“Tuổi thơ dữ dội” của Tổng thống Nga

07:05 12/02/2014

(Giúp bạn)Vladimir Putin từng là một đứa trẻ ngổ ngáo. Trong mắt cô giáo và bạn bè, Putin tuy vóc dáng mảnh khảnh nhưng thoắt cái đã trở thành một chú hổ con khi choảng nhau với ai đó.

 Những “cuộc chiến” trên đường phố giữa bọn trẻ nghịch ngợm là “lò” đào tạo cho Putin bài học đầu tiên về lòng quả cảm, chiến đấu đến cùng, không dồn ép và xem thường ai, nhưng cũng không bao giờ nhân nhượng khi bị khiêu chiến. “Tuổi thơ dữ dội” đó đã góp phần tôi luyện thành ý chí và nghị lực rắn như thép ẩn bên trong phong cách ứng xử linh hoạt và tính khiêm nhường của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
 
tuoi-tho-du-doi-cua-tong-thong-nga-1 

Putin trong vòng tay mẹ 

tuoi-tho-du-doi-cua-tong-thong-nga-2

Putin thời niên thiếu 

  • 1

    “Đầu gấu”

    Cuối tháng 2/2012, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Nga, Vladimir Putin (lúc đó còn là Thủ tướng) bị tư lệnh lực lượng phiến loạn Chechen đe dọa sẽ ám sát. Tức thì, ông Putin đáp trả: “Nếu bạn ở trường hợp tôi, bạn luôn phải sống với những đe dọa kiểu ấy. Ta không làm được gì nếu sợ. Hãy để chúng sợ ta”. Nhìn lại thời niên thiếu của Putin, mới hiểu ông không hề nói suông khi buộc đối phương phải dè chừng mình.

    Thuở nhỏ, Vladimir Putin không ngại va chạm, thậm chí với những đứa trẻ nhiều tuổi hoặc to xác hơn. Putin biết “đánh, đấm” trước khi biết đi học. Hồi tưởng lại “cuộc chiến” dữ dội trước khi vào học lớp 1, Putin tâm sự: “Tôi học được rằng, mình phải đáp trả lập tức bất cứ sự tấn công nào. Tôi hiểu, để chiến thắng phải đi đến cùng và kiên định trong chiến đấu”.

    Ngày 1/9/1960, Putin (sinh năm 1952) bắt đầu vào học ở trường số 193, nằm gần như đối diện nhà Putin nhưng cậu cứ gây ra đủ thứ rắc rối khi đến lớp. Chính lối cư xử kiểu “đường phố” chứ không ngoan hiền khiến mãi đến năm lớp 6, Putin mới được kết nạp vào Đội Thiếu niên, trong khi hầu hết trẻ con thời ấy vào Đội Thiếu niên từ lớp 4. Cô Vera Gurevich, giáo viên gắn bó với Putin từ lớp 4 đến lớp 8 ở ngôi trường này, vẫn nhớ là hết giờ học, cậu bé Putin “chẩu” rất nhanh, thường là tụ tập ở khoảnh sân sau cùng nhiều đàn anh, nơi cậu gọi là “cửa sổ thế giới”. Mọi thứ diễn ra ở đó không thuộc khuôn khổ nhà trường. Trong quyển sách Vladimir Putin: Câu chuyện một cuộc đời do nhà báo Oleg Blotsky viết về những năm tuổi trẻ của Putin, ông tự nhìn nhận: “Tôi được giáo dục từ đường phố”. Bạn học thì kể, Putin trông mảnh khảnh nhưng cục tính và không bao giờ e ngại sự thách thức của những người trông có vẻ mạnh hơn mình.

    Lúc 10 tuổi, Putin đã tìm học kỹ năng… đánh nhau, nhưng môn quyền Anh khiến Putin dập mũi ngay trong khóa học đầu tiên. Rồi Putin học sambo (tự vệ không cần vũ khí) - loại hình võ thuật thời Xô viết pha trộn giữa judo, karate và vật cổ truyền và sau đó là làm quen judo. Cũng từ đó, Putin thay đổi dần, cậu chăm chỉ học tập, thích lịch sử, văn chương, thường đạt điểm tối đa môn tiếng Đức và thích chơi thể thao.

    tuoi-tho-du-doi-cua-tong-thong-nga-3

    Putin vẫn say sưa với judo

  • 2

    Tự biết…

    Cậu bé Putin tuy luôn sẵn sàng sử dụng nắm đấm nhưng vẫn biết vận dụng đầu óc một cách linh hoạt. Trong khu nhà tập thể tồi tàn, Putin và mấy đứa trẻ khác thường săn chuột bằng gậy. Một lần, Putin đuổi theo một con chuột to, ép được nó vào góc tường. Cứ tưởng “lão tí” ấy hết đường tháo chạy, đột nhiên nó quay ra tấn công khiến cậu hoảng hồn chạy tọt vào nhà, đóng sập cửa. Sự việc này giúp Putin hiểu là đừng bao giờ dồn ép người khác đến đường cùng, có khi mình lại thành nạn nhân. Thói quen phải bảo vệ mình trên đường phố đã dạy Putin biết tự đứng lên sau những thất bại. Nhớ lại lần “bại trận” đầu tiên, Putin phân tích: “Tôi hăng hái vào cuộc vì đối thủ trông có vẻ yếu ớt hơn. Sau khi thua, tôi biết mình sai, vì cậu ấy chỉ nói một câu là tôi phản ứng lại thật thô bạo khiến cậu ấy tức giận. Lẽ ra tôi phải biết kiềm chế và tôn trọng người khác. Ngoài ra, cậu ấy khỏe và lớn tuổi hơn, nên tôi nhận ra là chỉ nên đánh trả khi mình có đủ sức mạnh. Cuối cùng luôn phải chuẩn bị sao cho bất cứ lúc nào bị bắt nạt đều có thể phản công trở lại”.

