Tài năng âm nhạc: “Vàng” hay “thau”?
(Giúp bạn)Có lẽ không đâu trên thế giới khái niệm “tài năng” được định chuẩn dễ dãi như ở Việt Nam. Chỉ vài đêm thi thố trên truyền hình trong một sân chơi ca hát, một gương mặt vô danh bỗng trở thành tài năng, thần tượng. Điều đáng nói là sân chơi như thế giờ nhiều như lá rụng mùa thu.
- 1
Vơ vét tài năng
Vừa hết Sao mai điểm hẹn, công chúng lại chứng kiến thêm một cuộc đãi cát khác là The Voice, và sau đó nữa là Vietnam Idol mùa 4. Đó chưa kể chương trình Vietnam’s Got Talent mùa thứ hai và Tiếng hát truyền hình định kỳ hàng năm vừa khởi động. Trước đó, hành trình tìm kiếm tài năng ca hát khác cũng diễn ra là Hợp ca tranh tài, Ngôi nhà âm nhạc – Star Academy. Việc nhiều chương trình đồng loạt diễn ra đã tạo nên một cơn khát thí sinh ở mức cao. Năm 2010, sân chơi Vietnam Idol có 40.000 thí sinh đăng ký dự thi thì năm nay chỉ còn là 20.000, dù đã mở thêm 4 vùng tuyển sinh. Còn Sao mai 2011, nếu như con số thí sinh đăng ký dự thi là 4.000 thì năm nay chỉ còn 700 thí sinh đăng ký. The Voice là 2.000 người đăng ký, Star Academy dừng ở con số 1.500 thí sinh… dù đây là phiên bản truyền hình thực tế nổi tiếng thế giới. “Cát” giảm, hiển nhiên “vàng” cũng ít đi. Thế nhưng, mỗi sân chơi này không thể không có “vàng”, vậy thì đó có thể là “vàng” hay chỉ là “thau”.Các thí sinh của cuộc thi The Voice.Mỗi năm với gần chục cuộc tìm kiếm, sẽ chẳng thể nào có nhiều tài năng đúng nghĩa đến thế. Bởi vậy, sau khi vơ vét thí sinh, các sân chơi này buộc phải gửi vào đó một hình nhân, và công cuộc đánh bóng để hình nhân đó trở thành tài năng bắt đầu. Bạn sẽ bắt gặp trong các sân chơi này những lời có cánh của ban giám khảo, của huấn luyện viên, như thể đó là một giọng ca hoàn hảo không tì vết. Đáng sợ hơn, Sao mai điểm hẹn còn khẳng định sân chơi của mình không phải là một cuộc thi mà là một cuộc trình diễn nghệ thuật, và những người tham dự không phải là thí sinh mà là ca sĩ, nghệ sĩ thực thụ, dù nhiều năm trở lại đây, những gương mặt đoạt giải sân chơi này gần như không hề có bóng dáng trong showbiz…
Gần như, mỗi sân chơi đều có một định chuẩn tài năng cho riêng mình, và trong đó, nhiều định chuẩn còn dựa trên yếu tố lợi nhuận hơn là nghệ thuật đích thực. Tại The Voice, nhiều giọng ca không nổi trội vẫn được chọn để đi sâu vào vòng trong, đơn giản vì giọng ca đó có nhiều fan hâm mộ - những người sẽ góp phần làm tăng rating và bỏ tiền nhắn tin cho chương trình.