" không thương tiếc. Sau cánh gà đã lộn xộn, đến lúc trình diễn còn nhốn nháo hơn nhiều. Tình trạng khán giả ùn ùn kéo lên sân khấu là chuyện thường ngày ở huyện. Nhẹ nhàng thì nhảy nhót, múa minh họa, nặng nề hơn thì bá vai, kéo cổ, bắt ca sĩ tự sướng khi đang hát, hay thậm chí đòi chữ ký cho bằng được, mặc cho tay ca sĩ còn đang bận cầm micro. Những hành động này khiến những ca sĩ lần đầu chạy show tỉnh không khỏi bối rối và hoảng loạn.
Ca sĩ Khánh Phương, một trong những cái tên rất "hot" ở sân khấu tỉnh chia sẻ: "Nếu đi hát ở những sân khấu lớn, ca sĩ chỉ việc lên hát xong rồi về thì ở sân khấu tỉnh ngoài việc khuấy động không khí, Phương còn phải cố gắng không làm mếch lòng khán giả. Nhiều khi đang hát, một số người không ngại nhảy lên ôm hôn. Mặc dù biết đó chỉ là hành động thể hiện sự yêu quý, nhưng nó cũng khiến Phương bối rối và rất đau.
Những người khác lại lên sân khấu trong tình trạng say xỉn, họ bá vai, kẹp cổ, vò đầu hoặc lấy mũ ụp lên đầu ca sĩ khi chúng tôi đang hát trên sân khấu. Những lúc như thế đòi hỏi người ca sĩ phải rất khéo léo, vừa cứng vừa mềm để không làm phật lòng khán giả".
Ca sĩ đang hát bị kéo ra tự sướng
Trong khi đó, một cái tên khác đang sở hữu không ít ca khúc hit trên các website âm nhạc, cũng dở khóc dở cười khi kể lại câu chuyện: “Lần đó, tôi đang hát trên sân khấu thì bỗng nhiên có khoảng 3,4 thanh niên nhảy lên. Ban đầu họ tỏ ra thân mật, bắt tay, cười đùa nhưng sau đó lại trở giọng xin đểu: Anh cho em xin cái đồng hồ.
Khi tôi chưa kịp phản ứng, một thanh niên khác lại đe: Anh cho nó đi, nếu không, tí nữa anh khó về. Trong hoàn cảnh đó, không còn cách nào khác, tôi phải cởi đồng hồ để bảo đảm sự an toàn của mình và quản lý. Sự việc này tái diễn nhiều lần đến nỗi mỗi lần đi diễn, tôi không dám mang theo mình bất cứ thứ gì quý giá”.
Đó là còn nhẹ nhàng với các nghệ sĩ có tiếng, ca sĩ hát lót còn tệ hơn thế. Không nổi tiếng đến nỗi bị đám đông vây kín, nhưng họ không tránh khỏi những lời đề nghị khiếm nhã từ đám trai làng. Ca sĩ L.G.H trong lúc đang chờ đến lượt mình hát, một thanh niên bỗng xuất hiện và đề nghị: "Để cho anh dắt tay em lên sân khấu nhé". Ngỡ ngàng, cô chỉ biết lắc đầu nguầy nguậy với nụ cười ngượng ngập.
Làm hài lòng khán giả tỉnh không phải là chuyện dễ
Một gương mặt quen mặt với sân khấu tỉnh, ca sĩ Q.T.D chia sẻ: "Hát ở sân khấu tỉnh cát-xê không cao và lắm lúc cũng gặp phải tình huống dở khóc dở cười. Chuyện mất đồ rất hay xảy ra nhưng may quá, hôm nay chưa bị sao".
Chuyện mất đồ ở sân khấu "chuồng gà" dường như đang trở thành một cái lệ, vì thế nhiều ca sĩ vừa hát vừa lo ngay ngáy. Chốc chốc, lại tranh thủ chạy lại sau cánh gà dặn dò: "Giữ túi giúp em với nhé".
Với khoảng caste khoảng 300, 400 nghìn đồng, không là gì so với các ca sĩ có tiếng nhưng những ca sĩ hát lót phải lao động rất cật lực, nhất là những ngày ca sĩ “ngôi sao” đến muộn. Họ phải tìm cách diễn trò, tìm mọi cách giúp ông bầu cầm chân khán giả. Cũng mang tiếng là ca sĩ nhưng phận hát lót bạc bẽo hơn nhiều.
Nếu vô tình đang hát mà ca sĩ “ngôi sao” đã đến, họ phải tạm ngưng hoặc vừa hát vừa nghe tiếng chửi rủa, thậm chí là cả ném đá nếu người dân ở đó không phải tuýp người hiền lành. Thế nhưng, vì miếng cơm manh áo, ca sĩ hát lót vẫn phải nuốt nước mắt vào trong, mỉm cười giả lả trên sân khấu.