Phim Việt: Sự xuống cấp của những tên tuổi lớn
(Giúp bạn)Nếu chúng ta nói cái sự "dở" như một căn bệnh của phim truyền hình (TH) thì có lẽ nó dần dà đã trở thành bệnh nan y khó chữa trị khi các nhân tố tạo dựng lên phim ngày càng trở nên xuống cấp. Căn bệnh này đã thành sự thất vọng của người xem với phim TH khi liên tục dành những cái lắc đầu chán nản mỗi lần nhắc đến.
Những tế bào gây bệnh "dở"
"Có bột mới gột nên hồ", không có kịch bản thì bộ phim chẳng thể hình thành. Các nhà làm phim hầu như luôn than thở việc tìm được kịch bản để làm phim không phải điều đơn giản. Mỗi năm, cả nước sản xuất khoảng trên hàng ngàn tập phim truyền hình, với trung bình khoảng 30 - 40 tập/ bộ phim. Số lượng phim ngày càng nhiều buộc kịch bản phải ào ào ra đời để đáp ứng, nhưng những người biên kịch chuyên nghiệp có tay nghề thì chẳng có mấy ai.
Thậm chí ngay cả người viết kịch bản có tiếng là chuyên nghiệp như nữ nhà văn T.L. cũng khiến người trong nghề ngỡ ngàng về sự xuống cấp của chị. T.L. nhận viết 30 tập phim truyền hình ca nhạc theo đặt hàng của một hãng phim, nhưng đến ngày đoàn phim bấm máy thì chị chỉ mới giao 20 tập phim và hứa hẹn sẽ giao tiếp 10 tập còn lại sau. Lịch phát sóng và kế hoạch sản xuất của phim đã được định sẵn buộc đạo diễn và đoàn làm phim không thể chờ cho xong kịch bản, phải quay trước. được tập nào thì hay tập ấy và vừa quay vừa đợi kịch bản của chị. Kịch bản "nóng hổi" không có thời gian biên tập, tại trường quay đạo diễn vừa chỉ đạo quay phim, vừa phải ngồi sửa.
Kịch bản yếu vì chị T.L. nhận viết nhưng lại thẩy qua một nhóm "đệ tử" vốn non yếu tay nghề viết chung. Đạo diễn đọc và cảm nhận kịch bản này không phải chị viết vì theo đạo diễn thì người có tiếng như chị T.L. không thể viết tệ như vậy được. Đạo diễn điện thoại hỏi thì chị lại trả lời rất thản nhiên (đến ngạc nhiên): "Phải thông cảm cho chị chứ, chị nhiều show quá, chạy một lúc sao viết được hết". Tất cả mọi người trong đoàn phim tỏ ra bất bình, vì thực sự bộ phim có rất nhiều ngôi sao ca nhạc tham gia và thời gian cũng như tên tuổi của họ cũng quan trọng không kém cái tên chị T.L. trên kịch bản phim.
Một nam ca sỹ bất bình: Nếu như chị T.L. không có thời gian và tâm huyết để viết thì có thể từ chối nhà sản xuất và để họ mời người khác, chứ làm thế này khác nào giết cả một đoàn phim. Chưa hết, chị T.L. còn yêu cầu nhà sản xuất trả thêm tiền biên tập cho chị để chị biên tập lại kịch bản từ nhóm đệ tử viết kịch bản vụng về. Tiền biên tập chị vẫn nhận, nhưng cả đạo diễn lẫn diễn viên vẫn khóc thét. Đạo diễn T. hét lên: "Trời ơi, bà T.L. viết kịch bản ghê quá, sao mà sửa?".
Có những lúc đoàn phim quay ở hiện trường, đạo diễn cho đoàn phim quay phân đoạn này, thì phó đạo diễn phải ngồi viết kịch bản để quay cảnh sau, thậm chí anh phải bỏ hết nội dung 2 tập cuối của phim mà chị T.L. viết và viết lại hoàn toàn. Vai trò của biên kịch rất quan trọng với một tác phẩm thế nhưng chúng ta lại đang biến nó trở nên xuống cấp thì làm sao hi vọng có được những tác phẩm giá trị.
