Phụ nữ đầu tiên được phong hầu trong lịch sử Trung Quốc
(Giúp bạn)Dù nhớ lâu thù dai nhưng Lưu Bang vẫn có thể coi là khá rộng lượng. Người chị dâu đã đối xử tệ bạc với họ Lưu sau đó vẫn được hưởng các loại biệt đãi của hoàng thân quốc thích. Thậm chí Lưu Bang còn phong cho chị dâu tước Âm An Hầu, trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc được phong hầu…
Hán Cao Tổ Lưu Bang là con thứ ba và cũng là con út trong nhà. Vì thế, ban đầu, Lưu Bang vốn có tên là Lý Quý (Quý có nghĩa là con út). Sau này lớn lên thấy tên “Quý” không được nhã cho lắm, Lưu Bang mới quyết định đổi tên thành “Bang”.
Lưu Bang sinh vào năm 256 trước Công nguyên (cũng có thuyết nói ông sinh năm 247), nghĩa là chỉ nhỏ hơn Tần Thủy Hoàng Doanh Chính, bạo chúa đã thống nhất cả Trung Hoa khoảng 3 tuổi.
Lưu Bang là người ấp Phong, nay là huyện Phong, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, lúc bấy giờ, vùng đất này vẫn thuộc về nước Sở. So sánh với người có xuất thân cao quý như Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang thực tế chỉ là một đứa con trong gia đình bình thường, một đứa trẻ của gia đình nông dân.
Cha ruột của Lưu Bang tên là Lưu Chấp Gia (sau này Lưu Bang trở thành hoàng đế mới đổi thành Lưu Thái Công), là một nông dân không được học hành, song lại là người hiền lành, chất phác và chăm chỉ nên gia đình cũng có thể coi là hạng trung nông.
Còn mẹ của Lưu Bang người ta đều gọi là Lưu Ấu (nghĩa là con dâu nhà họ Lưu), cũng là một phụ nữ nông thôn chân chất. Người ta kể rằng, một hôm, mẹ của Lưu Bang lên núi lấy củi thì gặp đúng lúc sấm chớp đùng đùng.
Lưu Chấp Gia cảm thấy lo lắng, mới lên núi tìm vợ. Tuy nhiên, khi tới nơi thì Lưu Chấp Gia lại thấy một con rồng đang phủ lên người của Lưu Âu. Không lâu sau đó, Lưu Âu mang thai và một năm sau thì sinh ra Lưu Bang.
Lưu Bang trên phim |
Thực tế thì ai cũng biết đây chỉ là câu chuyện nhằm thần thánh hóa nguồn gốc của Lưu Bang sau khi họ Lưu lên ngôi hoàng đế. Còn sự thực thì có lẽ là hai vợ chồng Lưu Chấp Gia cùng nhau lên núi, trong lúc tránh sấm chớp mưa bão đã có một cuộc dã hợp nên mới sinh ra Lưu Bang.
Lưu Âu sinh cho nhà họ Lưu một nữ và ba nam, ngoài Lưu Bang còn có hai người anh trai nữa. Sau đó không lâu, Lưu Âu mắc bệnh qua đời. Lưu Chấp Gia không chịu cảnh cô đơn, quyết định đi bước nữa.
Cuộc hôn nhân lần thứ hai, Lưu Chấp Gia có thêm một người con trai nữa, đặt tên là Lưu Giao. Người anh cả của Lưu Bang trước đều gọi là Lưu Lão Đại, sau mới đổi thành Lưu Bá (mang ý nghĩa là anh cả), giống hệt bố, chỉ biết tới việc đồng áng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, ngoài ra không biết gì khác.
Nhưng cũng vì quá lao lực mà sinh bệnh nên Lưu Bá qua đời từ khi còn rất sớm. Người chị dâu cả một mình nuôi con, nhất định không chịu tái giá, dù cuộc sống rất khó khăn. Cũng có thể là do nghèo khổ, ít khi nhìn xa, người chị dâu này khá ích kỷ và khắt khe vì thế vô cùng khinh người em chồng suốt ngày chỉ là cà rong chơi, chẳng biết tới làm việc là gì như Lưu Bang.
