Những kỹ năng cơ bản lái xe an toàn
(Giúp bạn)Lái xe ô tô không khó tuy nhiên những tình huống gặp phải trên đường luôn cần sự tỉnh táo và kỹ thuật điều khiển ô tô vững vàng
- 1
Trượt bánh:
Khi trời mưa, xe của bạn có thể sẽ bị mất lái khi băng qua những chỗ ngập nước hay những đoạn đường trơn trượt. Khi đó bánh xe sẽ mất lực ma sát với mặt đường và bị trượt dài. Để tránh tình trạng trên bạn hãy nhả chân ga, chiếc xe sẽ giảm tốc và giúp bạn lấy lại cảm giác lái. Đừng quẹo quá gấp hay thắng đột ngột vì xe bạn có thể bị trượt ngay.
Trước khi cầm lái bạn nên nhớ rằng tốc độ cao, lốp mòn và nước là một công thức hoàn hảo gây ra tình trạng trượt bánh, do đó hãy thường xuyên kiểm tra độ mòn lốp. Thậm chí với những lốp xe còn mới thì khả năng này vẫn xảy ra khi mà mực nước trên mặt đường cao hơn độ dày các hoa lốp.
- 2
Lái xe trong thời tiết xấu
Bạn đang lái xe trong lúc mưa lớn hoặc khi có những cơn gió lớn giật, đột nhiên chiếc xe của bạn mất lái và lượn lờ một cách không thể kiểm soát.
Nếu xe được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh (ABS): Hãy đạp cứng và giữ nguyên chân phanh đồng thời cố gắng tránh chiếc xe phía trước. Hệ thống ABS sẽ giúp xe bạn giảm tốc nhanh chóng và lấy lại kiểm soát. Đừng nhồi phanh vì như thế sẽ làm giảm bớt hiệu quả của hệ thống ABS.
Nếu xe không có hệ thống ABS: Đạp cứng phanh nhưng đừng để khóa bánh. Cố gắng giữ gót chân bạn đặt trên mặt sàn xe và sử dụng phần trên của bàn chân để đạp phanh một cách chắc chắn và ổn định.
Dù xe bạn được trang bị loại phanh gì đi nữa, hãy luôn giữ khoảng cách với xe đi trước bạn và luôn đi chậm lại trong điều kiện thời tiết và đường sá không thuận lợi.
- 3
Rào chắn
Bạn đang di chuyển trên đường cao tốc ở tốc độ cao bên làn đường bên trái sát rào phân cách. Giao thông dày đặc và không còn chỗ trống nào phía bên trái trước mặt bạn. Đột nhiên chiếc xe bên phải bạn chuyển làn đường vào làn đường bạn đang đi, va vào xe bạn và ép bạn rào chắn.
Để hạn chế tối đa thiệt hại do tai nạn đừng dậm phanh quá gấp, giữ vững tay lái và đạp cứng phanh nhưng đừng để khóa bánh. Sau đó từ từ thoát khỏi rào chắn và dừng xe lại khi các xe phía sau đã nhận ra sự trục trặc của bạn.
Một khi bạn đã kiểm soát lại được chiếc xe, hãy dừng xe cạnh ngay rào chắn và đừng cố gắng băng qua đường.
- 4
Chia sẻ làn đường với xe tải
Không ai muốn “có chuyện” với một chiếc xe tải cả nhưng nếu bạn di chuyển gần hơn 60 mét sau nó, nguy cơ bạn có thể bị rơi vào điểm mù của nó là khá cao.
Khi “bám gót” xe tải: Hãy chắc chắn rằng bạn giữ khoảng cách vừa đủ để tài xế xe tải thấy bạn qua gương chiếu hậu. Nếu bạn không nhìn thấy gương chiếu hậu của chiếc xe tải thì nguy cơ là tài xế xe tải cũng không thể nhìn thấy bạn, ngoài ra bạn còn bị hạn chế tầm nhìn phía trước khi đi quá gần nó.
Để “vượt mặt”: Đầu tiên hãy kiểm tra xem có đủ điều kiện vượt được không, kiểm tra gương chiếu hậu và nháy đèn xi nhan xin vượt khi nhận thấy đủ an toàn để vượt. Hãy vượt mặt xe tải càng nhanh càng tốt sau đó nhá xi nhan để xin nhập vào làn đường cũ.
Thường phải mất từ 3 đến 5 giây để vượt một chiếc xe tải so với vượt một chiếc xe con.
- 5
Các “đệ tử lưu linh”
Trong những khoảng thời gian về khuya, bạn đang “phi” nhanh về nhà bất chợt nhận thấy qua gương chiếu hậu một chiếc xe khác đang tiến lại gần. Chiếc xe đó đang đi hơi lệch làn đường với một tốc độ “giật cục”. Không còn nghi ngờ gi nữa, bạn sắp gặp một “đệ tử lưu linh” thứ thiệt. Vậy đâu là cách tốt nhất để tránh cuộc “gặp gỡ” này?
Hãy bật đèn xi nhan sau đó rẽ sang một đường khác. Nếu bạn đang di chuyển trên một con đường dài không ngã rẽ, hãy tiếp tục cho tới khi bạn có thể tắt đèn xi nhan và để chiếc xe kia vượt qua. Nếu bạn chỉ di chuyển qua trái hoặc qua phải, xe bạn có thể bị tông bởi vì các tài xế say rượu thường có khuynh hướng chạy theo đèn đuôi xe khác.
Do đó nếu bạn sắp tham gia một cuộc nhậu, tốt nhất hãy sắp xếp trước nhờ ai đó đưa về hoặc là đi taxi.
- 6
Chỗ ngồi cho trẻ em
Khi đi cùng với các trẻ nhỏ trong xe, bạn bên chú ý cách lựa chọn ghế ngồi và vị trí ngồi cho trẻ nhằm đảm bảo sự an toàn cao nhất cho chúng trong các trường hợp va chạm có thể xảy ra.
Có nhiều loại ghế phù hợp theo từng kích cỡ và độ tuổi của trẻ như ghế cho trẻ sơ sinh, trẻ mới đi chập chững, trẻ trong độ tuổi từ 8-12…Chú ý đối với những xe được trang bị túi khí cho hành khách, nhất thiết phải lắp đặt ghế cho trẻ ở những băng ghế sau. Đối với những trẻ nhỏ dưới 13 tuổi, chúng nên ngồi ở băng sau là tốt nhất. Bạn nên đọc kĩ hướng dẫn sử dụng xe để có những hướng dẫn chi tiết về cách lắp đặt ghế ngồi cho trẻ.
- 7
Tránh các xe ưu tiên
Bạn đang di chuyển ở làn đường bên trái của một con đường hai chiều có 4 làn đường không có rào phân cách trong điều kiện giao thông đông đúc, đột nhiên một chiếc xe cứu hỏa với còi báo hiệu dồn dập đang lao đến từ phía sau.. Theo luật bạn phải nhường đường cho các xe ưu tiên này nhưng giao thông hoàn toàn bít kín làn đường bên phải của bạn. Tốt nhất bạn cứ giữ nguyên hướng đi, đừng di chuyển sang trái lấn đường các xe đi ngược chiều vì bạn có thể bị tông trực diện hay làm ảnh hưởng tới hướng di chuyển của các xe ưu tiên. Nhờ còi hú, đèn báo hiệu, các xe ưu tiên có thể dễ dàng chạy lấn vạch sang làn đường các xe đi ngược chiều, còn bạn thì không.