    Mùa thu năm 1965, Putin tham gia Câu lạc bộ Trud và gắn với niềm đam mê tập luyện judo, như Putin mô tả “judo không chỉ là môn thể thao, mà còn là triết lý sống. Nó dạy ta tôn trọng đàn anh và đối thủ, nó không dành cho những kẻ yếu đuối”. Năm 1975, Putin là vận động viên chuyên nghiệp, đoạt chức vô địch toàn thành phố vào năm sau. Nhờ giỏi thể thao, Putin được đi khắp đất nước và xa dần những khoảng tối của đường phố.

     Việc Putin gia nhập KGB (Cơ quan an ninh quốc gia dưới thời Liên bang Xô viết cũ) cũng xuất phát từ ước mơ thời niên thiếu. “Tôi tham gia KGB do tác động của các bộ phim đề cao lòng ái quốc và những quyển sách mô tả các gián điệp can đảm” - Putin kể. Năm 16 tuổi, Putin xông thẳng vào tổng hành dinh KGB. Sau 20 phút trò chuyện, một quan chức KGB nói với Putin là nên tốt nghiệp đại học ngành luật rồi hãy nghĩ đến công việc ở KGB. Trong một bài tập làm văn, Putin khiến thầy giáo ngạc nhiên khi viết: “Em muốn làm điệp viên, dù việc này chẳng gợi chút cảm tình nào với mọi người, nhưng đem lại lợi ích cho quốc gia và nhân dân. Cống hiến của điệp viên hết sức to lớn”. Sự kiên trì đã đưa Putin đến đích. Năm 1975, ông tốt nghiệp ngành luật (Đại học Leningrad), rồi trở thành điệp viên KGB với những hoạt động hiệu quả ở Đức vào những năm 80.

    Thật thú vị, những bài học ở KGB cũng tương tự “kinh nghiệm xương máu” trên đường phố, như Putin kể: “KGB dạy tôi là không cần can thiệp vào những việc không nhất thiết phải thế, nhưng khi sự việc vẫn xảy ra, bạn phải tiến lên như không còn đường lui và chiến đấu đến cùng. Tôi đã hiểu điều này từ khi đánh nhau suốt thời niên thiếu”.

    tuoi-tho-du-doi-cua-tong-thong-nga-4

  • 3

    Tuổi thơ nghèo khó

    Gia đình Putin sống ở tầng 5 một chung cư, cuộc sống ngột ngạt do họ phải chia sẻ căn hộ với hai gia đình khác, phần “nhà” của họ chỉ là một căn phòng 20m2, không có cửa sổ, không nước nóng và phòng tắm riêng, nhà vệ sinh chung thật kinh khủng, bồn rửa chén và bếp bố trí ở hành lang cho ba gia đình sử dụng chung.

    Cha mẹ Putin kết hôn khi họ mới 17 tuổi. Cha của Putin từng tâm sự với cô Vera: “Một trong những con trai của tôi bằng tuổi cô giáo”. Hóa ra, Putin có hai anh trai đã qua đời khi còn rất nhỏ, một người mất lúc mới vài tháng tuổi, người còn lại mất vì bệnh bạch cầu. Có lẽ đó là lý do mẹ của Putin sinh ra ông khi đã 41 tuổi. Sau khi mất hai con trai đầu, chồng tham gia quân đội, mẹ của Putin phải sống nhờ vào khẩu phần hàng ngày của anh ruột. Gặp lúc người anh đi vắng, bà suýt chết đói. Có lần, bà bất tỉnh vì đói, người ta tưởng bà đã chết nên để bà nằm cùng chỗ với các tử thi.

    Ở chiến trường, cha của Putin bị thương. Ông được cứu sống nhờ đồng đội cõng về bệnh viện kịp thời. Khi mẹ của Putin tìm thấy chồng ở bệnh viện, bà đói lả đến nỗi ông phải nhường cho bà phần ăn của mình. Ông giấu y tá để “nuôi” vợ bằng khẩu phần của mình, khi bác sĩ phát hiện thì ông cũng đã kiệt sức vì đói. Thế nên, có giai đoạn, bệnh viện đã ngăn không cho mẹ Putin được thăm chồng.

    Trong mắt cô Vera, mẹ của Putin là người rất tử tế dù ít học. Bà không từ chối công việc gì (làm bảo vệ, nhân viên giao hàng ở quầy bánh mì, chùi rửa dụng cụ ở phòng thí nghiệm) để có tiền lo cho gia đình. Cha của Putin làm công nhân nhà máy sau khi giải ngũ. Có dư luận cho rằng, cha của Putin là cảnh sát hoạt động bí mật, vì với hoàn cảnh khó khăn như nhà Putin thì họ không thể có tivi, một căn nhà nhỏ ở nông thôn để nghỉ hè và đặc biệt là được trang bị điện thoại như thế. Cha Putin thường nấu ăn thay vợ, món quen thuộc là aspic (một loại thịt đông có trứng), đến giờ Putin vẫn thích món này.

    Một điều đặc biệt là cậu nhóc Putin dù ngược ngạo ngoài đường, nhưng luôn cư xử đúng mực trong gia đình vì “cha mẹ là điểm tựa vững chắc, tin cậy cho tôi”. Tuổi thơ nghèo khó có thể khiến Putin ăn mặc quê mùa (như ấn tượng đầu tiên của đệ nhất phu nhân về chồng), nhưng lại là nền tảng thôi thúc Putin vươn đến đỉnh cao quyền lực.

Comments