Người anh thứ hai của Lưu Bang tên là Lưu Trọng. Kể từ sau khi anh cả qua đời, Lưu Trọng trở thành lao động chính trong gia đình, nắm giữ toàn bộ sinh kế của gia đình. Nhờ Lưu Trọng chăm chỉ làm việc, nên dù gia cảnh nhà họ Lưu không phải giàu có nhưng cũng có chút tích lũy.
Nhờ vậy, Lưu Trọng được Lưu Chấp Gia vô cùng yêu quý. Họ Lưu thường xuyên lấy việc Lưu Trọng làm được việc như thế nào để trách mắng Lưu Bang chỉ biết ăn chơi, chẳng làm nên trò trống gì. Ngày nay, việc lấy ưu điểm của đứa con này để chỉ trích khuyết điểm của đứa con khác được coi là cách giáo dục phản tác dụng và tuyệt đối kiêng kỵ.
Tuy nhiên, Lưu Thái Công lúc bấy giờ đâu có hiểu chuyện đó, vì thế, mối quan hệ giữa Lưu Bang và Lưu Trọng trong nhà không mấy hòa hợp. Sau này, khi Lưu Bang kêu gọi tạo phản, chống lại triều đình nhà Tần, Lưu Trọng nhát gan, sợ liên lụy nên lấy cớ cha già cần có người chăm sóc, bỏ về quê, từ đó về sau không ra ngoài nữa.
Người em cùng cha khác mẹ với Lưu Bang tên là Lưu Giao. Do là con của người vợ hai nên từ nhỏ, Lưu Giao đã được chăm bẵm rất tử tế. May mắn là Lưu Giao cũng là người thích học hành, đa tài, đa nghệ, là “tú tài” duy nhất trong gia đình họ Lưu, có chút khí chất của một văn nhân.
Lưu Giao từ nhỏ đã không phải động chân động tay vào việc làm nông. Gia đình họ Lưu rất kỳ vọng Lưu Giao có thể trở thành một văn nhân nên cố gắng bồi dưỡng, tạo điều kiện để Lưu Giao học hành.
Lưu Giao từng tới Sơn Đông theo Phù Khưu Bá, là học trò của Tuân Tử để học “Kinh Thi”. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, do Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn Nho, nên Lưu Giao đành phải rời Sơn Đông trở về quê cũ.
Với người em có chút chữ nghĩa này, Lưu Bang luôn nhìn bằng con mắt khác. Lưu Giao kém Lưu Bang tới hơn 20 tuổi, vì thế cũng rất hay dựa dẫm vào người anh chẳng sợ trời, cũng chẳng sợ đất Lưu Bang. Vì thế, tình cảm anh em giữa Lưu Bang và Lưu Giao tương đối tốt.
Sau này, khi Lưu Bang khởi nghĩa, Lưu Giao cũng không hề ngại ngần đi theo anh làm việc lớn, trở thành thư ký cơ yếu bên cạnh anh trai của mình. Khi Lưu Bang đánh vào Quan Trung, tiêu diệt nhà Tần, Lưu Giao nhờ có công lớn được phong làm Văn Tín Quân.
Trong thời gian Sở và Hán tranh chấp, Lưu Giao vẫn ở bên cạnh Lưu Bang chinh chiến khắp nơi. Vì thế, Lưu Giao là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng cơ nghiệp nhà Hán, là “công thần” theo đúng nghĩa duy nhất của nhà họ Lưu.
Lưu Bang vốn là con út trong nhà, nhưng do vợ hai của bố sinh ra một em trai vì thế, Lưu Bang trở thành đứa con không được cả bố lẫn mẹ kế yêu quý. Tuy nhiên, từ khi mẹ ruột còn sống, Lưu Bang đã được nuông chiều quá mức khiến hình thành tích cách ngang ngạnh, phóng túng, cẩu thả chẳng giống ai.
