Sự thật kinh hoàng 'săn máu, lấy đầu người' ở Việt Nam
(Giúp bạn)Săn máu, lấy đầu người là một tập tục từng gây nên nỗi ám ảnh về những trận chiến đẫm máu trong quá khứ của dân tộc Cơ tu ở khu vực miền Trung Việt Nam.
Trong cuốn sách "Những kẻ săn máu" (Les Chasseurs de sang) được xuất bản đầu thế kỷ 20 của Le Pichon, công bố của một người lính viễn chinh Pháp đã thực sự gây rúng động lớn trong giới nghiên cứu về dân tộc Cơ tu ở khu vực miền Trung Việt Nam. Và không ít người đã tỏ ra nghi ngờ về những điều mà Le Pichon ghi lại trong cuốn sách của mình...
- 1
Nỗi ám ảnh về những cuộc săn đầu người đẫm máu
Nhìn những bản làng yên bình với những ngôi nhà Gươl (nhà cộng đồng) nằm vắt vẻo trên dãy Trường Sơn, ít ai biết rằng, trong quá khứ tộc người này từng có những thời kỳ mang nặng hủ tục chết người - tục săn máu, lấy đầu người, một tập tục đã từng gây nên nỗi ám ảnh về những trận chiến đẫm máu trong quá khứ. Người Cơ tu sống trên núi cao, trong những nóc nhà sàn hình chiếc mu rùa. Những chiếc nhà sàn nằm vắt vẻo lưng chừng đâu đó trên dãy Trường Sơn của miền Trung Việt Nam. Những người đàn ông Cơ tu da đen, môi dày, mắt trắng, mặc khố len lỏi trong rừng như con sóc. Đàn bà Cơ tu quấn quanh mình những tấm tút dệt bằng thổ cẩm có nhiều hoa văn sặc sỡ che lấp những bộ ngực phồn thực đầy sức sống.
Những năm ba mươi của thế kỷ trước, Le Pichon là một lính viễn chinh Pháp đã đặt chân vào vùng đất huyền bí của người Cơ -tu. "Les chaseurs de sang" đã được viết ra từ những gì mà ông thấy. Thực ra, săn máu là một tập tục có thật của người Cơ -tu ở Quảng Nam, gắn liền với một tín ngưỡng về thần linh và mùa màng. Đó là thời đại của các chiến binh rừng rậm diệt ác thú trên rừng, bắt thuồng luồng cá sấu dưới sông dưới suối, kiêu hãnh mang về đặt dưới chân những cô gái đứng trước sân nhà Gươl. Người anh hùng phải gánh vác một công việc trọng đại do già làng giao phó: Săn máu tế thần! Máu là máu của một người ở làng khác. Bất kể ở đâu nhưng phải có máu người để tế thần với niềm tin là thần linh sẽ ủng hộ cho mùa màng tươi tốt, cả làng không bị dịch bệnh và tai ương. Tục săn máu của người Cơ tu còn gọi là tục “Đầu tôi”, thường diễn ra từ tháng 1 đến 3 âm lịch và từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Những người thực hiện cuộc săn máu bị đối phương gọi là "giặc mùa".
Nghe câu chuyện kể về tục lấy máu người tế thần của một già làng đã trải qua gần trăm mùa rẫy, cũng là gần trăm mùa lấy máu, chúng tôi không khỏi lạnh sống lưng. Không nhìn khách, Già Pơ Loong Bút (làng A Hoi, xã La êe giáp biên giới với huyện Đắc Chưng, Lào) nói như sâu thẳm quá khứ: "Đó là hồi đồng bào mình còn sống nguyên thuỷ, chưa có chính quyền! A Hoi này cũng có! ". Làng A Hoi trước kia không phải ở chỗ bây giờ mà trên cao hơn nữa. Làng này có nợ đầu với một làng khác cách đấy một dãy núi. Cả hai săn qua săn lại suốt gần 4 mùa rẫy và mất hết 4 mạng người. Già Pơ Loong Bút cũng có một người thân từng bị lấy máu tế thần... đa số không người Cơtu nào muốn nhắc lại những chuyện đau đớn như thế nữa. Họ muốn những câu chuyện kinh hoàng như thế phải quên đi vĩnh viễn...
Ông nhìn lên chái nhà, nơi còn có rất nhiều những chiến tích của một thời trai trẻ của mình, rồi chầm chậm kể. Giữa hai làng Cơ tu có nợ với nhau, cuộc chiến trong mùa săn máu diễn ra quyết liệt. Bất kể già, trẻ trai gái của làng này đều có thể trở thành vật tế thần cho làng kia. Thật rủi ro cho những người nào rơi vào bẫy mai phục giữa rừng hoặc một vị khách lạ nào đó tự dẫn xác đến. Việc săn máu tưởng chừng như luật rừng nhưng thực ra có luật chơi. Giữa hai làng với nhau, trong mùa săn máu kéo dài chừng 2 tháng nếu không lấy đầu được của nhau thì phải chờ đến mùa săn máu sang năm, không được lấy đầu quá nhiều, làng nào lấy đầu người của làng họ thì chính làng đó phải chịu trả đầu như một lẽ đương nhiên. Người ta cũng không dám vi phạm luật này vì sợ Giàng phạt. Ban đầu vì thần, vì tâm linh, nhưng sau này, cuộc săn máu đã thấm đẫm oán thù nợ máu giữa hai cộng đồng với nhau. Oán thù chồng chất lên oán thù, nợ máu dắt dây nợ máu từ đời này sang đời kia không dứt.
