Hướng dẫn tránh những sai lầm thường gặp khi mua xe

15:28 27/02/2014

(Giúp bạn)Để hạn chế sai lầm, lời khuyên đầu tiên cho những người chuẩn bị đi mua ô tô là hãy tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt và lường trước mọi tình huống có thể xảy ra, rồi hãy tới đại lý.

  • 1

    Mua những phụ kiện không cần thiết

    Một số đại lý muốn bán cho bạn những phụ kiện sẵn có của họ, như sản phẩm chống gỉ, bản khắc axit số VIN lên xe, hay các sản phẩm bảo vệ chất liệu vải bọc nội thất. Theo ông Bartlett, bạn hãy nói “Không” với các sản phẩm này. Hãy tìm hiểu thông tin trên mạng về các tính năng bạn muốn trang bị thêm cho xe, in ra trước khi tới đại lý. Và bạn cần lưu ý rằng nếu đại lý không có chính xác loại bạn cần, họ sẽ gợi ý sản phẩm thay thế và giá cả sẽ rất đa dạng. Hãy tính toán kỹ để không xảy ra tình trạng mua xe và các phụ kiện xong rồi bạn mới phát hiện ra rằng tổng chi phí còn cao hơn một chiếc xe thuộc phân khúc trên, đắt tiền hơn; hoặc bạn sẽ mang về nhà một chiếc xe với những tính năng không cần thiết.

  • 2

    Khảo sát quá ít đại lý và thương hiệu

    Nhiều khách mua xe chỉ tập trung vào một số ít thương hiệu hoặc mẫu mã. Hãy khảo sát càng nhiều thương hiệu và đại lý càng tốt. Hãy so sánh thông số, tính năng vận hành… của các xe. Nếu không, bạn rất dễ bỏ qua lựa chọn tốt nhất có thể.

  • 3

    Vội vàng, thiếu kiên nhẫn

    Với một tài sản lớn như xe hơi, bạn nên kiên nhẫn để có được sản phẩm ưng ý nhất. Nếu đã “chấm” một mẫu xe cụ thể nào đó hay một trang bị nào đó cho xe, nhưng đại lý lại không có sẵn, hãy yêu cầu họ tìm ở những nguồn hàng khác trên cả nước. Họ thậm chí có thể đặt nhà máy làm đúng sản phẩm theo ý bạn.

  • 4

    Không lái thử

    Không ít người mua xe chỉ dựa vào ý kiến của bạn bè, người quen, để rồi sau đó không ngớt than phiền về những khó chịu mà chiếc xe mới mua mang lại, như ghế ngồi không thoải mái, tầm nhìn hạn chế, hay hệ thống treo quá cứng. Đó là do họ đã bỏ qua khâu lái thử trước khi ký hợp đồng mua xe. Các chuyên gia khuyên khách mua xe nên lái thử xe khoảng 30 phút, nhập – thoát đường cao tốc, chạy thử trên những con đường giống lộ trình mỗi ngày của bạn. Và đừng quên lái thử cả những chiếc xe là đối thủ cạnh tranh để có sự so sánh và khẳng định lại lựa chọn của bạn là tốt nhất. Biết đâu sau khi lái thử, bạn lại tìm được chiếc xe phù hợp hơn.

  • 5

    Quá tập trung vào số tiền trả góp mỗi tháng

    Một trong những câu hỏi đầu tiên nhân viên bán hàng sẽ đặt ra nếu bạn mua xe trả góp là “Quý khách có thể trả bao nhiêu mỗi tháng?” Vì lợi ích của bản thân, đừng tập trung vào con số đó, vì làm vậy có thể khiến tổng chi phí cuối cùng của bạn cho chiếc xe trở thành mục tiêu di động.

    Chỉ phải trả thêm khoảng 500 ngàn/tháng để có xe nội thất da và thêm các bộ phận điều khiển điện nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng nó sẽ là hàng chục triệu tính đến cuối kỳ trả góp. Để tránh bị rối trí với những tính toán kiểu này, hãy trở về với cái bạn thực sự muốn. Hãy đàm phán tổng chi phí cuối cùng cho chiếc xe, chứ không phải là khoản trả góp hàng tháng. Tốt nhất bạn nên chia việc mua xe thành 3 phần cơ bản: Chọn xe – Thống nhất giá – Hình thức thanh toán.

  • 6

    Mua xe vượt nhu cầu

    Nếu không thừa tiền, bạn không nên mua một chiếc xe bán tải hay việt dã động cơ V8 vì bị thuyết phục bởi những tính năng ưu việt của xe, trong khi nhu cầu chỉ là một chiếc xe động cơ 4 xy-lanh để đi lại mỗi ngày. “Trong trường hợp này, bạn là kẻ thù của chính mình,” chuyên gia phân tích thị trường James Bell của Kelley Blue Book nói.

  • 7

    Thiếu thông tin về lãi suất

    Nhiều khách mua xe cò kè từng triệu trên giá xe, nhưng lại để mất cả chục triệu không cần thiết trong thoả thuận vay tiền của ngân hàng. Đó là vì đại lý ô tô ký hợp đồng hỗ trợ cho khách hàng vay mua xe với những ngân hàng có lãi suất không phải là hấp dẫn nhất. Hãy tham khảo dịch vụ của nhiều ngân hàng khác nhau để quyết định ký hợp đồng với ngân hàng đối tác của đại lý hay tìm kiếm nguồn cho vay khác.

  • 8

    Chỉ tập trung vào giá niêm yết

    Trước khi đặt chân vào đại lý mua xe, hãy tham khảo giá các loại xe bạn định mua, tìm hiểu thông tin khuyến mại của hãng, của đại lý. Sau đó, bạn có thể mặc cả giá niêm yết vì nhà sản xuất luôn có phần chiết khấu cho đại lý.

Comments