Tiểu sử ca sĩ Quang Dũng
(Giúp bạn)Quang Dũng phù hợp với những ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, trầm lắng và cũng là một trong số rất ít nam ca sĩ thành công với những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
- 1
Tiểu sử và sự nghiệp âm nhạc của Quang Dũng
Quang Dũng tên thật là Thái Văn Dũng (sinh ngày 8 tháng 8 năm 1976 tại Quy Nhơn, Bình Định) là một ca sĩ Việt Nam dòng nhạc nhẹ, nhạc trữ tình,nhạc tiền chiến và nhạc Trịnh Công Sơn.
Quang Dũng phù hợp với những ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, trầm lắng và cũng là một trong số rất ít nam ca sĩ thành công với những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Khi còn là học sinh phổ thông, Quang Dũng thường đến hát tại quán cà phê Thu Vàng trên đường Trần Cao Vân, thành phố Quy Nhơn. Chỉ là hát chơi, không có cát-sê. Trong một đêm nhạc tổ chức nhân sinh nhật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Quang Dũng ngẫu hứng lên hát, được mọi người khen và cổ vũ nồng nhiệt.
Năm 1997, anh tham dự cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Bình Định và đạt giải nhì. Năm 1998, Quang Dũng được Sở Văn hoá tỉnh cử làm đại diện tham dự cuộc thi Giọng hát hay các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tại Huế và anh đã giành một huy chương vàng.
Tháng 8 năm 1998, Quang Dũng vào Sài Gòn theo lời mời cộng tác của ông chủ phòng trà Đồng Dao. Thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn, một phần vì chưa kịp thích nghi với nhịp sống mới, một phần vì giọng hát, phong cách biểu diễn và những bài hát xưa mang nặng chất tự sự mà Dũng chọn trình bày có vẻ lạc lõng giữa lúc dòng nhạc thị trường dễ dãi đang chiếm ưu thế. Đã có những lần Quang Dũng cũng chạy theo thị hiếu, hát những bài đang ăn khách.
May mắn đến với Quang Dũng khi anh có dịp hát nhạc Trịnh tại quán Nhạc Sĩ với sự hiện diện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Quang Dũng đã hát Diễm xưa, Biển nhớ..., được Trịnh Công Sơn khen ngợi. Sau này, nhạc sĩ đã trực tiếp chọn bài hát phù hợp với chất giọng của Quang Dũng và hướng dẫn anh cách thể hiện tác phẩm.
Năm 2001, ca khúc Biển nghìn thu ở lại được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ký tặng, Quang Dũng đã chọn làm ca khúc chủ đề cho album riêng đầu tay của mình do Bến Thành Audio phát hành. CD bán dè chừng, dần dà vượt con số 5.000 bản. Giọng hát của Quang Dũng bắt đầu được nhiều người chú ý qua các sáng tác của Trịnh Công Sơn, Diệu Hương...
Anh được đạo diễn Trần Mỹ Hà mời vào vai Hàn Mặc Tử trong bộ phim truyền hình dài 5 tập đã thực hiện. Và trong phần 2 của phim Gái nhảy Quang Dũng cũng được mời vào vai ca sĩ Khánh Trường.
Cuối năm 2008, Quang Dũng đã thực hiện liveshow "Love Story" và tạo được nhiều ấn tượng trong lòng những thính giả yêu nhạc.
Anh đã kết hôn với hoa hậu Jennifer Phạm sau khi tham gia đóng phim Những chiếc lá thời gian của đạo diễn Lê Cung Bắc, kịch bản Châu Thổ và Bùi Quang Đạt. Hiện nay anh đã chia tay với Jennifer Pham.
- 2
Album
- Biển nghìn thu ở lại
- Bên đời có em
- Anh sẽ đến … Giấc mơ buồn (2002-07-17)
- Cỏ xót xa đưa (2002-10-17)
- Ru mãi ngàn năm (2003-04-22)
- Hoài niệm dấu yêu (với Thanh Thảo, 2003-06-20)
- Hoa có vàng nơi ấy (2003)
- Một người đi … Một người quên (2003-04-04)
- Gợi giấc mơ xưa (2003-12-24)
- The best of Quang Dũng (2003)
- Đêm thành phố đầy sao (2004)
- Nguyệt (2004)
- Chuyện…!
- Ta (2005)
- Chuyện của tôi (live DVD)
- Em (2005-11-24)
- Tình khúc cho em (với Thái Hà)
- Yêu (2006-05-25)
- Khi (2007-03-29)
- Vì ta cần nhau (với Hồng Nhung, 2007-07-11)
- Xuân (2007-10-31)
- Tình bỗng chốc là không (2011)
- Tác giả và tác phẩm
- 3
Giải thưởng
- Giải nhì tiếng hát Truyền hình Quy Nhơn – Bình Định 1997
- Huy chương vàng giọng ca miền Trung tại Huế 1998
- Nghệ sĩ ăn mặc đẹp Nhất do Tạp chí Mốt bình chọn 2002
- Giọng ca được yêu thích “VTV bài hát tôi yêu” 2003
- Ca sĩ được yêu thích của chương trình Làn Sóng Xanh 2003, 2004, 2005
- Giải Mai Vàng lần IX của báo Người Lao Động 2003
- Ca sĩ tích cực tham gia từ thiện của báo Thanh Niên 2004
- Gương mặt ca sĩ trong chương trình “Nhân vật và sự kiện” của ĐTH Việt Nam 2004
- Ca sĩ có thành tích xuất sắc trong chương trình ca nhạc từ thiện tại Pháp 2005
- Là 1 trong 20 gương mặt “Thanh Niên sống đẹp” do Hội liên hiệp Thanh Niên VN bình chọn 2005
- Giải Mai Vàng lần XI của báo Người Lao Động 2005