Người ta vẫn kêu ca về kịch bản, khâu quan trọng nhất của phim truyền hình, đang rất yếu và rất thiếu thì vẫn có những phản ứng kêu ca về diễn viên đang rất nhiều nhưng lại vô cùng yếu.Vai diễn thì ít, diễn viên thì nhiều vô kể, ngoài những diễn viên chuyên nghiệp thì ca sĩ, người mẫu, vận động viên, doanh nhân v.v… cũng lần lượt trở thành diễn viên chuyên nghiệp do đóng phim nhiều. Với những người phù hợp với vai diễn hóa thân thành công vào nhân vật thì không bàn luận nhưng vấn đề đặt ra ở chỗ tại sao biết không hợp mà vẫn vào vai? Diễn viên chưa phấn đấu trong kỹ năng diễn xuất, lại thèm khát được lên truyền hình hơn là sự trau dồi kiến thức về nghề và làm nghề.
Trường hợp như Q.T., cô diễn viên từ Hà Nội vào TP HCM lập nghiệp, đến gặp giám đốc một hãng phim khi biết bên anh chuẩn bị làm phim 40 tập và sẽ phát trên sóng HTV. Q.T. nói không ngần ngại, cô sẽ không lấy cát sê và nếu đạo diễn cho cô vai chính thì anh sẽ nhận được thêm 100 triệu đồng. Không cần xem qua kịch bản phim, không cần biết ai làm đạo diễn, không cần biết diễn chung với ai, không cần luôn cả tiền cát sê … Và nhiều cái không cần khác để đổi một cái cần là có mặt trên phim?
Một bộ phim khác của đạo diễn N. được một hãng phim mời làm, nhưng phần chọn diễn viên thì anh không được quyền quyết định, mà do nhà sản xuất chỉ định. Với những cơ chế làm việc và chọn diễn viên như vậy hỏi thử sao phim thành công. Chưa kể với thời lượng hiện nay hầu như mỗi phim truyền hình đều không được phép quay quá 3 ngày/ tập phim, thậm chí có những phim chỉ quay trong 1 ngày/ 1tập phim.
Đạo diễn X.P. người nổi tiếng trong nghề là sản xuất phim công nghiệp nhanh - ẩu - rẻ. Một cảnh quay với 3 trang giấy A4 lời thoại của 8 diễn viên, anh dùng hai máy quay, một máy trên dolly và một máy lấy trung cảnh, lúc zoom vào người này, lúc zoom vào người khác. Máy chạy, anh cho diễn viên diễn, ở ngoài có một người nhắc thoại cho diễn viên, diễn viên cứ vậy mà lặp lại sau tiếng nhắc ấy. Khi người nhắc thoại hô "hết thoại" là lúc anh hô "cut" rồi quay qua hỏi trợ lý : "Lời thoại đúng không?". Anh trợ lý gật đầu, coi như cảnh quay hoàn tất.
Với những kiểu quay như vậy thì làm sao diễn viên diễn tốt được, làm sao học thuộc thoại được để diễn, làm sao đạo diễn có thể chuyên tâm theo sát từng hành động, cảm xúc của nhân vật? Tại sao diễn viên dù biết đạo diễn làm phim ẩu, làm phim dở nhưng vẫn đóng? Chẳng lẽ trong sân chơi này họ không có quyền lựa chọn cho mình, hay nỗi khát khao danh vọng, đồng tiền, và sự cần phim buộc họ quên đi tất cả?
Anh M., giảng viên trường Đại học sân khấu - điện ảnh tâm sự, những học viên các khóa anh đào tạo gần đây hầu như ai cũng nghĩ mình biết diễn và diễn hay, học chỉ là chuyện phụ vì đây là môn nghệ thuật mà, năng khiếu là chính. Thậm chí theo anh với những diễn viên đã ra trường hay những người làm nghệ thuật cũng chưa ai chịu nhận mình dở, không ai nghĩ rằng mình cần phải trau dồi kiến thức và vốn sống để sống với nghề. Nếu có nhận họ sẽ nhận rằng lí do mình chưa thành công, chưa nổi tiếng là do chưa may mắn hoặc cùng lắm là vì không đẹp bằng những ngôi sao kia thôi, chứ không ai nhận là do mình dở và cần phải học hỏi.
