Nhậu côn trùng ở thủ đô
(Giúp bạn)Món sâu đã qua chế biến được nhiều thực khách sành ăn gọi. Có người còn thích ăn sâu “sống” to bằng ngón chân cái, đang bò. Họ chấm sâu vào bát nước mắm tỏi, ớt nguyên chất và khen “Ngon tuyệt cú mèo...".
Nộm da trâu, thịt đà điểu nướng, cá sấu chiên xù… dường như không còn là “sơn hào hải vị” của dân nhậu Hà thành nữa. Giờ phải theo chân các tay sành ăn uống mới có cơ hội khám phá được một thế giới ăn nhậu độc, lạ …đến rùng mình.
Vào một quán nhậu khá lịch sự và đẹp mắt ở ven đường Nghi Tàm, các món được gọi ra có cái tên vừa lạ, vừa quen: Chả trứng kiến, châu chấu sữa, xôi trứng kiến, nhái phơi bờ rào, bọ xít rang lá chanh…
Dế chân trắng. |
Món ăn bày lên bàn, các thực khách chưa quen soi kỹ càng, lưỡng tự cầm đũa. Trái lại, người sành ăn nếm ngon lành. “Ở Hà Nội, giờ những món này là đặc sản đấy! Nhậu mà không có là mất cả ngon”, anh này bảo. Quả thực lúc nếm thử, trái ngược với mùi vị khó ưa thì bọ xít giòn tan trong miệng, ngọt bùi và đậm đà vị béo. Đó là bởi bọ xít đã được khử hết mùi bằng nước muối, ngắt đuôi để loại mùi hăng, nên không có mùi khó chịu.
Anh Nguyễn Tất Kiên - chủ một quán bình dân không treo biển nằm giữa làng Khương Thượng hớn hở quảng cáo: Giờ món sâu được rất nhiều thực khách sành ăn gọi nhất, ở nhiều quán nhậu thủ đô, sâu cũng trở thành món khoái khẩu không thể thiếu. Thậm chí, nhiều vị khách thích nhất là để sâu “sống” chấm với bát nước mắm tỏi, ớt nguyên chất…
Tại quán anh Kiên, một ngày thực khách có thể xài hết vài kg châu chấu, bọ xít và dế. Các khách tỉnh lẻ sống ở Hà Nội cũng tìm đến để thưởng thức hương vị quê nhà, trong đó có cả phụ nữ. Ngoài được nếm thì cái thú vui của nhiều thực khách còn là “tra khảo” chủ quán về nguồn gốc, xuất xứ của món ăn. Anh Kiên không ngần ngại xem việc chia sẻ là niềm vui đón khách.
Bọ xít. |
"Cửa hàng món ăn côn trùng của tôi được xây dựng từ năm 2002 với mục đích để bạn bè thân thiết cùng thưởng thức những món ăn lạ, để đời. Ấy vậy mà nhiều người kháo nhau, rồi đến đông dần. Là người thích phiêu lưu, khám phá, nên phần lớn thời gian của tôi là lang thang đây đó. Đến miền rừng núi nào, tôi phải 'ăn rừng, ở núi' học hỏi bí quyết chế biến của bà con rồi lượm lặt đặc sản gói ghém về thủ đô", anh Kiên kể..
Côn trùng được lựa chọn và nhập từ Nam ra Bắc: Trứng kiến Phú Thọ, Hòa Bình; sâu dừa, ve sầu Nam Bộ; bọ xít, châu chấu ở Sơn La, Yên Bái… Một số loại bọ xít, cà cuống, dế mèn lại được nhập từ Thái Lan và Lào. Nghe ở đâu có món côn trùng mới, anh lại xông xáo đến để học hỏi và kết nối nguồn hàng cho quán.
Cô chủ Thùy Anh của một quán nhậu trên đường Nghi Tàm cũng thành lập quán từ những chuyến đi “phượt” dài ngày. Ở mỗi vùng đất, cô đều học hỏi rồi đem món ăn "rừng rú" về quán của mình. Đến nay quán có hơn 100 món nhậu, như châu chấu rang, bọ xít rang lá chanh, dế trắng chiên giòn, nhái xào xả ớt…
Nói đến nhậu cũng phải kể đến rượu. Và dĩ nhiên, quán nhậu côn trùng thì rượu cũng được ngâm và chắt lọc tinh chất từ côn trùng, từ cây, quả núi rừng như: rượu ong rừng, ong mặt quỷ, rượu trứng kiến, rượu táo mèo, rượu chanh giấy…
Xôi trứng kiến. |
Giáo sư Arnorld van Huis – chuyên gia của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Tế giới (FAO) đã đưa ra kiến nghị, con người nên ăn các loại côn trùng thay vì thịt gia súc để giải quyết vấn đề lương thực trong tương lai.
Nếu 5 tỉ người bình quân mỗi người tiêu thụ 100kg thịt mỗi năm thì lượng thức ăn để nuôi dưỡng và sản xuất ra lượng thịt này lên tới 65 tỉ tấn/ năm. Vì vậy, nếu không đưa ra được những biện pháp thích hợp, năm 2050, khi dân số thế giới đạt đến con số 9 tỉ, chúng ta sẽ phải cần một quả đất khác để giải quyết được vấn đề lương thực.
Nếu con người đổi từ các loại thịt động vật thành côn trùng, tình hình sẽ khác. 1kg côn trùng chỉ cần khoảng 1,5 – 2 kg thực vật làm thức ăn. Ngoài ra, lượng khí thải từ nuôi côn trùng ít hơn so với nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, côn trùng giàu protein, vitamin và khoáng chất với hơn 1.000 loài khác nhau, xuất hiện trên 80% các quốc gia trên thế giới. Và thực tế, mùi vị của các món ăn côn trùng cũng hấp dẫn không kém.