Tục thờ thần chuột của người Dao Tiền
(Giúp bạn)Mỗi dân tộc đều có tập tục truyền thống riêng, họ coi đó là lẽ sống, là giá trị tinh thần không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Với những người Dao Tiền ở bản Bương, Tân Pheo, Đà Bắc (Hòa Bình), con chuột được coi là thần.
- 1
Truyền thuyết về tục thờ thần chuột
Bản Bương, nơi cư ngụ của người Dao Tiền ở Hòa Bình, nằm biệt lập ở một bên của sườn núi, có tục thờ thần chuột rất lâu đời.
Theo truyền thuyết, tổ tiên của người Dao Tiền khi mới di cư đến vùng đất này thường xuyên phải chịu đói vì thức ăn vô cùng khan hiếm nên phải ăn thịt chuột. Chuột rừng sau khi bắt được đem về, dùng nước sôi làm sạch lông, đốt rơm thui vàng, mổ bụng, moi lòng và treo nơi gác bếp cho thịt khô lại rồi chế biến thành món ăn dùng dần.
Sau này, khi đời sống đã phát triển, nguồn thực phẩm cung cấp cho bữa ăn đã đầy đủ, người dân không còn phải ăn thịt chuột để sống nữa. Nhưng để tỏ lòng thành kính trước sự 'hy sinh' của con chuột giúp mọi người được sống sót, người ở bản Bương đã tôn con chuột thành 'thần' và tổ chức tế lễ thờ cúng thần chuột.
Nghi lễ này cũng nhằm tưởng nhớ đến tổ tiên khai bản lập làng. Sau này, người dân cúng các 'ma làng, ma sông, ma suối' cũng dùng thịt chuột để tế lễ.
Trong Tết Nguyên đán của người Dao Tiền, ngoài gà, lợn, không thể thiếu món thịt chuột. Nhà nào không đi bắt được chuột rừng để về làm lễ thì phải đi mua, không thì năm đó sẽ không được tổ tiên phù hộ, làm ăn thất bát.
Ông Bùi Đình Nghệ, một cao niên trong bản Bương, kể lại: 'Không biết trùng hợp hay thế nào, như nhà ông L. ở cuối bản, Tết vừa rồi, cả làng đi bắt chuột rừng để về làm lễ cúng, có mỗi nhà ông này không chịu đi, còn buông lời khó nghe. Ấy thế là chỉ vừa mới qua cái tết, ông L. đang đi làm rẫy thì bị trượt ngã gãy chân. hành ra, nhà ông thiếu người làm, mùa màng thất bát, gia đình ấy đến khổ, lại phải đi bắt chuột mà ăn, không có thì chết đói'.
- 2
Miếu thờ thần chuột
Sau khi nghe kể về nguồn gốc của tục lệ kỳ lạ của người Dao Tiền ở bản Bương, ông Nghệ dẫn tôi đi thăm ngôi đền thờ thần chuột. Đền được xây ở tận cuối bản, nằm cách biệt với các ngôi nhà sàn của người dân nơi đây. Trên đường đi, ông nói đùa, chắc chả ở đâu thờ thần chuột như người ở cái bản Bương này, người ta nhìn thấy chuột là xua đuổi vì sợ ăn vụng, quấy phá, rồi truyền dịch bệnh, thế nhưng ở đây những con chuột là thần thánh thiêng liêng, được thờ cúng cẩn thận.
Và ở ngôi đền thờ thần chuột này cũng chưa bao giờ có một dịch bệnh nào bùng phát. Ông Nghệ cho biết: “Miếu làng phải được làm ở chỗ cao ráo, thoáng mát, ít người qua lại, không được chặt cây cối quanh miếu, như thế các ma làng mới có chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh, không bị quấy nhiễu. Ngày ông cha dựng miếu, do chưa có điều kiện nên ngôi miếu được dựng bằng đá lấy từ trên núi xuống xếp thành, đến thời điểm hiện tại, người dân bản Bương vừa mới chung tiền để xây thành bê tông, rộng chừng 2m2 và được lợp mái xi măng".
