Hướng dẫn cách khắc phục những bất hòa trong cách nuôi dạy con
(Giúp bạn)Ngoài việc đảm bảo cho con trẻ có đầy đủ dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh, gia đình còn là cái nôi để giáo dục nhân cách cho trẻ. Tuy vậy, bố - mẹ - ông - bà, mỗi người lớn lên trong những môi trường giáo dục khác nhau, có kinh nghiệm sống không giống nhau nên chắc chắn sẽ có phương pháp nuôi dạy trẻ khác nhau. Mâu thuẫn do bất hòa trong cách nuôi dạy con là vấn đề thường gặp trong gia đình hiện đại, vậy làm sao để khắc phục?
- 1
Mâu thuẫn giữa vợ - chồng
Theo một chuyên gia tâm lý, mâu thuẫn trong cách dạy con là một trong những lý do dễ gây xung đột giữa hai vợ chồng nhất. Đáng lẽ, ngay từ lúc lập kế hoạch hôn nhân, các đôi cần trò chuyện với nhau về cách nuôi dạy trẻ để có thể thống nhất trước việc này. Tuy nhiên, thực tế, hầu như rất ít người làm thế, chỉ khi mâu thuẫn nảy sinh từ những bất đồng về cách chăm sóc, dạy dỗ trẻ, các cặp mới bắt đầu để ý đến thiếu sót này.
Mỗi người đều có hoàn cảnh sống và được giáo dục theo cách khác nhau nên việc các đôi mâu thuẫn với nhau về cách dạy con là điều rất bình thường và dễ hiểu. Nhưng nếu bạn cứ khăng khăng giữ ý kiến của bản thân và bác bỏ phương pháp của bạn đời thì khi ấy, bạn chỉ quan trọng việc 'thắng, thua' trong cuộc chiến khẳng định mình là đúng chứ không phải là mong muốn con được phát triển toàn diện. Vậy nên, dù biết bạn đời sai, bạn cũng không nên quá quyết liệt ngăn cản trước mắt con. Điều này vừa làm "mất mặt" nửa kia vừa phản tác dụng giáo dục với trẻ. Tốt hơn là hãy nhẹ nhàng góp ý sau với bạn đời và cùng rút kinh nghiệm cho các tình huống khác. Nếu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, đứa trẻ sẽ mất phương hướng, không biết đâu là đúng, đâu là sai, thậm chí còn biết "lợi dụng" sự bất hòa của người lớn để đạt được ý muốn của mình.
Hãy luôn tôn trọng bạn đời trước mặt con cái lá giải pháp giúp tháo gỡ vấn đề. Hai người cùng chia sẻ và bàn luận với nhau những kiến thức về nuôi dạy con một cách khoa học, phù hợp từng độ tuổi từ sách vở, nhà chuyên môn hay thực tế xung quanh rồi thống nhất về cách ứng xử của mỗi người trong từng tình huống khác nhau. Đó là cách tốt nhất để vợ chồng bạn giữ được hòa khí và nuôi dạy con thật tốt.
- 2
Mâu thuẫn giữa bố - mẹ với ông - bà
Ông bà thường dùng kinh nghiệm (có khi đã lạc hậu) để chăm cháu, còn vợ chồng thì thích kiến thức khoa học khi chăm con. Khi hai cách dạy vênh nhau thì bé sẽ mất phương hướng. Bé không nhận thức được điều gì là đúng, điều gì là sai. Thậm chí, có bé còn biết “tận dụng” sự nuông chiều của ông bà để “đối phó” với mẹ. Dần dần, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của bé.
Chúng ta không nên phủ nhận hết vai trò của ông bà. Nếu có gì thấy chưa hợp lý thì góp ý, chứ không phải gay gắt phản đối. Bởi vì, nếu thiếu kiềm chế thì dễ bị mang tiếng hỗn hào với người lớn và ngay cả các bé, nếu thấy ông bà – bố mẹ bất đồng thì cũng không tốt cho sự phát triển nhân cách. Nhiều người chọn cách cùng ông bà đọc báo, xem các chương trình nuôi dạy bé trên tivi để bổ sung kiến thức.Một số khác chọn cách ra riêng. Nhưng nếu chỉ vì bất đồng mà nằng nặc đòi ở riêng thì càng khoét sâu thêm mâu thuẫn. Khi bố mẹ bận bịu cả ngày thì không ai chăm sóc cháu tốt hơn ông bà, kể cả những người giúp việc “lão luyện”.
Chuyện dạy con cần thường xuyên và không nên trì hoãn. Vậy nên góp ý với ông bà một cách nhẹ nhàng, mềm mỏng. Cần có sự phối hợp ăn ý và ủng hộ của bạn đời mới có thể giải quyết mâu thuẫn này.
Tóm lại, mâu thuẫn khi dạy con trẻ xuất phát trước hết là do ở người lớn. Vì vậy, người lớn cần phải giả quyết với nhau thật êm thấm, không nên để con trẻ nhận thấy bất hòa. Chỉ cần dành chút thời gian kèm theo sự khéo léo, nhẹ nhàng và tế nhị thì rắc rối nào cũng được giải quyết gọn gàng phải không các bạn?