Tiểu sử nhạc sĩ Hoàng Vân
(Giúp bạn)Hoàng Vân (sinh ngày 24 tháng 7, 1930) là một nhạc sĩ nhạc đỏ Việt Nam, người được coi là có nhiều nhất sáng tác về các ngành và các bài hát của ông đều trở thành bài truyền thống. Ông nổi tiếng với hàng loạt ca khúc như: Hò kéo pháo, Tôi là người thợ lò, Người chiến sĩ ấy, Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca xây dựng,...
- 1
Tiểu sử nhạc sĩ Hoàng Vân
Ông tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh ngày 24 tháng 7 năm 1930 tại Hà Nội, còn có bút danh là Y - Na (Tức Yêu Ngọc Anh - Ngọc Anh là người bạn đời của ông). Ông sinh ra trong một gia đình Nho học, cha và ông nội đều là nhà nho. Gia đình ông sống ở phố Hàng Thùng. Ông vẫn tự hào là ít có người sống trong phố cổ Hà nội từ lúc sinh ra đến năm hơn 80 tuổi.
Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I), Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau đó ông tham gia Đội Tuyên truyền võ trang Lao Hà, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn, và sau đó phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312.
Sau 1954, hòa bình lập lại, ông được gửi đi tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Khi về nước, ông chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989. Từ năm 1963 đến năm 1989, ông là uỷ viên Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam, là trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội cho đến năm 1996. Năm 1975, ông đi thực tập một thời gian tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.
Con trai ông là giáo sư, nhạc trưởng Lê Phi Phi. Con gái ông là Lê Y Linh, tiến sĩ âm nhạc tai Pháp. Hiện tại ông đang sống ở Hà Nội. Ngoài ra ông còn có sở thích viết thư pháp, chơi đồ cổ và đọc sách.
- 2
Sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân
Hoàng Vân bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như Chiến thắng Hoà Bình, Tin chiến thắng, Chiến thắng Tây Bắc... Năm 1954, ông sáng tác ca khúc nổi tiếng Hò kéo pháo. Từ đây sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu nở rộ với hàng loạt ca khúc, hợp xướng, hòa tấu. Ngoài ra ông còn viết nhạc cho phim, kịch nói, chèo,cải lương.
Ngoài công việc sáng tác, ông còn tham gia công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội. Học trò ông nhiều người đã thành danh như: An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang,...
Đã xuất bản các sách nhạc: Hai chị em (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1973), 6 ca khúc Hoàng Vân (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1980), Ca khúc Hoàng Vân (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1986), Tuyển chọn ca khúc Hoàng Vân (Nhà xuất bản Âm nhạc và Hội nhạc sĩ Việt Nam) kèm theo băng cassette audio. Xuất bản tại nước ngoài: Tổng phổ giao hưởng Thành đồng Tổ quốc (in tại Cộng hoà Dân chủ Đức và Bulgaria), Hành khúc con voi (Voi kéo gỗ) (Nhà xuất bản Âm nhạc Moskva, Liên Xô).
Ông được trao Giải thường Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.
- 3
Tác phẩm
Hoàng Vân là một nhạc sĩ có nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng như: Hò kéo pháo, Tôi là người thợ lò, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Nổi trống lên rừng núi ơi, Không cho chúng nó thoát, Bài ca giao thông vận tải, Chào anh giải phóng quân - chào mùa xuân đại thắng. Hai chị em, Tiếng cồng giải phóng - tiếng cồng chiến thắng (bút danh Y - Na), Trên đường tiếp vận (bút danh Y - Na), Người chiến sỹ ấy, Guồng nước quay,... Ông còn một số sáng tác phổ thơ như: Hát ru (thơ Tố Hữu), Những cánh buồm (thơ Hoàng Trung Thông), Nhớ (thơ Nguyễn Đình Thi), Bài ca người thủy thủ (thơ Mai Nam, tức Hà Nhật),... Sau 1975, ông có các sáng tác như: Bài ca xây dựng, Tình yêu của đất và nước, Hát về cây lúa hôm nay, Bài ca tình bạn, Tình ca Tây Nguyên,... Ngoài ra ông còn viết các ca khúc thiếu nhi như: Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em, Mùa hè (rút từ tổ khúc Bốn mùa), Con chim vành khuyên, Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia,...
Nhiều bài hát của ông đã trở thành "ngành ca" - bài hát truyền thống của ngành. Ví dụ như :Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân, Hát về cây lúa hôm nay, Tôi là người thợ lò, Bài ca giao thông vận tải, Bài ca người thủy thủ... Tiếp nối thể loại trường ca, ông có những tác phẩm: Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Bài thơ gửi Thái Nguyên (lời Lê Nguyên), Việt Nam muôn năm, Tôi là người thợ lò,...[1]
Những ca khúc của Hoàng Vân:
- Bài ca giao thông vận tải
- Bài ca người thủy thủ
- Bài ca người giáo viên nhân dân
- Bài ca xây dựng
- Bài ca pháo kích
- Bài ca tình bạn
- Bài ca trên đường xa
- Bài thơ gửi Thái Nguyên
- Bảy sắc cầu vồng
- Chiến thắng Tây Bắc
- Chiến thắng Hoà Bình
- Chào anh giải phóng quân - chào mùa xuân đại thắng
- Con chim vành khuyên
- Cô gái Thái Bình
- Đường về Tây Nguyên
- Em yêu trường em
- Guồng nước quay
- Hát về cây lúa hôm nay
- Hà Nội - Huế - Sài Gòn
- Hai chị em
- Hát ru
- Hò kéo pháo
- Không cho chúng nó thoát
- Mùa hoa phượng nở
- Người chiến sĩ ấy
- Nhớ
- Những cánh buồm
- Nổi trống lên rừng núi ơi
- Quảng Bình quê ta ơi
- Tiếng cồng giải phóng - tiếng cồng chiến thắng
- Tin chiến thắng
- Tình ca Tây Nguyên
- Tình ca Vũng Tàu
- Tình yêu Hà Nội
- Tình yêu của đất và nước
- Tôi là người thợ lò
- Tuổi trẻ đi xa
Ngoài sáng tác ca khúc, ông còn viết nhiều tác phẩm hợp xướng và khí nhạc. Một số hợp xướng viết với dàn nhạc giao hưởng như: Hồi tưởng, Việt Nam muôn năm, Vượt núi, Tuổi lên mười, Hát dưới cờ búa liềm, Thành phố chúng ta nhà máy chúng ta...
Lĩnh vực khí nhạc, ông có các tác phẩm như: Fugue cho piano, Tổ khúc cho hautboy và piano, Rhapsodie cho violon, độc tấu kèn basson, Hành khúc con voi, độc tấu flute Vui được mùa, Hoa thơm bướm lượn, âm nhạc cho vũ kịch Chị Sứ, Concerto cho piano và dàn nhạc, thơ giao hưởng số 1 Thành đồng Tổ quốc, concerto TS và tình yêu, Đại hợp xướng Điện Biên Phủ...
10-6-2005, có một đêm hòa nhạc giao hưởng mang tên ông được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, biểu diễn 3 tác phẩm: Thơ giao hưởng số 1 Thành đồng Tổ quốc (1960), concerto TS và tình yêu (1975) và Đại hợp xướng Điện Biên Phủ (2004). Chương trình do Dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng Nhạc viện Hà Nội thể hiện, do con trai ông, nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy.
Hoàng Vân đã viết nhạc cho nhiều bộ phim Việt Nam, trong đó có những phim đã ghi dấu ấn trong nền điện ảnh như: Nổi gió, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội,Mối tình đầu...