Bí quyết để những ngón tay thiên thần luôn khỏe
(Giúp bạn)Làm đẹp móng tay, móng chân không đúng cách sẽ làm tổn thương móng và dẫn đến các bệnh trạng gây tổn hại cho sức khoẻ của bạn.
Móng khoẻ có phải màu sắc hồng hào, cứng và dai, bề mặt móng trơn tru và sáng bóng, không tì vết, không có gợn sóng hoặc lồi lõm. Nếu móng của bạn xuất hiện một trong những dấu hiệu: móng bị đổi màu (vàng, xám...), móng mềm dễ gãy, mục, bề mặt lồi lõm, có vạch, chảy mủ hoặc chảy máu... hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn bệnh về móng. Bệnh về móng do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do cắt móng và trang trí móng bằng nước sơn hay đắp móng giả.
- 1
Bệnh do cắt móng
Công đoạn đơn giản nhất của việc cắt móng ở các cửa tiệm là ngâm nước làm mềm móng cũng đã gây hại cho móng. Vì sao ư? Ngâm nước thường xuyên trong khoảng thời gian lâu làm móng bị giòn. Khi ra khỏi nước, móng sẽ khô và teo lại.
Ở các công đoạn khác như cắt da, lấy khóe hiểm họa sẽ lớn hơn. Dụng cụ lấy khóe nhọn và mảnh luồn sâu vào hai kẽ móng đôi khi quá tay sẽ phạm vào da thịt, gây chảy máu, nhiễm trùng (triệu chứng sốt và đau nhức móng). Nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến thối móng, gây hoại tử.
Việc cắt phần da viền quanh để móng trông gọn và đẹp hơn cũng dễ làm móng bị nhiễm trùng, vì đây là lớp da có nhiệm vụ bảo vệ móng. Nếu thường xuyên cắt da, lấy khóe, móng sẽ bị hở dễ nhiễm trùng, viêm gốc móng. Chỉ một vết thương nhỏ cũng sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn thâm nhập gây nhiễm trùng nặng. Do vậy, cắn móng tay cũng dễ gây tổn thương cho móng.
- 2
Bệnh do trang trí móng
Tất cả các thành phần có trong thuốc sơn móng, móng giả, thậm chí cả bột đắp móng đều là hoá chất, ít nhiều gây độc hại. Do nhu cầu làm đẹp, loại hình móng giả có thể gây dị ứng. Biểu hiện là móng ngứa, đỏ. Nếu tiếp tục tiếp xúc với hoá chất này, móng sẽ bị sưng nề, ngứa nhiều, vùng da đỏ lan tỏa, nổi mụn nước, bóng nước và rỉ dịch.
Đặc biệt là methacrylate (MMA), hợp chất móng acrylic tuy đã bị cấm lưu hành do tính độc hại, song vẫn được một số salon lén sử dụng vì giá thành rẻ hơn so với chất thay thế là ethyl methacrylate. Ngoài ra, các dung môi dùng trong quá trình làm móng cũng có thể gây kích thích, dị ứng.
Nếu thường xuyên sơn móng, đắp móng giả, móng tay của bạn sẽ bị vàng, teo, giòn, dễ gãy. Hơn nữa, khi đeo móng giả, nếu va chạm mạnh, móng có thể bị gãy, lật, gây đau đớn. Chưa kể, nếu trước khi gắn móng giả, bạn không lau chùi móng tay sạch sẽ, vi trùng, nấm mốc sẽ sinh sản ở giữa hai lớp móng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Việc làm móng ở tiệm gây chảy máu cũng tạo điều kiện cho các bệnh lây nhiễm như viêm gan siêu vi B, C, HIV... dễ có cơ hội tấn công bạn hơn.
- 3
Những điều cần lưu ý
Móng không đòi hỏi sự chăm sóc quá cầu kỳ, nếu bạn cắt tỉa vừa phải và giữ chúng sạch sẽ, nguy cơ các bệnh lý về móng cũng sẽ giảm rất nhiều.
- 4
Chăm sóc móng thật cần lưu ý:
Khi cắt móng, bạn không nên cắt quá sát vì sẽ làm tổn thương da, gây nhiễm trùng. Không để móng quá dài dễ làm nơi trú ẩn cho các vi khuẩn gây bệnh. Hạn chế tiếp xúc nhiều với nước, hoá chất nói chung hay các chất tẩy rửa nói riêng. Nên đeo bao tay bảo vệ khi phải tiếp xúc với các chất này.
Thường xuyên vệ sinh dụng cụ làm móng. Không dùng chung dụng cụ này với người khác.
- 5
Các biện pháp hạn chế tổn thương móng giả:
Không đeo một bộ móng giả trong thời gian quá lâu. Bảo dưỡng móng giả 3 tuần/lần tại salon.
Sau 3 đến 6 tháng dùng móng giả, bạn nên tháo móng giả ra khoảng một tháng để giúp móng thật phát triển tốt hơn. Ngưng sử dụng móng giả khi có biểu hiện tróc móng.
Điều không kém quan trọng là khi làm móng ở các salo, bạn có quyền đòi hỏi sự an toàn của dịch vụ. Hãy yêu cầu nhân viên làm móng cắt cẩn thận, vệ sinh và không được làm tổn thương đến da thịt của bạn. Cuối cùng, để móng luôn khỏe mạnh, bạn nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý đầy đủ vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng quan trọng khác.