- 2
Trận chiến cuối cùng trong ký ức người thợ săn
Trong trí nhớ của vị già làng về trận chiến kinh hoàng những năm trai trẻ, tục săn máu ở Nam Giang tạm khép lại bằng một trận săn đầu khủng khiếp giữa người Ve ở làng Đăk Nông thuộc huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) và người Cơ tu ở làng Pà Tôi thuộc huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam. Một buổi trưa nọ, có 2 người khách buôn thuộc làng Đăk Nông ghé vào làng Pà Tôi nghỉ lại tại nhà Gươl của làng. Trong lúc chuyện vãn, người làng Pà Tôi phát hiện ra trong talét (gùi) của 2 người Ve có rất nhiều chông tre. Nghi ngờ 2 vị khách này không phải lái buôn mà chính là giặc mùa giả dạng đi ăn đầu, làng Pà Tôi bí mật họp làng và nhanh chóng quyết định lấy đầu 2 người này. Ngay sau cuộc ăn mừng lấy được đầu, Pà Tôi rào làng, lên chông thò chuẩn bị chiến đấu chống lại sự đối đầu của làng Đăk Nông. Từ làng Đăk Nông, vợ của một người bị làng Pà Tôi giết chết kêu khóc và đòi thanh niên làng phải đi trả thù.
Trai làng Đăk Nông tổ chức cuộc trả thù. Họ kéo nhau xuống Pà Tôi nhưng làng Pà Tôi phòng vệ không vào được, giặc mùa của Đăk Nông kéo vào làng Ta Col ở cạnh làng Pà Tôi giết chết 6 người rồi bỏ về. Dân làng Đăk Nông không đồng ý việc trả đầu không đúng kẻ thù nên làng Đăk Nông tổ chức đi lấy đầu lại. Cuộc lấy đầu lần sau, họ phục kích giết chết 2 người làng Pà Tôi. ăn mừng chiến thắng xong, làng Đăk Nông cũng rào làng chờ đợi cuộc trả thù sau. Cuộc ăn đầu trả đầu lúc đó đã làm chấn động cả đến người Ve, người Cơ -tu, người Triêng suốt một vùng rộng lớn trên dải Trường Sơn. Không một ai dám đi lại gần làng Pà Tôi, làng Đăk Nông, ngay cả các cán bộ chính quyền cũng phải bó tay. Mãi sau này, sau hơn 1 tháng thuyết phục dân làng hai bên, bộ đội giải phóng mới được dân làng chấp thuận cho lấy đầu dê làm lễ hòa giải giữa hai làng, hai tộc người.
Suốt một thời gian dài, tập tục này đã gây nên bao nhiêu cuộc đâm, giết người đẫm máu trong tộc người này và với các dân tộc lân cận. Những cuộc chiến do hận thù săn máu, nợ đầu kéo dài ngay trong tộc người này đã gây nên bao nỗi kinh hoàng cho người dân, cho cả những thương lái người Kinh khi đến buôn bán ở những mảnh đất thần bí giữa núi rừng này. Những mùa săn máu của người Cơ Tu trước đây chủ yếu liên quan đến quan niệm về thần linh của cộng đồng, dùng máu người để cúng Giàng, mong cho mùa màng được tốt, trong làng không còn ai bị chết xấu. Nạn nhân của những vụ săn máu vì cộng đồng này thường chẳng có thù oán gì với những kẻ đi đâm người. Nỗi ám ảnh trong ký ức của già làng Pơ Loong Bút thì những mùa săn máu của cha ông mình đã trở thành quá khứ.
Thế hệ thanh niên trai tráng Cơ Tu bây giờ chỉ biết đến tục săn đầu người qua lời kể của những vị cao niên. Tôi hỏi một anh thanh niên Cơ tu ngồi bên cạnh: "Các anh bây giờ nghe như thế, có sợ tục này của người mình không?! Anh thanh niên này lắc đầu: "Sợ lắm! Có những lúc đâm nhau cả ngày cả đêm. Mà khi đâm xong thì những người đi đâm còn phải cắt đầu mang về để chứng minh cho làng là mình đã đâm người. May mà có giải phóng, có bộ đội dạy cho chứ nếu không chắc tục này vẫn còn mãi. Người mình sẽ chết hết mất thôi! ". Trước khi hiệp định Geneve được ký kết, đã có rất nhiều vụ đâm chém người ở ven sông Bung (chảy từ huyện Đông Giang, Tây Giang qua huyện Nam Giang rồi đổ vào sông Vu Gia). Trên đường bộ thì thường xẩy ra đâm người ở khu vực Khe Tre, vị trí là các khu rừng rậm cạnh con đường từ bến Giằng đi An Điềm.
Ông A Lăng Mai, Chủ tịch huyện Nam Giang cho biết: "Tục đầu tôi đã mất hẳn trong cộng đồng người Cơ Tu từ lâu rồi! Người Cơ Tu đã biết điều đó là xấu, được cán bộ giải thích, được đi học nhiều nên hiểu. Những mối nợ đầu tôi đã mất dần theo năm tháng rồi! Bây giờ nguời Cơ Tu mình lo làm ăn thôi!... phải thế rồi. nếu cứ giữ mãi những mối hận thù từ đời này qua đời khác, làm sao yên ổn để sống, để làm ăn...".