Cẩu thả không chỉ trong cách làm việc mà ngay cả trong việc tuyển dụng nhân sự. Ông C.K.U., giám đốc sản xuất một bộ truyền hình đang bấm máy ở miền Tây, nhưng nhân sự làm việc từ ánh sáng, quay phim, thiết kế đều là người nhà của ông ở ngoài miền Bắc vào làm, với cơ chế "tạo điều kiện cho người nhà đi làm kiếm tiền", thêm nữa là lương nhân sự trả theo giá "người nhà" rẻ hơn phải thuê. Tổ thiết kế trong đoàn phim của ông chỉ có 3 người, làm việc ì ạch, họ hầu như toàn những người chưa làm phim và không hiểu biết tính chất công việc, họ chỉ nghĩ đơn giản làm thiết kế đoàn phim thì lo mấy cái đạo cụ lặt vặt trong phim.
Cho là đơn giản thế đi, nhưng kịch bản không biết đọc, kế hoạch quay không biết xem, kiến thức không cao dẫn đến là không biết làm. Đã thế khi đồng nghiệp trong đoàn phàn nàn thì lại lên tiếng rằng: "Anh U. có dặn rồi, tổ có 3 người, chẳng việc gì phải xoắn, cứ từ từ mà làm". Việc chuẩn bị đạo cụ diễn xuất cho diễn viên không làm được, gây ảnh hưởng đến tiến độ quay của cả đoàn, mà họ nói chuyện nhẹ bâng không một chút lo lắng, trong khi ông U. làm giám đốc lại yêu cầu đoàn phim chỉ được quay 2 ngày/ một tập phim và khi đạo diễn yêu cầu thay tổ thiết kế khác ông lại từ chối.
Nhà sản xuất (NXS) với mục đích bóp chặt kinh phí làm phim càng rẻ càng tốt, quay ít ngày để tiết kiệm tiền, tiết kiệm cắt xén mọi mặt có thể, dồn những người làm phim phải chạy theo thì làm sao một bộ phim ra đời được chất lượng. Tất nhiên là NSX bao giờ cũng phải tính toán làm sao để có lời, nhưng không có nghĩa vì sự tham lời mà đồng nghĩa với việc quên luôn nghệ thuật, quên luôn khán giả. Từ đó biến mục tiêu NSX quan tâm không phải hay dở, mà chỉ cần ít tiền và có phim phát sóng.
Có thuốc nhưng không muốn trị
Đài truyền hình là nơi những bộ phim truyền hình được phát sóng và truyền đến khán giả, họ phải có trách nhiệm về những sản phẩm phát trên sóng truyền hình của mình. Thế nhưng nhà đài lại dửng dưng vì họ chỉ có trách nhiệm khoán cho nhà sản xuất vào khoảng 180 triệu/ một tập phim được phát sóng. Phim hay dở gì cũng thế, nếu phim được nhiều quảng cáo, thì nhà đài sẽ thưởng thêm cho NXS. Khi kinh phí được cào bằng đặt ra như vậy, thì nhà làm phim phải tính toán để không vượt kinh phí.
Mặt khác càng tiết kiệm thì càng lời nhiều. Người sản xuất phim thì chỉ cần có phim lên sóng để có tiền từ đài, bên cạnh thì nhà đài chỉ việc chiếu phim thu tiền quảng cáo, không cần biết khán giả có xem hay không, không cần biết khán giả khen hay chê. Ngày trước khi có ít phim truyền hình, khán giả có thể liên tục theo dõi phim liền mạch suốt tuần, nhưng với số lượng phim ồ ạt như hiện nay, phim dài tập nhưng một tuần chỉ được chiếu hai ngày, khán giả muốn theo dõi tập tiếp theo phải đợi đến 5 ngày sau, khiến khán giả đôi khi quên luôn cả phim.
Việc gián đoạn thời gian chiếu như vậy vì để số lượng phim được chiếu không phải chờ đợi, vì chờ phim này chiếu xong đến phim mình thì nhà sản xuất bị ngâm vốn, do phim chưa chiếu thì chưa lấy được tiền. Thành ra khán giả là người thiệt thòi, họ thắc mắc chẳng hiểu vì sao dạo này phim truyền hình lại chiếu kì cục như vậy và chất lượng lại tệ như vậy?
Tại sao nhà đài không kiểm soát và để những phim kém chất lượng phát sóng? Nếu như họ cương quyết không chiếu phim Sức mạnh của nhà đài có thể nuôi sống các hãng phim, nhưng cũng chính nhà đài là người đang giết dần phim truyền hình, đem căn bệnh phim dở đổ ập lên sóng mà người chịu đựng là hàng triệu người ngồi trước vô tuyến truyền hình.