Đặc sản Phú Quốc
(Giúp bạn)Một lần được bạn mời ăn đặc sản Kiên Giang, tôi đã lắc đầu từ chối. Cà Mau có đến 254 km bờ biển, có môi trường nước ngọt, nước lợ như Kiên Giang thì có lẽ, thực phẩm cũng không khác biệt nhau nhiều lắm. Thế nhưng khi bạn thết đãi món Còi Biên Bai, suy nghĩ ấy không còn sức đứng vững. Bạn lại còn thòng thêm một câu rằng: “Những món này chẳng là gì cả nếu đến Phú Quốc”.
Món còi biên mai cứ thôi thúc tôi đến với Phú Quốc. Du khách đặt chân đến đảo ngọc, ít khi phải ăn còi ướp lạnh để lại hôm sau vì món này rất thu hút khách. Với “tiếng lành đồn xa”, ai đến đây đều có mong muốn thưởng thức món ăn này nên có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Vào cao điểm du lịch, nhiều khách ra về mà chưa có dịp thưởng thức. Còi được chế biến thành nhiều món nướng, xào, lẩu… Nhưng ngon nhất là món nướng, giữ được độ dai, giòn và có vị thơm. Trong món nướng cũng có nhiều cách ướp khác nhau.
Phổ biến hơn cả vẫn là ướp chao, sa-tế, muối ớt. Cả một đĩa còi biên mai được ướp cùng muối hạt to đã được đâm nhuyễn vào đó mấy trái ớt đỏ tươi. Cái mặn mà của muối, cay xé lưỡi của ớt càng nâng vị ngọt của còi biên mai. Và cũng chỉ chế biến bằng cách này thì còi biên mai mới giữ được độ dai và giòn hết chỗ chê.
Thực khách sành ăn, thường gọi còi ướp chao, sau đó mới đến nướng muối ớt. Còi được cắt thành những khoanh tròn, ngắn ướp với chao đánh nhuyễn cho thấm rồi mới xỏ vào que. Phải nướng trên lửa than liu riu, còi mới thấm và chín giòn..
Còi biên mai chính là hai lớp cơ thịt nối liền hai mảnh con sò biên mai. Ở Cà Mau, con sò huyết lớn nhất thì còi của nó cũng bằng hai cây tăm ghép lại, còn ở đây, còi biên mai lại lớn bằng đồng xu và lớp thịt dày đến nửa lóng tay. Như vậy cũng đủ biết con biên mai này “to xác” đến cỡ nào. Người dân Phú Quốc cho biết, thịt của con biên mai rất nhão và ăn không ngon. Mọi tinh túy của con vật này chỉ tập trung vào hai cái còi.
Đến Phú Quốc, một đặc sản khác không thể bỏ qua là ốc nhảy. Ốc nhảy mua tại chợ Dương Đông, giá chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng/kg. Nếu ăn tại nhà hàng, số tiền bỏ ra có thể làm bạn hơi “choáng váng” một chút. Loại ốc có vỏ vàng vàng nâu nâu xứng đáng là vua các loại ốc – nếu có cuộc bình chọn nào đó. Làm món gì cũng ngon vì thịt ngọt, dai.
Đến đây, tôi phát hiện một điều rằng, càng là dân bản xứ, người ta ăn uống càng đơn giản. Người dân ở đây cho rằng món ăn hấp gừng chấm nước mắm, hoặc nướng là ngon nhất. Ở nhà hàng, người ta chế biến cầu kỳ ra món này món kia. Nhưng ăn vậy mất đi vị ngon đặc trưng của món đó.
Hầu hết các loài ốc đều có một chiếc áo giáp cứng bằng đá vôi để che chở tấm thân, thế nhưng trong lớp ruột cuộn vòng quanh trục ấy là những món đặc sản ngon không thể tưởng tượng được. Một món ốc khác, tuy không được yêu thích lắm nhưng để lại ấn tượng sâu đậm về sự phong phú của sản vật Phú Quốc là ốc giác.
Nhìn thân thể của chúng bị xẻ dọc xẻ ngang xào với khóm, chưa thấy vỏ ốc ngoài đời cũng có thể hình dung vóc dáng của chúng to lớn thế nào so với đồng loại. Có những con ốc giác, phần thịt đã hơn 1 kg. Loài này rất nhiều thịt. Lượng thịt của nó chiếm tới 1/2 cân nặng cơ thể. Chúng thường sống theo các vùng đá rạn chìm khuất dưới mặt nước hoặc các vách đá, hang hốc ngập nước quanh chân các hòn đảo.
Đối với dân đi biển, cách thưởng thức món này ngon nhất vẫn là luộc hoặc nướng lên rồi chấm với muối tiêu chanh. Nghe nói, có món ốc giác trộn gỏi cũng ngon không kém. Cách làm được lưu truyền như sau: con ốc sau khi rửa sạch phần vỏ, đem hấp chín (hoặc luộc), cùi ốc được thái ra thành từng lát mỏng, sau đó trộn với bắp chuối thái mịn, rau răm, ớt, dầu ăn, gia vị. Tất nhiên là không quên rắc đậu phộng rang giòn sau khi làm xong.
“Đệ nhất cao thủ” trong các món ăn ngon theo tôi vẫn là nhum. Ban đầu, nhìn nó trong hình chụp, tôi phát khiếp vì trông nó như một quả cầu gai đen. Nhum nhiều nhất là ở Cà Ná, Ninh Thuận và Phú Quốc, Kiên Giang. Chúng thường quần tụ ở những nơi có nhiều rạn san hô, đá ngầm và hang hốc để ăn rong rêu, cỏ biển. Con nào cũng đen sẫm, gai chơm chởm thật ngộ nghĩnh.
Vừa bắt lên được, các thợ lặn sẽ dùng kéo cắt bỏ tất cả gai trước khi tách đôi mình nhum ra như tách một trái măng cụt. Được biết, nhum ở đây có nhiều loại: nhum sọ màu trắng hoặc vàng cam, gai ngắn, ít thịt; nhum bàn gai nhọn, dài như chông; nhum đen thịt nhiều, ngon và béo nên được nhiều người chuộng.
Nhum thường được chế biến thành 3 món: nhum ăn sống với mù tạt, nướng và hấp. Thứ nào cũng làm bật lên vẻ thơm ngon, béo lạ lùng và mùi vị không lẫn vào đâu. Thịt nhum là một món ăn cực kỳ bổ dưỡng. Ăn thường xuyên, cơ thể sẽ dẻo dai, ít mỏi mệt. Một vài lão ngư còn nhắc lại món mắm nhum tiến vua thời nhà Nguyễn. Đó là thứ mắm đặc biệt được chế biến thủ công thật tinh tế. Có lẽ đến nay đã thất truyền vì không nghe nhắc đến.
Nghe nhiều, đọc nhiều vẫn không bằng một lần đặt chân đến Phú Quốc thưởng thức món ngon. Phú Quốc sẽ làm bạn lưu luyến không chỉ bằng những cảnh đẹp mà còn ở vị thơm ngon của đặc sản.