Bánh gấc Ninh Giang, đặc sản quen mà lạ

07:35 12/02/2014

(Giúp bạn)Đi về Hải Dương, rẽ vào khu thành phố rồi đến Ninh Giang sẽ thấy một loại bánh ngon, tinh tế lạ: bánh gấc.

Bánh trái từ gạo, từ các loại lá, loại hạt… trên mảnh đất hình chữ S rất nhiều, nơi nào cũng có loại bánh đặc sản. Có những loại bánh quen, bánh lạ, bánh quen mà lạ. Bánh gấc Ninh Giang là loại bánh quen mà lạ như thế.

Bánh gấc Ninh Giang có thể nhầm lẫn bên ngoài với bánh gai. Hải Dương có bánh đậu xanh được coi là đặc sản nổ tiếng, nhưng bánh gai, bánh gấc Ninh Giang mới là đặc sản tứ thiệt Hải Dương.


banh-gac-ninh-giang-dac-san-quen-ma-la-1

Thực ra, bánh gấc được người Ninh Giang sáng tạo từ ý tưởng làm bánh gai. Chiếc bánh gấc nhìn bề ngoài rất giống bánh gai, cách làm cũng tương tự, chỉ có thay bột lá gai bằng bột gấc.

banh-gac-ninh-giang-dac-san-quen-ma-la-2
Bánh gấc ăn ngon nhất là lúc hấp bánh xong, để nguội.Để lâu bánh sẽ cứng, muốn ăn phải hấp lại.

Mô tả cách làm bánh, nguyên liệu, ai cũng thấy thường thôi: cũng gạo nếp (trước có nếp cái hoa vàng, giờ người ta làm bằng thứ nếp tẻ: gạo dẻo nhưng không thơm), cũng đỗ xanh, cũng hạt sen, cũng dừa, cũng mỡ nước (không dùng dầu ăn vì mất mùi thơm đặc trưng), cũng bột gấc (hoặc thịt gấc) được gói trong lá chuối khô. Nhưng bí quyết gì để khi chiếc bánh gấc hấp lên ăn ngon, thơm thì đó vẫn là bí quyết của người Ninh Giang.

banh-gac-ninh-giang-dac-san-quen-ma-la-3
Nhân bánh tương tự như nhân bánh gai.

Bánh gấc Ninh Giang không được bán rộng rãi, chỉ thấy ở Hải Dương có. Bánh dẻo, màu hồng, nhìn bánh trong vắt, mềm, ngọt mát; nhân bánh ăn bùi bùi. Có người ăn bánh gấc Hải Dương xong đã đánh giá: về hình thức cũng như chất lượng, bánh không kém bánh phu thê. Thế mà bánh phu thê lại là một đặc sản tiến vua, còn bánh gấc Ninh Giang vẫn là cái tên nghe lạ lạ. Phải chăng những loại đặc sản xa đất vua, đất kinh thành thì sẽ “bình dân” hơn?

Comments