Bệnh tim mạch là gánh nặng cho phụ nữ mang thai

14:44 14/04/2015

(Giúp bạn)Những sản phụ có bệnh tim mạch thì thai nghén trở thành gánh nặng và làm cho các bệnh lý tim mạch trở nên nặng hơn, dễ xảy ra tai biến và biến chứng cho mẹ và thai nhi.

Nhiều quan niệm sai lầm về phụ nữ mắc bệnh tim

Trao đổi trên Người lao động, PGS-TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm Tim mạch - BV E, cho rằng quan điểm phụ nữ bị bệnh tim không nên lấy chồng và nếu lấy chồng thì không nên sinh con đã trở nên lạc hậu và không đúng với thực tế điều trị tim mạch hiện đại. Tại trung tâm đã điều trị thành công nhiều trường hợp phụ nữ bị bệnh tim khá nặng “vượt cạn” an toàn.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng bệnh tim mạch nói chung và van tim nói riêng là những bệnh lý rất nguy hiểm bởi trong thai kỳ, những thay đổi sinh lý (tăng nhịp tim, giảm huyết áp…) ảnh hưởng đến hệ tim mạch, bắt tim phải tăng cường hoạt động. Với người bình thường, tim có thể thích nghi với thay đổi này trong khi tim mắc bệnh có thể bị quá tải.

Sự thay đổi có thể khiến người mẹ cảm thấy mệt mỏi, khó thở, nhức đầu nhẹ trong suốt thai kỳ. Vì vậy, có một số người mẹ không biết mình mắc bệnh tim mạch cho đến khi có thai, do vậy những thay đổi này có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.

“Thế nhưng trên thực tế, những phát hiện và điều trị hiện nay cho phép người bị bệnh tim có quyền làm vợ và làm mẹ mà không ảnh hưởng tới tính mạng. Điều quan trọng là những bệnh nhân này cần được khám chuyên khoa tim mạch sâu trước và trong quá trình mang thai, khi sinh nở và ngay sau khi sinh” - ông Thành nhấn mạnh.

Các bệnh van tim và thai nghén

Sức khỏe và Đời sống cho biết, khoảng 1% số phụ nữ mang thai có các bệnh lý van tim và đi kèm với tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm đối với mẹ và thai nhi. Các bệnh van tim hay gặp gồm:

Hẹp van hai lá: Bệnh hẹp van hai lá là bệnh tim rất đáng quan tâm ở phụ nữ có thai vì khởi đầu người bệnh thường không có triệu chứng nhưng khi mang thai có thể diễn biến xấu đi do nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim hoặc do nhu cầu cung cấp máu tăng lên dẫn đến các biến chứng thường gặp là phù phổi cấp, nếu không được điều trị dễ dẫn đến tử vong.

Vì thế sản phụ có bệnh hẹp van hai lá nặng cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch và thường điều trị nong van hoặc phẫu thuật sửa/thay van hai lá trước khi mang thai.

Hở van hai lá: Nguyên nhân thường do di chứng thấp tim hoặc sa van hai lá. Sản phụ thường dung nạp tốt nên đôi khi quá trình mang thai vẫn diễn ra bình thường (thường gặp ở sản phụ chức năng tim còn bù trừ tốt), tuy nhiên ở những sản phụ có hở van hai lá nặng, kèm theo chức năng tim đã suy giảm thì quá trình thai nghén dễ có các biến chứng khi sinh nở.

Hẹp van động mạch chủ: Nguyên nhân thường gặp là bẩm sinh hoặc do di chứng của thấp tim. Nếu hẹp van động mạch chủ nặng hoặc đã có triệu chứng như khó thở, đau ngực thì cần khuyên người bệnh không nên có thai cho tới khi được phẫu thuật. Nếu đã mang thai và xuất hiện các triệu chứng sớm thì nên cân nhắc đình chỉ thai nghén.

Hở van động mạch chủ: Sản phụ thường dung nạp tốt khi chức năng tim còn trong giới hạn bình thường. Cần lưu ý một số thuốc trong quá trình thai nghén như thuốc “ức chế men chuyển” (loại thuốc hay dùng điều trị trong hở van động mạch chủ) có nguy cơ dị tật với thai nhi, nên cần thay thế bằng nhóm thuốc khác.

Van cơ học: Những sản phụ có mang van tim nhân tạo (được thay van nhân tạo cơ học trước khi mang thai) cần dùng thuốc chống đông suốt đời và phải tiếp tục trong suốt thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, các thuốc chống đông như wafarin (Sintrom) và các dẫn xuất khác có thể dẫn đến bệnh lý thai nhi trong thời gian từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 12, đồng thời làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu và xuất huyết nội sọ thai.

Vì thế, với người bệnh mang van tim cơ học, việc mang thai sẽ dẫn đến nguy cơ lớn cho cả mẹ và thai nhi. Nếu vẫn tiếp tục mang thai, thì trước khi sinh cần phải dừng wafarin và thay bằng thuốc chống đông khác là heparin trong 10 ngày trước khi sinh. Trong khi sinh thì dừng dùng heparin và dùng lại wafarin từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau khi sinh.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ

Các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim ở phụ nữ có thai cũng tương tự như người không có thai. Nguy cơ nhồi máu sẽ tăng lên ở trường hợp đa thai, người hút thuốc lá, bệnh nhân đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp và tăng mỡ máu. Nhồi máu cơ tim hay gặp nhất trong 3 tháng cuối của quá trình mang thai và tử vong của mẹ khoảng 20%. Về điều trị cũng tương tự với người không có thai.

Rối loạn nhịp và thai nghén

Ngoại tâm thu nhĩ và thất rất phổ biến trong thời kỳ mang thai. Nhiều sản phụ có cảm giác tim đập mạnh trong lồng ngực và thấy có khoảng hẫng nhịp sau nhịp ngoại tâm thu. Rối loạn nhịp nhanh cũng phổ biến trong thai kỳ. Khoảng 20% trường hợp phụ nữ có cơn nhịp nhanh trên thất từ trước sẽ tái phát trong thời kỳ có thai. Vì thế, các sản phụ cần được theo dõi về tim mạch trong suốt quá trình mang thai.

Các bệnh tim ít gặp khác trong quá trình thai nghén như: Tăng áp lực động mạch phổi, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, bệnh cơ tim chu sản (một loại bệnh lý đặc biệt có liên quan quá trình thai sản)… Đối với những sản phụ nói chung, đặc biệt các sản phụ có bệnh tim nói riêng cần được theo dõi và quản lý thai nghén định kỳ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Các sản phụ có bệnh lý tim mạch kèm theo, cần được thăm khám và kết hợp điều trị của bác sĩ chuyên khoa tim mạch nhằm giảm các nguy cơ biến chứng và tai biến trong thai kỳ, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và em bé.

Tiến Khê

Nên đọc
-1 Bệnh cao cholesterol
-2 Những loại cháo bổ dưỡng cho phụ nữ sau sinh
-3 Những thắc mắc về dinh dưỡng cho phụ nữ sau sinh
-4 Thực đơn cho phụ nữ sau sinh


Theo GDVN

Comments