Sử dụng bột sắn dây như thế nào cho đúng

10:08 27/02/2014

(Giúp bạn)Bột sắn dây (Đông y gọi là cát căn) vị ngọt cay, tính bình, có tác dụng giải độc, thải nhiệt. Nó được dùng chữa sốt, nhiệt ở miệng, nhức đầu do sốt, khát nước, kiết lỵ....

Bột sắn dây là loại thức uống dân dã và quen thuộc có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong mùa hè. Ngoài ra, bột sắn dây còn có tác dụng trị bệnh rất hữu hiệu.

Tác dụng của bột sắn dây:

Sắn dây thuộc họ đậu, từ 2000 năm trước đã có một vị trí quan trọng trong y học dưỡng sinh Trung Quốc, Nhật Bản. Sự đông đặc của bột sắn dây làm cho các phân tử bột sắn dây đi vào thành ruột và trung hòa axit ở đây, chống lại vi trùng, ngăn cản các bệnh tiêu chảy. Nó làm thuyên giảm ngay các chứng đau họng và đầy hơi trong ruột.

Bột sắn dây chứa hàm lượng cao plavonodit, là một loại hoạt chất tăng cường sự hoạt động hệ tiêu hóa và tuần hoàn. Plavonodit là một chất nổi tiếng chống lại ôxi hóa cơ thể. Sắn dây có tác dụng ngăn chặn sự co rút của các tế bào ruột, do đó làm máu chảy tốt hơn và giảm chứng co ruột, xoắn ruột. 

Ảnh minh họa

Có nhiều cách chế biến bột sắn dây:

Pha bột sắn dây uống hàng ngày: Bạn pha theo tỉ lệ sau: 1 thìa cafe bột sắn + đường( tùy khẩu vị của người uống) + 10 ml nước sôi để nguội (có thể pha thêm với sữa nếu thích). Hòa tan bột sau đó đổ nước ấm hoặc nước nguội đều được. Tuyệt đối không uống vào sáng sớm nếu pha nguội vì nó sẽ bám cặn ở dạ dày không tốt.

Bột sắn dây đun chín: Bột sắn hòa vào nước cho tan. Bắc 1 nồi nước sôi lên, nước sôi cho nước bột sắn vào từ từ, khuấy đều tay, vặn nhỏ lửa cho khỏi vón cục.

Chè bột sắn dây: Bột sắn dây đun chín. Đậu xanh lấy hết vỏ, hấp chín. Cho đường vào nồi bột sắn, khuấy tan cho đậu xanh hấp vào, tắt bếp. Cho sẳn ra chén, nếu thích ăn nóng thì ăn luôn, còn không cho vào tủ lạnh để ăn mát lạnh.

Ảnh minh họa

Bột sắn dây còn là bài thuốc chữa được nhiều loại bệnh:

- Viêm ruột, đau bụng đi ngoài giống kiết lỵ, cồn cào, buồn bực, nôn ọe do uống nhầm các thứ thuốc nóng hoặc quá mãnh liệt: Dùng bột sắn dây quấy đường uống; hoặc dùng cát căn 30 g, rau má 20 g giã nát, chế thêm nước, vắt lấy nước cốt uống trong ngày. 

- Chống ngứa do mồ hôi: Bột sắn dây 5 g, thiên hoa phấn 5 g, hoạt thạch 20 g, trộn đều, rắc lên những nơi ẩm ngứa.

- Cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu, khát nước, có mồ hôi, nóng ruột, nôn ọe: Bột sắn dây 12 g hòa đường uống; hoặc dùng cát căn 20 g, đậu ván (sao)12 g, giã giập, sắc nước uống trong ngày.

- Vùng ngực bụng nóng cồn cào, khát nước: Bột sắn dây 120 g, gạo tẻ 15 g. Gạo tẻ ngâm nước một đêm, chắt bỏ nước, trộn đều với bột sắn dây, nấu cháo ăn trong ngày.

Một số lưu ý khi sử dụng bột sắn dây:

Không nên cho trẻ uống bột sắn dây sống vì dễ để lại bột cặn ở trong ruột cỏ trẻ khiến trẻ khó tiêu hóa.

Với phụ nữ mang thai, khi uống nước sắn dây nên lưu ý: nếu cơ thể bạn đang nóng thì uống nước sắn dây là rất tốt nhưng nếu bạn thấy người mình đang lạnh, cơ thể mệt mỏi có biểu hiện tụt huyết áp thì bạn không nên uống vì sắn dây sẽ làm tăng tính lạnh của cơ thể làm bạn mệt mỏi hơn, cũng có một vài lưu ý với những thai phụ bị động thai mà do dạ con co bóp nhiều thì đặc biệt không được uống nước bột sắn và các loại nước có tính hàn cao. Tốt nhất phụ nữ có thai nên sử dụng bột sắn dây đun chín. Chỉ nên cho 1 chút đường, không nên cho quá nhiều đường vì uống đường nhiều cũng không tốt cho thai kỳ. 




 

Comments