Thưởng thức đặc sản chay khắp thế giới

10:21 12/02/2014

(Giúp bạn)Món chay trên thế giới đều mang đặc điểm chung: không sử dụng thịt động vật và vẫn có đặc trưng từng vùng.

Nếu bạn là tín đồ của món chay thì đừng bỏ qua những món dưới đây nhé!

  • 1
    Gazpacho, Tây Ban Nha
     
    thuong-thuc-dac-san-chay-khap-the-gioi-1
     
    Gazpacho là món súp rau, gồm cà chua (nguyên liệu chính), hành, dưa chuột, ớt chuông, tỏi, dầu ô liu, giấm, bánh mỳ lên men, thảo dược và nước. Món đặc sản chay này bắt nguồn từ thời xa xưa, có thể là thời kỳ đế chế Moors xâm chiếm Tây Ban Nha hoặc thời kỳ Romans và họ đã bổ sung giấm cho món ăn này. Ngày nay, bạn có thể thưởng thức gazpacho ở hầu hết các thành phố và tỉnh thành tại xứ sở bò tót.
     
    Theo thời gian, người ta cho thêm một số loại rau củ được cắt tỉa đẹp mắt như dưa chuột và hành tây. Hiện nay, có nhiều cách thức nấu gazpacho. Ví như thay thế cà chua bằng lê, dưa chuột, mùi tây, bưởi, nho và một số nguyên liệu khác.
  • 2
    Samosa, Ấn Độ
     
    thuong-thuc-dac-san-chay-khap-the-gioi-2
     
    Samosa là bánh bột nhồi nhân bên trong, thường có hình thù tam giác hoặc bán nguyệt. Nhân có thể bao gồm nhiều lựa chọn khác nhau, như hành, đậu Hà Lan, rau mùi và đậu lăng. Hình dáng, kích thước và độ đặc của nước sốt tùy thuộc vào các vùng miền. Tuy nhiên, hình tam giác là phổ biến nhất. Samosa thường dùng như món khai vị, ăn kèm với tương ớt, xoài Ấn Độ. Với người không ăn chay, có thể dùng thịt gà hoặc cừu để làm món samosa.
  • 3
    Baklava, Thổ Nhĩ Kỳ
     
    thuong-thuc-dac-san-chay-khap-the-gioi-3
     
    Baklava là món bánh ngọt với nhiều lớp vỏ bánh bên ngoài, trong khi vị ngọt chủ yếu nhờ mật ong. Nguồn gốc của món ăn chay này đến nay chưa được làm rõ, nhiều dân tộc khẳng định đó là sáng tạo của họ, nhưng bằng chứng xác thực nhất là của người Thổ Nhĩ Kỳ. Baklava xuất hiện lần đầu trong nhà bếp của cung điện Topkapi, ở Istanbul.
     
    Hiện nay, baklava còn rất phổ biến ở các tiệm cà phê, được chế biến theo nhiều cách thức khác nhau.
  • 4
    Ratatouille, Pháp
     
    thuong-thuc-dac-san-chay-khap-the-gioi-4
     
    Cái tên ratatouille bắt nguồn từ động từ “touiller” trong tiếng Pháp, có nghĩa là trộn đồ ăn. Ban đầu, đây là món ăn của những người nông dân nghèo vào mùa hè với rất nhiều rau củ mà họ thu hoạch được. Đơn giản nhất thì ratatouille bao gồm bí ngô, cà chua, ớt chuông xanh, đỏ. Tất cả nguyên liệu được hấp, trộn lẫn với dầu ô liu. Ngày nay, người ta bổ sung thêm cà tím.
  • 5
    Couscous, Ma-rốc
     
    thuong-thuc-dac-san-chay-khap-the-gioi-5
     
    Couscous là món ăn phổ biến không chỉ ở Ma-rốc, mà còn ở Tunisia và Algeria (Nam Phi). Nó được chế biến từ bột, chia thành từng viên nhỏ. Sau đó, chúng được lăn qua bột mỳ khô để khỏi dính vào nhau, trước khi qua sàng lọc. Những viên quá to chưa đạt yêu cầu sẽ được nhào nặn lại cho đến khi hạt nhỏ đều.
     
