“Bảo tàng” Tây Nguyên trong quán cà phê
(Giúp bạn)Một khối lượng hiện vật khá lớn thể hiện đời sống văn hóa tinh thần của người dân Tây Nguyên được họa sĩ Nguyễn Ngọc Ẩn sưu tầm và trưng bày trong… quán cà phê Eva của anh.
Nhâm nhi ly cà phê trong tiết trời se lạnh của Tây Nguyên, ngắm những hiện vật thấm đẫm sắc màu văn hóa Tây Nguyên cảm giác thật thú vị. Mảnh bom từ thời chiến tranh giờ đã “hóa thân” thành một chiến binh cô độc, hình hài đầy thương tích, cổ mang xiềng xích. Tiếng khua gõ, âm thanh cồng chiêng ngân vang trong khoảng không gian bình yên. Một bờ tường được thiết kế như vách núi dựng đứng, cỏ cây, hoa dại mọc um tùm, tiếng suối chảy róc rách, từng màn sương mù lan tỏa.
Bên trái lối vào là bếp lửa của người Jơ Rai, Ba Na, Xê Đăng… tạo cảm giác liên tưởng như chủ nhà vừa đi ra ngoài đâu đó. Những khúc củi to đang cháy sém, từng làn khói xanh phảng phất, chiếc ấm đun nước đen thui nằm phía trên và xung quanh là những bó củi đun dang dở, một ghè rượu bên bức vách trét bằng đất – rơm, bên cạnh lủng lẳng những quả bầu khô dùng để đựng nước, tất cả đều là những vật dụng quen thuộc trong gian bếp của một gia đình bản địa Tây Nguyên…
Đến đây, bạn được chiêm ngưỡng thỏa thích những bức tượng nhà mồ lớn nhỏ đã ngủ quên lâu ngày trong những cánh rừng sâu thẳm hay từ những nghĩa địa bỏ hoang… được chủ quán góp nhặt về. Mỗi bức tượng mang một khuôn mặt, trông dị dạng, méo mó nhưng đường nét, họa tiết khắc họa rất rõ những vui buồn, giận hờn, yêu thương và ẩn giấu cả những câu chuyện về thân phận con người. Ở đây có cả những bức tượng làm từ những quả bom tấn cắt làm đôi, gắn mắt, mũi, miệng, đội mũ sắt, để dọc lối ra vào quán; hay một ống nước bằng sắt được chủ nhân “thổi hồn” thành những hình hài ngộ nghĩnh.
Hằng chục năm nay, gã nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Ngọc Ẩn đã lặn lội khắp vùng sơn cước của cao nguyên đại ngàn huyền bí để thu nhặt, tìm hiểu phong tục tập quán của từng dân tộc nơi đây. “Sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, mình quyết tâm phải làm gì đó để tri ân mảnh đất này!” – anh Ẩn thổ lộ. Mấy năm nay việc “nhặt” những hiện vật này ở khắp hang cùng ngõ hẻm nơi núi rừng Tây Nguyên được xem là thú vui và niềm đam mê của anh. “Tạo dựng một bảo tàng văn hóa của người Tây Nguyên là mong muốn của tôi. Tôi tìm thấy trong mỗi hiện vật những số phận con người, những nét văn hóa… điều đó đã tạo niềm say mê cho tôi”, anh cho biết.