Nguy cơ máy nóng, sôi nước trên ô tô
(Giúp bạn)Máy nóng, sôi nước có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Hãy đề phòng những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra
Động cơ ôtô nói riêng và động cơ đốt trong nói chung luôn cần thiết phải được làm mát, duy trì ở khoảng nhiệt độ tối ưu. Nhiệt độ tối ưu nhất cho động cơ đốt trong là nằm trong khoảng từ 85-90 độ C. Máy quá nóng hoặc quá lạnh sẽ làm xe hoạt động không ổn định, hao xăng, mài mòn lớn, tổn thất do ma sát cao dễ bó máy, kích nổ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng tựu chung lại có thể chia làm 3 nguyên nhân chính
- 1
Nóng máy do hệ thống làm mát
Hệ thống làm mát có nhiệm vụ làm mát cho động cơ, duy trì nhiệt độ động cơ luôn trong khoảng xác định. Nước làm mát có chứa các phụ gia chính như chất chống đông, chống đóng cặn, chống sôi (nhiệt độ sôi >1000C), tăng khả năng tải nhiệt… Thiếu nước làm mát do bay hơi, rò rỉ sẽ khiến lưu lượng qua các áo nước không đủ gây nóng máy, sôi nước dễ sinh ra air (bọt khí). Sau thời gian làm việc, các đặc tính của nước làm mát giảm dần, cần thiết phải bổ sung và thay mới định kỳ.
Một số chủ xe thường xem nhẹ việc thay nước làm mát đúng tiêu chuẩn bằng nước thường. Điều này vô tình đã làm giảm khả năng làm mát cho động cơ, đồng thời làm tăng tính đóng cặn trên các áo nước, ngăn cản việc tiếp xúc giữa động cơ và nước làm mát thậm chí là làm tắc két làm mát. Nên định kỳ súc rửa cặn bám trong hệ thống làm mát bằng các chất tẩy rửa chuyên dùng tại các gara uy tín.
Hỏng bơm nước, cánh quạt bị mòn, đai truyền động chùng, yếu là nguyên nhân chính, thường gặp gây nên hiện tượng nóng máy do tốc độ dòng nước tuần hoàn chậm làm giảm thời gian tải nhiệt trong khi nhiệt động cơ sinh ra là liên tục. Khi nước, dầu nhớt, bùn đất dính vào đai, puli làm giảm khả năng bám của đai gây trượt dẫn đến hiệu suất truyền động giữa puli trục khuỷu và bơm nước giảm làm bơm yếu hơn.
Khi cánh quạt quạt gió bị gãy, biến dạng hoặc tốc độ quay thấp (loại ECU điều khiển tốc độ quạt gió), két mát bị bẹp, móp luồng gió hút vào sẽ giảm, khả năng làm mát kém sẽ gây nóng máy. Khi van hằng nhiệt hỏng, nước làm mát không được tuần hoàn qua két làm mát sẽ nhanh chóng làm sôi nước.
- 2
Nóng máy do hiện tượng kích nổ
Thông thường hiện tượng này chỉ xảy ra trên các xe đời cũ, sử dụng hệ thống đánh lửa thường. Nguyên nhân là khi tiến hành điều chỉnh góc đánh lửa của động cơ quá sớm làm tăng phụ tải nhiệt khiến nhiệt động cơ tăng lên nhanh. Hiện tượng này có thể nhận biết qua một số biểu hiện như động cơ nóng máy và yếu, máy rung giật và có tiếng gõ cơ khí bất thường từ động cơ. Cần tiến hành điều chỉnh sớm, tại các gara uy tín.
- 3
Nóng máy do hệ thống bôi trơn
Hệ thống bôi trơn có nhiệm vụ chính là bôi trơn cho các nhóm chi tiết như cơ cấu trục khuỷu thanh truyền, cơ cấu phối khí, ngoài ra còn có nhiệm vụ làm mát. Khi dầu bị bẩn, lẫn nước, chất lượng dầu bôi trơn thấp, mức dầu thấp hơn vạch Min rất dễ dẫn đến tắc đường dầu bôi trơn, khả năng bôi trơn tại các bề mặt có chuyển động tương đối giảm, ma sát tăng làm tăng nhiệt. Hiện tượng này nếu duy trì lâu dẫn đến nóng máy, bó máy và các bề mặt cần bôi trơn nhanh chóng bị phá hủy.
- 4
Xử lý khi bị sôi nước làm mát
Trong những ngày hè nóng nực, hoặc khi xe làm việc với cường độ cao (leo dốc dài), máy có thể bị nóng và sôi nước làm mát. Hãy bình tĩnh đánh xe táp vào lề đường rồi tắt máy, để máy nguội sau đó bổ sung nước làm mát để cung cấp lượng nước đã mất đi do bị trào ra trong quá trình nước bị sôi rồi nổ máy lại. Đồng thời nên kiểm tra ngay nguyên nhân gây sôi nước như vỡ két làm mát, đai chùng, rò rỉ nước làm mát… để có cách xử lý thích hợp.
Tuyệt đối không mở nắp bình nước phụ khi nước bị sôi, nước nóng tạo áp suất cao, khi mở nước sẽ trào ra ngoài gây bỏng cho người mở.