Chữa nám da theo Đông Y
(Giúp bạn)Da mặt bị nám (bị sạm) là bệnh thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 16-50. Nam giới cũng bị nám da mặt, nhưng rất hiếm gặp. Có nhiều nguyên nhân gây nám da như: rối loạn nội tiết, bị một số bệnh gan, suy thận.
Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài cũng gây nám như: đi nắng nhiều mà không đội mũ, đeo khẩu trang, dùng mỹ phẩm thoa mặt bị dị ứng, sau khi lột da mặt (ở mỹ viện) mà không tránh nắng, uống thuốc ngừa thai kéo dài, bị chấn thương vùng mặt, viêm da mặt…
Tùy theo vị trí của vệt nám, người ta phân thành hai loại:
- Nám da mặt đối xứng: Trên mặt xuất hiện những dải sắc tố màu nâu, xám đen hoặc nâu đen, có viền rõ, kích cỡ to nhỏ khác nhau. Vệt nám thường đối xứng ở mặt, ở trán, thái dương, gò má, phần trên của mũi...
- Nám da quanh miệng: Vị trí vệt nám ở vùng xung quanh miệng. Vệt nám thường có màu nâu, màu cà phê sữa trên một nền da đỏ nhiều hay ít tùy người (da không bong vảy hoặc da nhờn…).
Kiểu nám này kéo dài hàng năm, nguyên nhân có thể do rối loạn nội tiết sinh dục nữ, rối loạn kinh nguyệt, bệnh đường tiêu hóa…
Như vậy, để trị nám da mặt, cần tìm ra nguyên nhân gây nám da để dùng đúng thuốc mới hiệu quả. Chúng tôi sẽ giới thiệu dưới đây một số bài thuốc Đông y chữa nám da mặt dễ tìm, dễ sử dụng, ít tốn kém.
- 1
Chữa nám da mặt do rối loạn nội tiết
Rối loạn nội tiết gây nám da mặt được phân làm ba thể:
- Can khí uất: Tinh thần không thư thái, thường hay tức ngực, đau tức vùng hông sườn, vú và vùng bụng dưới đau, kinh nguyệt không đều. Nên dùng bài thuốc sau: hà thủ ô (đỏ) 16g, hương phụ 10g, ngải cứu 10g, đậu ván 10g, cúc tần 10g, nhân trần 10g, lạc tiên 12g, cỏ mần trầu 8g, mã đề 8g, bạc hà 8g, cam thảo nam 6g, gừng (nướng) 4g. Nấu với một lít nước sắc còn 200ml, chia hai lần uống trước bữa ăn.
- Khí hư: Người mệt mỏi, không có sức, kinh nguyệt không đều, tinh thần không thư thái, sợ lạnh, nước tiểu trong, phân thường mềm nhão, lưỡi có sắc nhạt, rêu lưỡi trắng. Nên dùng bài thuốc sau: đinh lăng 16g (hoặc đảng sâm 16g), đậu ván 12g, lạc tiên 10g, nhân trần 10g, hương phụ 10g, ngải cứu 10g, trần bì 6g, rễ tranh 8g, cam thảo nam 8g. Sắc uống như trên.
- Huyết hư: Người gầy yếu, da khô, sắc mặt vàng, hoa mắt, chóng mặt, đi cầu táo, tiểu vàng, nóng, người bứt rứt, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, lưỡi nhạt, rêu vàng. Nên dùng bài thuốc sau: hà thủ ô 16g (hoặc đương quy 12g), hương phụ 10g, ngải cứu 10g, đậu đen 10g, rau má 12g, nhân trần 10g, lá dâu 8g, lạc tiên 12g, mã đề 8g, cam thảo nam 8g. Sắc uống như trên.
- 2
Chữa nám da mặt do bệnh của gan (thường là viêm gan mạn tính)
Các vết nám thường ở hai bên má lan sang cổ, vết nám không có viền rõ ràng. Nên dùng bài thuốc sau: hà thủ ô 16g, nhân trần 12g, bồ công anh 12g, chó đẻ răng cưa 16g, thổ phục linh 12g, rau má 12g, mần trầu 10g, lạc tiên 10g, mã đề 8g, rễ tranh 8g, trần bì 6g, cam thảo nam 8g. Sắc uống như trên.
* Trường hợp nám da mặt khi mang thai, cần chú ý không ra nắng quá nhiều. Chứng này thường biến mất sau khi sinh.
* Đối với những người bị nám da mặt do các yếu tố bên ngoài, ngoài việc điều chỉnh sinh hoạt, chữa lành các chấn thương, cần lưu ý đến các loại dược phẩm dưỡng da bằng cây cỏ. Có thể dùng một trong các bài thuốc sau:
- Nhân hạt bí đao 16g, trần bì (vỏ quýt khô) 6g, hoa đào khô 12g. Ba thứ rửa sạch, sấy khô, tán nhỏ. Ngâm với 1/2 lít nước sôi 10-15 phút. Chia hai-ba lần uống trước bữa ăn. Uống liên tục một - hai tháng.
- Lá dâu tằm (hái trong mùa đông), rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Ngày dùng 50-80g, nấu với một lít nước, sắc còn 100ml, hòa với nước sạch để rửa mặt vào buổi sáng. Có thể nấu 2kg lá dâu khô với 10 lít nước, còn một lít, bảo quản chỗ mát (hoặc để ở ngăn mát tủ lạnh). Mỗi buổi sáng dùng 100ml hòa với nước sạch để rửa mặt.
- Nước ép dâu tây, cà chua dùng cho loại da nhờn. Rửa mặt sạch bằng nước ấm, bôi nước ép hai loại này lên da mặt, sau 20-30 phút thì rửa sạch bằng nước sắc của cây ngò tây (ngò tàu, ngò gai).
- Nước vo gạo (hoặc nước cám gạo), bột củ cà rốt (hoặc củ cà rốt nghiền nhuyễn), thoa lên vết nám ngày hai lần mỗi lần 20-30 phút, rửa sạch bằng nước ấm.