Điều khiến Lưu Bang khó chịu nhất là an phận thủ thường, làm việc chăm chỉ cần mẫn. Khi còn nhỏ, Lưu Bang cũng đã từng tới trường đọc sách, tuy nhiên, chỉ mới vừa nhận được mặt chữ, Lưu Bang đã không thể ngồi yên trên ghế, bỏ ra ngoài đi chơi nên thường xuyên bị thầy giáo trách phạt.
Không chịu học nhưng Lưu Bang cũng không chịu làm việc đồng áng ở nhà, vì thế, Lưu Bang thường xuyên bị Lưu Chấp Gia trách mắng, nói rằng, Lưu Bang là một kẻ “vô lại”, chẳng bằng một cái móng tay của anh trai mình.
Vì chuyện này, Lưu Bang rất giận. Sau này, khi đã lên ngôi hoàng đế, nhân dịp chúc mừng ngày khánh thành cung Vị Ương, Lưu Bang đã cho mời văn võ bá quan tới dự tiệc, Thái thượng hoàng Lưu Thái Công cũng tới dự.
Trong bữa tiệc, Lưu Bang nâng chén mời Lưu Thái Công và nói: “Nhớ khi xưa cha thường trách mắng con là loại vô lại, du thủ du thực, không chịu làm ăn kiếm tiền giống như anh Lưu Trọng. Nay cha xem, so con với anh Lưu Trọng thì gia sản của ai lớn hơn?”
Bá quan văn võ nghe Lưu Bang nói vậy thì đều cười lớn, tung hô vạn tuế! Chẳng biết lúc bấy giờ, Lưu Thái Công cảm thấy ra sao.
Có một thời gian, Lưu Bang gây chuyện, động tới quan phủ, phải cùng với những bạn bè giang hồ của mình trốn vào núi vì thế phải thường xuyên tới nhà chị dâu ăn nhờ ở đậu. Nhà chị dâu đã khó, nay người em chồng là Lưu Bang lại dẫn thêm một đống người xa lạ tới ăn bám, khiến người chị dâu không khỏi khó chịu.
Một lần, khi sắp ăn cơm, chị dâu nhìn thấy Lưu Bang và nhóm bạn từ phía xa, bực mình quá liền nghĩ ra một cách để đuổi Lưu Bang về. Người chị dâu dùng môi cạo vào nồi, tạo ra âm thanh rất to. Nhóm bạn của Lưu Bang từ xa đã nghe tiếng cạo nồi, tưởng rằng chị dâu đã ăn xong, đang rửa nồi niêu nên vừa đến cổng đã quay đi.
Tuy nhiên, khi Lưu Bang vào trong nhà mở nồi thì thấy đồ ăn thức uống đều đầy đủ. Tâm trạng lúc ấy của Lưu Bang khiến cả đời ông không quên. Sau này, khi lên ngôi hoàng đế, Lưu Bang phong vương phong hầu cho tất cả họ hàng thân thích của mình, duy chỉ chừa lại một người chị dâu.
Lưu Thái Công thấy thế tới hỏi Lưu Bang có phải đã quên mất chị dâu hay không, Lưu Bang nói, chuyện phong hầu là chuyện lớn, con làm sao quên được. Chỉ vì chị dâu trước đây đối xử với con tệ quá mà thôi.
Tới năm thứ hai, Lưu Bang miễn cưỡng phong cho đứa cháu trai con của anh cả Lưu Bá và chị dâu làm Canh Hiệt hầu (Canh Hiệt có nghĩa là cạo nồi). Rõ ràng, dù là phong hầu nhưng Lưu Bang vẫn chưa quên được chuyện xưa.
Tuy nhiên, dù nhớ lâu thù dai nhưng Lưu Bang vẫn có thể coi là khá rộng lượng. Người chị dâu đã đối xử tệ bạc với họ Lưu sau đó vẫn được hưởng các loại biệt đãi của hoàng thân quốc thích. Thậm chí Lưu Bang còn phong cho chị dâu tước Âm An Hầu, trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc được phong hầu.