Show thực tế: Nhiều sạn vẫn lắm người xem
(Giúp bạn)Chương trình "sạch", ít người xem trong khi những show lắm scandal thì rating tăng vọt. Khán giả Việt luôn có nhu cầu được thưởng thức những chương trình sạch, tuy nhiên con số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay dù cho năm qua là một năm bùng nổ Truyền hình thực tế (THTT).
- 1
Sự bùng nổ của Truyền hình thực tế
Kể từ năm 2006, sau sự xuất hiện của Phụ nữ thế kỷ 21, THTT đã dần trở thành một khái niệm quen thuộc đối với các khán giả Việt Nam. Cho đến nay, loại hình truyền hình này ngày càng phát triển và thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng. Đặc biệt, năm qua có thể coi là một năm nở rộ của "reality show" ở Việt Nam, cả về số lượng lẫn thể loại.
Hàng loạt những format nổi tiếng trên thế giới được các công ty sản xuất Việt hóa và phát nhan nhản trên sóng truyền hình vào các ngày cuối tuần. Hùng hậu nhất trong số đó phải kể đến những chương trình tìm kiếm tài năng.
Năm 2012 là một năm bùng nổ của THTT ở Việt NamVề âm nhạc thì có Thần tượng Việt Nam - Vietnam Idol (đang diễn ra mùa thứ 4), Giọng hát Việt - The Voice (mùa đầu tiên)... Ở mảng người mẫu là Người mẫu Việt Nam - Vietnam's Next Top Model (vừa kết thúc mùa thứ 3). Nhảy múa cũng có show riêng của mình là Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance (mùa thứ nhất). Trong khi đó, Vietnam's Got Talent (đang khởi động mùa thứ 2) lại là chương trình tìm kiếm tất cả các khả năng của thí sinh. Ngoài ra, không thể không nhắc đến các sân chơi có sự xuất hiện của người nổi tiếng như Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo...
Bên cạnh những cái tên quen thuộc kể trên, trong năm 2012, khán giả còn được đổi món với những "reality show" mạo hiểm như Tôi là người dẫn đầu, Cuộc đua kỳ thú - Amazing Race; những chương trình được thực hiện theo phong cách ẩn máy quay (hidden camera) như Camera giấu kín, Đùa chút thôi... Ngoài ra, không ít các chương trình thuần Việt như Sao mai Điểm hẹn, Đồ Rê Mí... cũng dần thay đổi theo hướng "thực tế".
- 2
Số lượng không đi đôi với chất lượng
Không thể phủ nhận, sự xuất hiện một cách ồ ạt của các chương trình THTT đã góp phần làm phong phú đời sống giải trí cúa công chúng, mang đến cho khán giả nhiều sự lựa chọn khi ngồi trước máy thu hình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những "reality show" này cũng biếu không cho người xem không ít "giá trị gia tăng" khó nuốt. Thậm chí, đã có lúc những món quà đi kèm này còn lôi kéo sự chú ý của dư luận nhiều hơn cả nội dung của các chương trình.
Ngay ở những số đầu tiên lên sóng, Giọng hát Việt - The Voice đã tạo nên một cơn sốt thực sự. Format mới lạ, dàn Huấn luyện viên tên tuổi cùng sự thành công của phiên bản gốc đã thu hút một lượng người xem đáng kể. Thậm chí, đã có lúc, chương trình này trở thành tâm điểm của truyền thông và cộng đồng mạng. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi 180 độ khi đoạn băng tố cáo sự lộng quyền của Giám đốc âm nhạc Phương Uyên, một tay can thiệp vào kết quả cuộc thi, có quan hệ tình cảm với thí sinh nữ... được tung lên mạng.
Có thể nói, đây là vụ scandal lớn nhất nổ ra kể từ khi THTT đến Việt Nam. Nó không chỉ ảnh hưởng đến người trong cuộc, mà còn ảnh hưởng đến ê kíp thực hiện và quan trọng hơn cả là ảnh hưởng đến đông đảo khán giả xem truyền hình. Dù sau đó, các nhân vật chính, bằng nhiều cách khác nhau, đã rời khỏi chương trình và những đêm thi vẫn diễn ra đều đặn, suôn sẻ; thế nhưng lòng tin của người xem thì đã giảm đi rất, rất nhiều.
