Rằm tháng 7 ở các nước châu Á
(Giúp bạn)Rằm tháng 7, hay còn được gọi là lễ “xá tội vong nhân”, là một ngày lễ lớn, quan trọng trong phong tục của nhiều nước Á Đông. Lễ này trùng với lễ Vu Lan, vốn là lễ báo hiếu, cũng là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo.
- 1
Ở Việt Nam
Rằm tháng 7 là dịp lễ lớn, cả nhà chùa và các gia đình đều làm lễ. Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào xẩm tối vì lúc này mặt trời đã lặn, cửa âm phủ đã đóng. Vào ngày này, những gia đình có điều kiện đều cúng hai mâm: một mâm cúng tổ tiên tại bàn thờ và một mâm cúng chúng sinh (cúng cô hồn) đặt ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè.
Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày một mâm cỗ mặn, tiền vàng và những vật dụng cá nhân dành cho người cõi âm làm bằng giấy (vẫn gọi là đồ hàng mã) những mong người cõi âm có được một cuộc sống tiện nghi, đầy đủ giống như người dương thế.
Trên mâm cúng chúng sinh, lễ vật gồm có: quần áo chúng sinh bằng giấy nhiều màu, các loại bỏng gạo, ngô khoai, bánh kẹo, cháo trắng hoặc cháo hoa, tiền vàng, nước lã hoặc rượu, cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà khắp tứ phía sau khi cúng xong) và còn có thể cài thêm cả chút tiền lẻ.
Cô hồn thực ra là ma đói, không nơi nương tựa, không người thờ cúng, khi cúng chúng sinh xong người ta thường gọi những đứa trẻ xung quanh đến rồi cho chúng cùng nhảy vào tranh cướp mâm cúng, hình ảnh đó tượng trưng cho những cô hồn đang cướp cỗ.
Ngoài ra, vào ngày này, ở chùa cũng hay có lễ phóng sinh, thả chim, thả cá về với môi trường sống của chúng.
Ngoài ra, ở một số vùng miền của Việt Nam, trong ngày lễ Vu Lan, vốn được coi là ngày dành cho mẹ, những người có mẹ còn đang sống sẽ cài một bông hồng đỏ lên áo và sẽ báo hiếu mẹ trong ngày này. Những người không còn mẹ nữa sẽ đeo một bông hồng trắng, tới chùa cầu kinh để linh hồn mẹ được an lành, siêu thoát.
- 2
Ở Nhật Bản
Ngày lễ này thường được tổ chức vào Rằm tháng 7 hoặc Rằm tháng 8. Trong ngày này, để bày tỏ những ước nguyện của mình với gia tiên đã khuất, người ta viết ước nguyện ra giấy rồi treo lên cây trúc với hy vọng điều ước đó sẽ trở thành hiện thực.
Ngày lễ Rằm tháng 7 ở Nhật Bản qua nhiều đời đã dần mang thêm một nét nghĩa mới, trở thành dịp để gia đình đoàn tụ, khi đó, những người đi làm ở xa cũng sẽ quay về nhà để cả đại gia đình thăm viếng mộ tổ tiên.
Vào dịp này, ở Nhật cũng thường tổ chức những hoạt động văn hóa - văn nghệ, những điệu múa truyền thống là không thể thiếu. Tục lệ này đã được duy trì trong suốt hơn 500 năm.
- 3
Ở Trung Quốc
Các tục lệ có nhiều nét tương đồng với người Việt Nam. Thêm vào đó, người Trung Quốc còn có tục thả thuyền giấy hoặc đèn hoa đăng trên sông vào buổi tối như một cách để chỉ đường dẫn lối cho những linh hồn phiêu dạt khỏi bị lạc, biết đường trở về âm phủ trước khi cửa đóng hẳn.
Vào dịp này, ở Trung Quốc cũng thường tổ chức văn nghệ quần chúng, mời người dân địa phương đến xem, hàng ghế đầu tiên luôn là hàng ghế trống, để dành cho các linh hồn tới cùng chung vui.
- 4
Ở Singapore và Malaysia
Những buổi văn nghệ quần chúng là nét văn hóa nổi bật trong dịp lễ này. Những sân khấu dựng tạm là nơi để các ca sĩ, vũ công nghiệp dư biểu diễn. Tiền dựng rạp và thuê người biểu diễn sẽ do người dân địa phương cùng nhau quyên góp.
- 5