Ý nghĩa của Tết Trung thu ở Việt Nam
(Giúp bạn) - Tết Trung thu từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam và có những ý nghĩa nhất định trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.
Cứ mỗi dịp thu về, người ta lại nô nức chào đón Tết trung thu - Rằm tháng Tám (15/8 Âm lịch), để cùng ngắm trăng và cầu sức khỏe và hạnh phúc cho gia đình, người thân. Tết trung thu hay còn gọi là Tết thiếu nhi, Tết đoàn viên, Tết trông trăng. Có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và Sự tích về chú Cuội của Việt Nam.
Theo truyền thống, Trung thu là Tết đoàn viên, đó là khoảng thời gian đại gia đình ngồi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức tách trà xanh ấm áp với miếng bánh trung thu ngọt ngào và cũng là dịp để bày tỏ và thắt chặt mối quan hệ thâm giao. Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi trăng rằm vừa mới lên cao. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ bánh trung thu, hoa quả, trà và rượu.
Tết Trung thu mới đầu là tết của người lớn, để gặp gỡ, đoàn viên với nhau, thưởng trà ngắm cảnh. Dần dần Tết Trung thu trở thành Tết thiếu nhi, Tết của trẻ em, nhưng người lớn cũng dự một phần trong đó. Trẻ em được bố mẹ bày cỗ để mừng trung thu, mua và làm lồng đèn, bánh trung thu, các món quà trung thu truyền thống để các con chung vui. Đây là dịp để con cái hiều được sự săn sóc quý mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình cảm gia đình, tình cảm giữa cha mẹ và con cái càng thêm gắn bó, khăng khít.
Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa của người Việt. Đó là dịp để người thân đoàn tụ thể hiện lòng biết ơn, kính trọng; để gia đình yêu thương và thấu hiểu nhau hơn. Bố mẹ nên giúp con cái hiểu được những ý nghĩa đẹp của Tết Trung thu để giữ gìn và phát triển ý nghĩa cao đẹp này.