9 sai lầm khi chăm con khiến bạn mệt mỏi
(Giúp bạn)Giai đoạn con mọn có thể nói là giai đoạn khó khăn và mệt mỏi nhất của người phụ nữ, luôn trong tình trạng thiếu ngủ, căng thẳng, hãy thư giãn và biến quãng thời gian này thành những kỷ niệm ngọt ngào và hạnh phúc bên thiên thần bé nhỏ của bạn
- 1
Tranh thủ làm mọi thứ sau khi bọn trẻ đã ngủ
Sau khi con ngủ, phụ nữ thường lao vào dọn dẹp, lau chùi, ủi đồ... làm những việc còn dở dang trong ngày, sắp xếp mọi thứ cho gọn gàng rồi mới đi ngủ, thường là 23 giờ đêm và mất một lúc lâu sau họ mới chợp mắt được.
Tốt nhất là: Đừng nên tận dụng thời gian rảnh để làm tất tần tật mọi việc. Ai cũng cần có một thói quen ngủ hợp lý, kể cả con bạn và bạn. Do vậy, khoảng 30 đến 60 phút trước giờ ngủ, hãy làm những việc nhẹ nhàng để giúp cơ thể thư giãn như: tắm, đọc sách, xem TV... Lặp lại những thói quen ấy mỗi tối để cơ thể thích nghi với khoảng thời gian chuẩn bị đi ngủ và chẳng mấy chốc, bạn sẽ thiếp đi ngay.Nếu muốn ăn nhẹ, hãy chọn những thức ăn làm từ tinh bột, ít chất béo như bánh mì với mứt hay bột ngũ cốc với sữa. Loại nước uống tốt cho bạn ở thời điểm này là trà bạc hà và mật ong có tác dụng xoa dịu thần kinh. Bạn cũng nên ăn tối trước giờ đi ngủ khoảng 3 tiếng bởi việc tiêu thụ một lượng lớn thức ăn có thể sẽ khiến bạn khó ngủ.
- 2
Đi ngủ trễ và dậy quá muộn vào những ngày cuối tuần
Cuối tuần luôn là khoảng thời gian lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn. Nhưng bạn cần nhớ rằng việc đi ngủ đều đặn và đúng giờ cũng quan trọng như việc ngủ đủ giấc. Nếu cả tuần bạn đã thiếu ngủ thì việc ngủ nướng thêm một tí vào hai ngày cuối tuần sẽ rất có ích cho cơ thể. Nhưng cũng đừng nướng quá đà vì điều này có thể phá vỡ thói quen hằng ngày và bạn khó mà dậy đúng giờ vào buổi sáng thứ hai của tuần tới.
Tốt nhất là: Chỉ nên ngủ thêm một giờ. Khoảng thời gian này đã đủ để giúp bạn phục hồi sức khỏe. Tận dụng thời gian rảnh rỗi còn lại để làm những việc khác như đi dạo, uống cà phê với bạn bè, mua sắm hoặc đơn giản hơn là đọc một tờ tạp chí cuối tuần.
- 3
Lờ đi những vấn đề về sức khỏe của bản thân
Rất nhiều vấn đề về sức khỏe của cơ thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của chính bạn như kinh nguyệt, bệnh hen suyễn, các bệnh về đường tiết niệu (đi tiểu một lần mỗi đêm là chuyện hoàn toàn bình thường, nhưng đi 3, 4 lần trong một đêm thì bạn cần xem lại sức khỏe ngay lập tức). Khoảng một nửa số người bị bệnh mất ngủ mãn tính có những vấn đề về tâm lý như căng thẳng thần kinh hoặc chán nản.
Tốt hơn là: Đi khám ngay khi bạn cảm thấy có những vấn đề không ổn về sức khỏe, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Thường thì những căn bệnh này sẽ được điều trị bằng thuốc kết hợp với việc thay đổi một số thói quen không tốt trong cách sinh hoạt hằng ngày của bạn.
- 4
Bạn tin tất cả mọi thứ
Am hiểu là điều tuyệt vời, nhưng quá nhiều thông tin không hẳn là tốt. Từ khi vòng bụng của bạn lớn dần, bạn đã nhận được những lời khuyên, không chỉ từ sách báo, tạp chí.
Mọi người từ hai bà mẹ hai bên tới những người lạ mặt đứng cạnh bạn trong cửa hàng đã khuyên bạn cách nuôi con.
Hãy lắng nghe tất cả, gật đầu và rồi hoàn toàn bỏ qua lời khuyên nếu muốn. Cần xem xét kỹ những thông tin nhận được và giữ lại những gì bạn cảm thấy sẽ có tác dụng.
Tốt nhất bạn nên tham gia các khóa học đặc biệt dành riêng cho các bậc làm cha mẹ để có kiến thức nuôi dạy con cái một cách hệ thống và chuẩn mực.
- 5
So sánh con mình với con người
Một sai lầm tự nhiên đến nỗi bạn thậm chí không nhận ra. Hãy xem khung cảnh này quen thuộc như thế nào:
Trong khi ngồi chờ tại phòng khám, bạn nhìn qua bà mẹ bên cạnh đang đầy tự hào với đứa bé trên tay. Cuộc trò chuyện bắt đầu. Bạn nhận ra rằng "em bé nhà kia" cùng 6 tuần tuổi như em bé nhà bạn nhưng "lớn nhanh" hơn bé nhà bạn 1 kí lô.
Làm cha làm mẹ, bạn không tránh khỏi so sánh. Nhưng nhớ rằng các mốc quan trọng dựa trên mức trung bình - một số trẻ đạt mốc sớm hơn một chút, một số chậm hơn. Miễn là trẻ nhà bạn khỏe mạnh, thế nào bé cũng tới mốc đó.
- 6
Bạn quên chuyện lứa đôi
Cần nhớ rằng bạn vẫn còn một gia đình để chăm lo ngoài đứa trẻ. Hãy dành thời gian cho bản thân và người ấy. Cần chắc chắn rằng mọi người đều nhận được sự quan tâm và yêu thương, kể cả bạn.
- 7
Quan trọng hóa vấn đề
Thật dễ hiểu khi bạn luôn lo sợ về sức khỏe của con. Nhưng nhớ rằng, không phải bất cứ khi nào trẻ sụt sịt mũi hay khóc lóc đều có nghĩa là có gì đó không hay.
Hãy hít thở thật sâu, suy nghĩ một cách hợp lý, loại bỏ mọi khả năng. Nếu linh tính vẫn cho rằng có gì đó không ổn, lúc đó hãy hành động.
- 8
Chăm sóc trẻ quá kỹ
Không nên bao bọc trẻ trong nhung lụa. Đôi lúc trẻ sẽ vấp, ngã hay va chạm, nhưng những vết xước rất nhỏ này giúp trẻ học được về thế giới xung quanh.
Hãy cho trẻ tự do. Nếu trẻ có dính bẩn khi chơi trong vườn, hãy cứ để vậy, một ít bụi bẩn sẽ không làm tổn hại mà còn giúp xây dựng hệ miễn dịch cho trẻ.
- 9
Bạn quên tận hưởng
Trẻ lớn rất nhanh, vì vậy hãy biết tận hưởng phút giây hạnh phúc. Ghi lại những bước đi đầu tiên của trẻ, chụp hình hoặc quay phim trẻ cùng với chú thích hoặc lời dẫn.
Khi con bạn tập nói, hãy giữ một cuốn sổ nhỏ và ghi vào đó tất cả những từ mới lạ bé học được. Rồi một ngày, bạn sẽ rất hạnh phúc vì những gì đã làm