Vụ scandal ầm ĩ của show thực tế The VoiceKhông ầm ĩ như vụ lùm xùm của Giọng hát Việt, thế nhưng câu chuyện Quỳnh Anh tại Vietnam's Got Talent năm thứ nhất lại cho thấy một sự nhẫn tâm đến mức vô cảm của đơn vị sản xuất. Đó là dùng các chi tiết dễ gây ra những phản ứng mạnh từ cộng đồng để lôi kéo sự chú ý. Dẫu cho tất cả bắt nguồn từ chính mẹ của Quỳnh Anh, tuy nhiên việc BTC sau khi biên tập hình ảnh theo hướng có lợi cho mình rồi chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm và nhường toàn bộ "gạch đá" cho cô gái 15 tuổi là một điều khó chấp nhận. Đây cũng là cách mà nhiều nhà sản xuất truyền hình trên thế giới vẫn thường làm.
Là chương trình mới, lại chỉ được phát trên một kênh truyền hình có độ phủ sóng vừa phải, thế nhưng Camera giấu kín cũng từng khiến dư luận một phen xôn xao. Đó là khi chương trình đã gài nam diễn viên Quyền Linh vào tình huống bị công an phát hiện vận chuyển trái phép chất ma túy. Tình huống oái oăm và nhạy cảm này không chỉ khiến cho Quyền Linh bị một phen chết đứng mà còn làm cho người cảm thấy sốc. Bởi hình ảnh nam diễn viên được nhiều người yêu mến bị công an tra hỏi đã được tung lên mạng trước cả khi đoạn clip lên sóng. Dù cho sau đó mọi việc đã được làm sáng tỏ, thế nhưng không ít người vẫn cảm thấy bức xúc với cách dàn dựng của chương trình này
- 3
Và những điểm sáng hiếm hoi
Có lẽ, những tiêu cực của các chương trình THTT ở Việt Nam là một câu chuyện không có hồi kết. Scandal cũ còn chưa hết ồn ào, scandal mới đã kịp xuất hiện. Tuy nhiên, trong cái viễn cảnh tối tăm ấy, vẫn còn le lói một vài điểm sáng. Đó là những chương trình hấp dẫn, chất lượng và quan trọng nhất là không lùm xùm.
Nổi bật nhất phải kể đến So you think you can dance phiên bản Việt với tên gọi Thử thách cùng bước nhảy. Là một chương trình tìm kiếm tài năng, thế nhưng ở đó không có sự “chơi chiêu” của các thí sinh, không có những màn “làm màu” của BGK, và những câu chuyện cá nhân cũng không bị nhà sản xuất khai thác một cách sa đà. Tất cả chỉ tập trung hết sức để cống hiến cho khán giả những phần trình diễn đẹp và nhiều cảm xúc nhất có thể.
Thử thách cùng bước nhảy, một trong số ít những chương trình "sạch" hiếm hoiSau những tập đầu không được chú ý nhiều, càng về sau, Thử thách cùng bước nhảy càng trở nên “đắt khách”. Chỉ tính riêng trong địa bàn TP HCM, rating của chương trình này đã vượt mặt tất cả các cuộc thi khác diễn ra cùng thời điểm. Không chỉ mang đến cho khán giả một chương trình sạch, giúp công chúng đến gần hơn với nghệ thuật nhảy múa, Thử thách cùng bước nhảy còn góp phần đưa nhiều vũ công tài năng ra ánh sáng.
Bên cạnh đó, dù không quá ồn ào nhưng các “reality show” mạo hiểm cũng để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng khán giả. Được mua bản quyền từ Amazing Race, chương trình từng đoạt 8 giảm Emmy danh giá, Cuộc đua kỳ thú đã thổi một làn gió mới vào thị hiếu xem truyền hình của công chúng. Ngoài việc cuốn hút người xem bằng những thử thách khó khăn nhưng không kém phần thú vị, bằng tinh thần thi đấu hết mình của người chơi, chương trình còn mang đến cho khán giả nhiều kiến thức mới mẻ về chính đất nước và còn người Việt Nam.
Vì nhiều lý do mà cả hai chương trình trên vẫn chưa đến được với số đông khán giả. Tuy nhiên, có một tín hiệu đáng mừng là là nếu ai đã theo dõi Thử thách cùng bước nhảy hay Cuộc đua kỳ thú thì gần như chắc chắn họ sẽ theo chương trình đến cùng và đều háo hức chờ đợi mùa kế tiếp.
Điều này cho thấy, khán giả lúc nào cũng có nhu cầu được thưởng thức những món ăn “sạch”. Duy chỉ có điều, số lượng những chương trình như vậy chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay dù cho năm qua là một năm bùng nổ của truyền hình thực tế.