Bí quyết dạy trẻ 'lẫm chẫm' kỷ luật như mẹ Tây
(Giúp bạn)Cha mẹ sẽ nhàn tênh nếu bé được rèn tính kỷ luật khi mới lẫm chẫm biết đi.
- 1
Tại sao lại phải dạy bé tính kỷ luật?
Khi bé được 10 tháng tuổi, trí não của bé đã phát triển hơn, bé sẽ bắt đầu quan sát xung quanh và tiếp thu vào bộ nhớ của mình. Như vậy, kể cả những từ mà mẹ nói với bé hàng ngày như: “Không được, cái đó nóng đấy” hay “Nguy hiểm lắm” đều được bé ghi nhớ. Đặc biệt, khi nói với bé bằng giọng điệu thay đổi khác nhau (theo từng tình huống và mục đích của mẹ) thì hiệu quả hơn nhiều, bé sẽ biết điều gì được phép làm và điều gì không - đây cũng chính là 'viên gạch nền' để cha mẹ dạy bé dễ dàng hơn khi lớn.
Cha mẹ sẽ nhàn tênh nếu bé được rèn tính kỷ luật khi mới lẫm chẫm biết đi. (Ảnh minh họa).
- 2
Nên và không nên khi dạy bé tính kỷ luật
Dạy kỷ luật không đồng nghĩa với việc lúc nào cũng 'ra luật' và buộc bé phải tuân theo. Đừng quá nghiêm khắc và cứng nhắc với bé. Nếu mẹ đưa ra chuẩn mực quá cao sẽ khiến bé cảm thấy khó có thể tốt như mẹ yêu cầu được. Nhưng cũng phải nghiêm khắc đủ để bé biết vâng lời. Hãy để bé thấy mẹ yêu thương bé nhường nào và mẹ chỉ đang thay đổi hành vi không tốt của bé chứ không phải là thay đổi con người. Ngoài ra, mẹ là tấm gương gần nhất để bé soi vào. Chính vì thế, hãy luôn lịch sự, kính trên nhường dưới... để bé bắt chước.
Đừng mất cảnh giác về sự an toàn của bé. Ví dụ, mẹ có thể dạy bé là nồi canh mới nấu rất nóng, hay cầu thang rất cao... nhưng đừng tin là bé sẽ không dám thử 'chơi với lửa'. Do đó, việc dạy bé luôn phải đi kèm với việc để mắt đến bé liên tục.
Đừng phê bình bé quá nặng lời. Chắc chắn sẽ có lúc bé làm những việc khiến bạn bực tức nhưng kì thực nguyên nhân sâu xa là do bé tò mò, muốn xem chuyện gì xảy ra sau đó mà thôi. Mắng bé hư thân, ương bướng... không làm bé tốt hơn được và thậm chí còn làm giảm tính học hỏi hoặc sự tự tin của bé.
Hãy luôn nhất quán. Ví dụ, hôm nay mẹ không cho bé leo cầu thang, nhưng hôm sau mẹ lại không nói gì khi thấy bé thử leo. Đừng hành động sai lầm như thế! Mẹ phải nhất quán khi mẹ bảo “không” có nghĩa là bé sẽ không được làm việc đó. Hãy nhắc đi nhắc lại quyết định của mẹ mỗi khi bé lơ là. Đôi khi, mất khá nhiều thời gian để bé biết nghe lời nhưng sau đó, mẹ sẽ 'gặt trái ngọt' dễ dàng quản lý, dạy dỗ bé.
Đừng có lúc nào cũng nói 'Không' với bé! Điệp khúc “Không, không, không” chỉ làm bé chán nản mà thôi. Thay vì nói không, mẹ thử tìm một cách nào khác an toàn cho bé xem. Như việc bé kéo tai chú mèo yêu, thay vì mắng bé “Không được kéo tai con mèo” hãy bảo bé “Đây mới là cách chăm mèo này, con phải vuốt ve nó thế này, không phải kéo tai nó”.
Hãy thưởng cho bé những lúc bé làm những việc tốt. Đừng tiết kiệm lời khen cho mỗi lần nỗ lực của bé, điều đó giúp bé biết điều gì tốt nên làm cũng như giúp bé cảm thấy vui và có động lực học hỏi hơn.