Vào ngày mồng 2 và mồng 4 Tết hằng năm, sau khi các gia đình đã nộp đủ lễ (mỗi gia đình tối thiểu là 3 con chuột) thì mỗi hộ cử ra một người đàn ông đến miếu để tế lễ. Trước khi thực hiện nghi lễ cúng tế, mỗi người phải tắm rửa sạch sẽ, trước khi bước vào đền phải bỏ dép ở bên ngoài cửa, sau đó đi chân đất vào, làm như vậy vừa để thể hiện sự tôn kính vừa là sự giao thoa của con người với thiên nhiên, đất trời.
Có một truyền thuyết lưu truyền ở bản Bương là, trong khi tế lễ nếu bất ngờ có chuột chạy qua sát người, hoặc chạy qua chân thì đó là báo hiệu một điều tốt lành, trong năm tới ắt sẽ có tài lộc, gặp nhiều may mắn. Còn lỡ có ai chẳng may khi vào đền tế lễ lại giẫm nhầm chết một con chuột thì phải đi đặt mua một con rắn bằng đồng để chuộc lỗi với con chuột đã chết, nếu không tai họa sẽ giáng xuống đầu, xui xẻo cả năm.
Sau khi mọi người dân đã tế lễ xong, người chủ làng là chủ lễ sẽ cầu thần linh phù hộ cho làng xóm mạnh khỏe, yên lành, làm ăn năm mới phát đạt hơn năm cũ. Cuối cùng thì hạ thịt chuột xuống, để cả làng cùng tập trung ăn uống vui vẻ.
Không chỉ thờ thần chuột ở ngôi miếu này, các hộ dân trong bản Bương ở mỗi nhà cũng có một ban thờ thần chuột cùng với bàn thờ ông cha, tổ tiên. Theo tục lệ thì vào đêm giao thừa, đến 24h, hai con chuột sấy khô được các gia chủ trịnh trọng bày lên bàn thờ. Đúng thời khắc giao thừa năm cũ sang năm mới, người chủ gia đình (thường là đàn ông) sẽ cúng những người đã khuất và các ma làng, mời tất cả về cùng thưởng thức món thịt chuột trong những ngày Tết.
Theo những người dân ở đây, không loại thịt gì có thể thay thế được thịt chuột để cúng trong đêm giao thừa. Các ma làng và những người đã khuất chỉ chấp nhận loại đặc sản truyền thống” này.
Có một điều kỳ lạ là chuột sinh sống xung quanh bản Bương rất ít phá phách mùa màng, hoặc chui vào làm tổ ở các gia đình để ăn vụng và gặm nhấm đồ đạc. Chỉ cần đi vào các khu rừng xung quanh bản Bương là dễ dàng bắt gặp rất nhiều chuột, nhất là vào ban đêm. Nhiều bản dân tộc lân cận vì nghe tiếng ngôi đền thờ thần chuột ở bản Bương, hằng năm cứ ngày vào lễ tết, bà con cũng rủ nhau đến đây cúng bái, rồi sau đó vào các nhà trong bản Bương chúc Tết, thực hiện các cuộc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.
Nhiều đoàn du lịch trong thời gian gần đây, vì biết đến tục lệ kỳ lạ này cũng đã tổ chức những tour du lịch đi vào tận bản Bương. Ông Nghệ cho biết: "Hầu hết ai nghe kể cũng đều ngạc nhiên và đều muốn nếm thử món thị chuột gác bếp có một không ai, nhiều người còn hỏi mua để mang về làm quà lạ".
Hiện nay, dù đời sống ở bản Bương đã được cải thiện đáng kể, ít hộ đói nhưng tục lệ đi săn chuột và thờ cúng thần chuột vẫn không bị mai một