Những khác biệt giữa lazăng hợp kim nhôm và thép
(Giúp bạn)Lazăng thép hấp dẫn bởi vẻ cổ điển và độ phổ biến trong khi không thể phủ nhận sự thu hút về thẩm mỹ của loại hợp kim nhôm.
Lazăng bằng thép là lựa chọn khá phổ biến vào thời điểm trước thập niên '80, khi các nhà sản xuất xe hơi bắt đầu giới thiệu loại hợp kim nhôm như một tùy chọn và sau đó là trang thiết bị tiêu chuẩn cho những dòng xế cao cấp. Trong những năm '60 và '70, nhiều hãng đã sử dụng lazăng thép mạ chrome làm tùy chọn trên những mẫu xe tính năng cao như Ford Mustang, Chevrolet Camaro hay Dodge Charger. Những năm gần đây, lazăng bằng sợi carbon được lựa chọn cho xe đua, dòng tính năng cao hoặc siêu xe độc vì ưu điểm siêu nhẹ và bền. Tuy chất liệu chế tạo lazăng thay đổi theo thời gian nhưng thép và nhôm hợp kim vẫn được ưa chuộng nhất vì giá thành hợp lí cũng như tính ứng dụng cao. Vậy, giữa lazăng thép và hợp kim nhôm có những điểm gì khác biệt?
- 1
Trọng lượng
Một trong những khác biệt lớn nhất giữa hai loại lazăng là trọng lượng. Trọng lượng của thép lớn hơn hợp kim nhôm. Trọng lượng thấp đem lại lợi ích về hiệu suất vì đối với một chiếc xe, đặc biệt là ở hệ thống treo, nhẹ hơn đồng nghĩa với vận hành dễ dàng. Lazăng nhôm khiến xe nhanh nhẹn hơn, xử lí tốt hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Đó là lí do tại sao những mẫu xe tính năng cao thường sử dụng lazăng nhôm.
Khác biệt về hiệu suất không nhận thấy rõ rệt khi các lái xe chọn lazăng hợp kim nhẹ hơn 3 kg so với loại thép. Tuy nhiên, khi chênh lệch trọng lượng là 5 kg, người lái có thể cảm nhận sự khác biệt trong khả năng tăng tốc. Không phải tất cả lazăng hợp kim nhôm đều nhẹ hơn loại bằng thép vì còn có yếu tố đường kính. Ngoài ra, cũng phải kể đến khác biệt lớn về trọng lượng cho phép.
- 2
Sức mạnh
Lazăng hợp kim nhôm hoặc nhôm với kim loại khác như ma-giê được sản xuất với mục đích thúc đẩy sức mạnh để ứng dụng trên xe đua. Lazăng thép cấu tạo từ một khối thép dập ở trung tâm và vành bên ngoài được hàn xung quanh. Lazăng hợp kim ít bị biến dạng khi đi qua chướng ngại lồi lõm trên đường như loại bằng thép.
- 3
Khả năng tản nhiệt
Hợp kim tản nhiệt tốt hơn thép nên xe với lazăng hợp kim thường phanh nhẹ nhàng hơn vì lượng nhiệt gần phanh ít hơn và hạn chế nứt bánh. Một ưu điểm của lazăng thép là không có nhiều lỗ nhỏ li ti như loại hợp kim nên ít khả năng rò rỉ. Độ xốp là kết quả của quá trình đúc để tạo ra lazăng hợp kim. Lazăng hợp kim thường có thiết kế mở cho phép không khí vào làm mát phanh. Mặc dù một số lazăng thép cũng có kết cấu mở tương tự nhưng chất liệu này lại giữ nhiệt nhiều hơn nên gây nứt lốp. Không tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc điểm đó chỉ ảnh hưởng đến độ bền của lốp, vì vậy, lazăng thép vẫn được sử dụng rộng rãi.
- 4
Tính ứng dụng và độ bền
Lazăng hợp kim là lựa chọn thích hợp nhất cho những chiếc xe tính năng cao. Tuy nhiên, lazăng hợp kim nhôm không thực sự phù hợp với loại xe dẫn động bốn bánh được sử dụng trên địa hình gồ ghề.
Lazăng thép dễ sửa chữa hơn và có thể sơn nhiều lớp bề mặt mà không ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng. Bù lại, loại lazăng thép dễ bị gỉ sét dưới tác động ngoại cảnh, dẫn đến các vấn đề về toàn vẹn cấu trúc. Tuy nhiên, xét về tổng thể, lazăng thép có thể chịu va đập tốt hơn loại hợp kim nhôm. Khi bị biến dạng, lazăng thép có thể được rèn lại để khắc phục, trái ngược với loại hợp kim nhôm.
- 5
Tính đa dạng
Mặc dù lazăng thép có nhiều thiết kế khác nhau nhưng chọn lựa dường như thoải mái hơn với loại hợp kim nhôm. Các hãng sản xuất phụ tùng xe hơi đem đến nhiều lựa chọn lazăng nhôm trọng lượng thấp và chất lượng cao bên cạnh sự phong phú về kích cỡ.
- 6
Thẩm mỹ
Nhiều người sử dụng chọn lazăng hợp kim nhôm chỉ vì lí do thẩm mĩ. Có hai loại hợp kim là đúc (hai mảnh) và luyện. Vẻ đẹp hào nhoáng của lazăng hợp kim nhôm là kết quả của quá trình đánh bóng, mạ chrome hoặc sơn phủ. Tuy vậy, lazăng thép lại được nhiều người mê xe yêu thích bởi vẻ cổ điển.
- 7
Giá thành
Lazăng thép có lợi thế hơn trên phương diện giá thành. Vì được sản xuất từ các chất liệu thông dụng và quá trình ít phức tạp nên lazăng thép rẻ hơn nhiều so với loại hợp kim nhôm.