    Theo truyền thống, phụ nữ sẽ tập trung để làm couscous dùng trong nhiều ngày. Couscous thường được ăn kèm với rau củ luộc.
  • 6
    Cà ri đậu phụ massaman, Thái Lan
     
    thuong-thuc-dac-san-chay-khap-the-gioi-6
     
    Cà ri massaman còn được gọi là cà ri đỏ, bởi nó có màu đỏ đặc trưng của nước sốt. Mặc dù kiểu cà ri đậu phụ truyền thống có thịt bò, thịt vịt, gà, lợn, nhưng món cà ri chay vẫn được ưa thích hơn cả. Du khách có thể gọi món cà ri massaman vị dừa, lạc hoặc khoai tây. Về phần gia vị, có nhiều lựa chọn như quế, hồi, đường, ớt và nước tương me, nghệ, đinh hương và thì là Ấn Độ.
  • 7
    Bánh mỳ đậu, Nam Phi
     
    thuong-thuc-dac-san-chay-khap-the-gioi-7
     
    Bánh mỳ đậu hay còn biết đến với cái tên bunny chow, món ăn nhanh kiểu Nam Phi. Bunny chow gồm bánh mỳ nhồi cà ri rau kiểu truyền thống Ấn Độ, xuất hiện từ những năm 1940. Cửa hàng do lâu đài Banias, Ấn Độ, được ghi nhận là nơi sáng tạo ra bunny chow.
     
    Hiện tại, bunny chow lại thịnh hành ở Nam Phi hơn, sau khi những công nhân Ấn Độ nhập cư tới Nam Phi làm việc. Vào tháng 9 hàng năm, Nam Phi còn tổ chức cuộc thi làm bunny chow, dọc theo hai bên bờ sông Mgeni.
  • 8
    Mujaddara, Trung Đông
     
    thuong-thuc-dac-san-chay-khap-the-gioi-8
     
    Mujaddara là món ăn chay quen thuộc ở Trung Đông, được nấu từ đậu lăng, gạo lứt, bột mỳ và hành cùng dầu thực vật, có thể ăn nóng hoặc nguội, kèm theo rau củ. Người Trung Đông có quy tắc thưởng thức món chay mujaddara, ăn nóng vào tối thứ năm và nguội vào ngày chủ nhật.
     
    Mặc dù mujaddara chỉ được xem như món ăn của người nghèo, nhưng lại rất giàu protein, tốt cho sức khỏe. Bạn có thể thử hai loại mujaddara, mujaddara vàng từ đậu lăng đỏ và mujaddara nâu từ đậu lăng đen.
  • 9
     Papa a la huancaina, Peru
     
    thuong-thuc-dac-san-chay-khap-the-gioi-9
     
    Papa a la huancaina có nghĩa là khoai tây kiểu Huancayo. Huancayo là một thành phố của Peru. Thực chất đây là món salad khoai tây luộc với nước tương Huancaina rất cay và đặc. Món này rất dễ làm và thường ăn nguội với dầu ô liu và ngô.

  • 10
    Arepas, Nam Mỹ
     
    thuong-thuc-dac-san-chay-khap-the-gioi-10
     
    Arepas là món bánh mỳ truyền thống ở Colombia, Venezuala và một số nước Châu Mỹ La tinh khác. Người ta có thể sử dụng bột ngô hoặc bột mỳ tùy thuộc vào mỗi vùng. Arepa cũng có thể rán, luộc, nướng hoặc hấp. Nếu thích ăn ngọt, arepas có thể phục vụ kèm với mật ong
  • 11
    Zongzi, Trung Quốc
     
    thuong-thuc-dac-san-chay-khap-the-gioi-11
     
    Zongzi, đôi khi còn được gọi tắt là zong, là món bánh truyền thống của Trung Quốc, làm từ gạo và nhân bên trong, bọc lá trúc hoặc sậy. Zongzi có thể nấu theo phương pháp luộc hoặc hấp. Các gia đình Trung Quốc thường quây quần để làm bánh zongzi vào mỗi dịp lễ hội thuyền rồng, tưởng nhớ ngày mất của nhà thơ Khuất Nguyên nổi tiếng.
  • 12
    Ketupat, Indonesia
     
    thuong-thuc-dac-san-chay-khap-the-gioi-12
     
    Không chỉ nổi tiếng ở Indonesia, bánh gạo ketupat còn rất phổ biến ở Brunei, Malaysia, Philipines và Singapore. Cũng từ nguyên liệu gạo, nhưng bánh ketupat được gói trong lá dừa. Loại bánh truyền thống này cũng thường được các gia đình chuẩn bị trong dịp lễ tết.

     

     

Comments