Đi qua cầu ông Lãnh, quẹo trái, đến khúc giao Vĩnh Khánh - Hoàng Diệu nhìn bên phải, sẽ thấy gánh hàng rong khiêm nhường trước trường Trung học Vân Đồn, Q.4. Trên dọc đoạn đường ấy chỉ có 1 gành hàng rong và chủ hàng rong ấy chỉ bán 2 món sakê chiên giòn và bánh tổ yến.
Gánh hàng rong, "quán" sakê chiên và bánh tổ yến tiện lợi, được yêu thích.
Từ 3h chiều, dì đã gánh hàng ra đây để phục vụ các em học sinh, các phụ huynh đón con giờ tan trường và những người qua đường.
Để tiện, dì dùng 1 loại bột cho cả 2 món gồm: bột gạo nếp, bột năng, đường, trứng... hòa với nhau. Vô tình điều đó khiến sakê và bánh tổ yến dì làm có hương vị đặc biệt hơn một chút. Không hẳn là ngon xuất chúng nhưng giá cả dễ chấp nhận, lại dễ tính, hàng của dì luôn đông khách.
Khâu làm bột rất quan trọng, quyết định đến 80% vị ngon của bánh. Người làm phải thật khéo léo, kỹ lưỡng để rây bột cho đều, nếu không bột sẽ bị vón cục nhìn mất thẩm mỹ, ăn lại không ngon. Nghe nói, bột càng được đánh kỹ thì bánh càng giòn.
Sau đó, người làm chờ dầu sôi già, đổ từng muỗng bột vào với lượng áng chừng vừa đủ 1 cái bánh. Đổ bột cũng là một nghệ thuật, làm sao để bột ở giữa dày và xung quanh là lớp mỏng.
Trong quá trình chiên, lửa phải đều, không được to quá khiến bột cháy nhanh, không được nhỏ quá làm bánh không giòn, nhão. Thường người làm sẽ dùng bếp dầu 10 tim vì nó khiến lửa đều khắp đáy chảo, nhiệt đủ như yêu cầu. Đợi vài phút, khi thấy phần trung tâm bánh phồng lên, viền bánh vàng ruộm, là được. Bánh sau khi chiên xong sẽ vớt ra để lên vỉ hay giấy thấm cho ráo dầu.
Qúa trình làm bánh, từ khâu chuẩn bị bột, cho đến đổ bột và chiên bánh đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm.
Một chiếc bánh tổ yến đẹp là phải có độ nở phồng, viền xung quanh cong lại vàng sậm, bên trong có nhiều đường rễ tre tủa ra trông giống như tổ yến thật.
Sau khi chiên, bánh có hình giống tổ yến, chính vì thế có tên là bánh tổ yến hay tai yến.
Chỉ là bột chiên lên thôi, nhưng khi ăn, bạn sẽ hiểu ngay vì sao người miền Tây lại chuộng món này đến thế. Viền bên ngoài giòn tan, dần vào trong lại dai dai bột gạo, xốp xốp do độ nở khi chiên. Đặc biệt, bánh ở đây còn có vị cay cay nữa. Cắn đến phần trung tâm bánh còn thấy bánh mềm, sần sật và có mùi thoang thoảng như mùi của bánh bò, phải rất tinh ý mới nhận ra (có lẽ do bột làm bánh tổ yến cũng cần để một thời gian trước khi chế biến như bánh bò chăng?).
Chủ hàng rong cũng dùng loại bột ấy để chiên sakê - món ăn thú vị không kém bánh tổ yến.
Sakê cần được chiên trong chảo ngập dầu.
Sakê gọt vỏ, bổ dọc, cắt bỏ cùi giữa, cắt thành từng miếng vừa ăn, ngâm nước muối để giữ màu trắng và bớt nhựa.
Sau đó, từng miếng sakê này được nhúng vào bột, thả ngay vào chảo ngập dầu. Khi bột phía ngoài sakê chín vàng là được.
Miếng sakê ở đây khá to và dày hơn nhiều nơi mà chỉ 6.000 đồng.
Sakê thơm bùi và dẻo ngon được bọc bột cay cay, ngọt ngọt, giòn giòn bên ngoài.
Sakê ăn lúc còn nóng là ngon nhất. Mùi thơm của trái sakê quyện với mùi thơm của bột chiên rất quyến rũ, nhất là đối với những người đã từng thử qua một lần. Sakê chiên chín rất bùi nhưng lại khác cái bùi của khoai lang. Khi ăn, bột bên ngoài giòn giòn, ngọt ngọt với sakê mềm, dẻo bên trong thuyết phục vị giác của rất nhiều người ăn. Vì miếng sakê ở đây cắt to và dày nên nếu thích ăn ngọt, bạn có thể hỏi xin đường ăn kèm.
Bỏ qua các yếu tố về vệ sinh hay an toàn thực phẩm theo chuẩn thì thử một chút hương vị đường phố với món ăn vặt ngon lành lại khá rẻ, chỉ 4.000 đồng/bánh tổ yến, 6.000 đồng/miếng sakê, cũng hay ho phải không?