Cứ đơn giản như loại dưa cải bẹ chẳng hạn. Miếng cải bẹ được muối đúng độ có màu vàng nhạt, chua nhẹ và giòn tan. Đặc biệt hơn thì có dưa giá, từng cây, từng cây trắng ngần, không hăng, thơm mát và chua dịu. Cầu kì nhất thì có hành muối, đặc biệt phải là hành muối với mía. Củ hành nhỏ nhắn trắng óng như những hạt ngọc, không cay, không nồng, ngọt và chua. Rồi còn rất nhiều, rất nhiều các loại dưa khác như: dưa cải củ, dưa cải bắp, dưa cần, dưa nhút… Mỗi loại một sắc, một vị.
Cũng có đến hàng trăm kiểu loại dưa muối, tùy nguyên liệu hay cách chế biến, nhưng nếu xét về phương thức muối, dưa muối thường được làm theo hai cách chính là dưa muối xổi và dưa muối nén (hay còn là dưa muối chua).
Dưa muối xổi là loại dưa được muối trong thời gian ngắn, và có thể sử dụng ngay trong ngày, mặc dù ít chua nhưng vị cay, hăng thì rõ rệt. Các loại rau, củ, quả như: cà pháo, cà tím, cải bắp, cà rốt… thường là những nguyên liệu phổ biến đối với món dưa muối xổi. Những nguyên liệu này thường được cắt lát mỏng hoặc bổ miếng nhỏ để có thể ngấm đều gia vị trong khoảng thời gian ngắn.
Với vị chua nhẹ nhưng có phần đậm đà hơn so với dưa muối xổi, dưa muối nén hay còn là dưa muối chua thường được muối trong một khoảng thời gian dài hơn và có lẽ do vậy dưa muối nén cũng sử dụng được lâu hơn. Vì muối trong một khoảng thời gian dài nên những miếng dưa muối nén thường được thái dày hơn, thậm chí có loại dưa muối nén không thái như su hào muối thường được muối cả củ, đến khi ăn mới thái từng lát mỏng, vị chua nhẹ và giòn tan rồi ngay cả cải bẹ cũng có lúc để nguyên cây, cải củ để nguyên củ... Điều hấp dẫn ở món dưa muối nén này đó là khi chin tới, món ăn thường có chung một màu vàng nhạt nom rất bắt mắt, gia vị ngấm đều vào từng miếng dưa tạo nên một vị rất đặc trưng mà không phải món ăn nào cũng có. Thế nhưng, để muối được món dưa nén này thật ngon thì các khâu nêm gia vị, cách nén cũng là những khâu vô cùng quan trọng.
Điểm đặc biệt của món ăn dân dã này chính là khả năng tăng vị đậm đà, hấp dẫn cho nhiều món ăn khác, chúng là những món chua không thể thiếu khi đi kèm với một số món ăn như dưa hành củ ăn kèm với món bánh chưng ngày Tết, dưa kiệu ăn với thịt quay, dưa sung ăn với ốc luộc, cà pháo ăn kèm với canh cua…
Dưa muối giản dị là vậy mà nhiều biến thể vô cùng! Nếu miền Bắc trung thành với những cách muối dưa quen thuộc và phá cách bằng những món dưa muối đa dạng khác nhau thì người dân miền Trung đã vô cùng sáng tạo khi sử dụng xơ và múi mít xanh để chế biến thành món nhút, một dạng của dưa muối chua, đặc biệt nổi tiếng! Hay người miền Nam lại ưa chuộng hơn việc muối những loại quả chua, non như xoài, cóc rồi trộn với ớt bột hoặc ớt tươi, đường, tỏi… tạo nên những món ăn với vị lạ mà vẫn vô cùng hấp dẫn. Không chỉ vậy, ở nhiều vùng gần biển còn dùng các loại mắm từ hải sản (như tôm sú, cua…) kết hợp với củ kiệu hoặc đu đủ xanh xắt lát mỏng bỏ vào hũ tạo chua nữa cơ đấy!.
Trời ban đất Việt một nền khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và mang theo đó là một nền ẩm thực vô cùng phong phú, đa dạng. Người xa xứ có ngóng về quê hương cũng không khỏi nhung nhớ hũ dưa muối của mẹ, của bà, vị chua chua đọng lại trong từng luồng kí ức mà ấm áp đầy tình yêu thương!