Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày nào?
(Giúp bạn)23 tháng chạp, ngày ông Táo về chầu thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng những điều tốt xấu trong năm qua ở trần thế, được xem là sự kiện báo hiệu mùa Tết. Cùng tìm hiểu về Tết Nguyên đán trong bài viết dưới đây.
23 tháng chạp, ngày ông Táo về chầu thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng những điều tốt xấu trong năm qua ở trần thế, được xem là sự kiện báo hiệu mùa Tết. Cùng tìm hiểu về Tết Nguyên đán trong bài viết dưới đây.
Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Việt Nam nói riêng và các quốc gia Đông Á nói chung, thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Do việc canh tác nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào thiên nhiên nên người xưa đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khí để tiện tính toán chu kỳ gieo gặt mùa màng. Trong đó quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán, sau này gọi chệch là "Tết Nguyên đán".
Nhiều gia đình Việt Nam vẫn giữ phong tục gói bánh chưng, bánh tét để nhớ về cội nguồn cầu mong cho năm mới may lành, no đủ, và tốt đẹp. |
Tết Nguyên đán còn có tên gọi khác là Tết Cả (Tiết lớn nhất trong năm), Tết Ta (để phân biệt với tết Tây), Tết Âm lịch (phân biệt với Dương lịch), Tết cổ truyền, ngày nay được gọi vắn tắt là Tết.
Tết của người Việt được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 âm lịch. Song, dân gian quan niệm rằng trước khi đến ngày Tết chính thức, tất cả mọi thứ đều phải chuẩn bị thật sớm và mới, mong khởi đầu một năm mới may mắn và thành công. Do vậy, công việc sửa soạn cho ngày Tết thường bắt đầu trước một tuần, tức là từ ngày cúng ông Táo 23 tháng chạp. Đây được xem là sự kiện đầu tiên báo hiệu một mùa Tết nữa lại đến.
Không biết tự bao giờ những tập tục ngày Tết đã chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa cũng như tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Người dân tin rằng có một "ông Táo" vừa là thần bếp trong nhà, vừa là người ghi chép tất cả việc làm tốt xấu mà gia đình đã làm trong năm qua. Cứ hết chu kỳ 12 tháng, ông lại trở về thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng. Đến nay, nhiều gia đình vẫn giữ nghi lễ truyền thống tiễn ông Táo về trời như một phương thức tâm linh "có thờ có thiêng có kiêng có lành", với mong muốn đón một năm mới thịnh vượng, sung túc hơn.
Theo tập tục, lễ tiễn ông Táo về trời diễn ra vào trưa hoặc chiều 23 tháng Chạp âm lịch. Tùy theo từng vùng miền mà nghi thức và các lễ vật dâng cúng sẽ khác nhau. Thông thường lễ cúng gồm có nhang, nến, hoa quả, vàng mã, mão, cá chép để đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn lên thiên đình. Ngoài ra, một số gia đình ở nông thôn còn giữ truyền thống dựng cây nêu có gắn củ tỏi, xương rồng, hình nộm để chống lại quỷ dữ và trấn át những điềm gở.
Thời điểm bắt đầu một năm mới vào giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây mồng 1 tháng Giêng) là quan trọng nhất của Tết. Thời khắc này đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới nên được gọi là giao thừa. Đúng giờ đúng khắc, người dân thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Nghi thức này mang ý nghĩa bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ đã qua để đón điều tốt đẹp của năm mới đang đến.
Ngoài ra vào đêm giao thừa, các gia đình thường nấu bánh chưng, bánh dầy và các món ăn thịnh soạn để dâng lên tổ tiên tạ ơn về một năm đã qua, đồng thời cầu mong ông bà tiếp tục phù hộ cho năm mới tốt lành, hanh thông. Theo phong tục, những ngày cuối năm và đầu xuân là thời gian cả gia đình sum họp bên nhau, cùng đi thăm hỏi người thân, mừng tuổi các cụ già và lì xì cho trẻ con.