Bí quyết nuôi dưỡng cá tính của trẻ
(Giúp bạn)Bên cạnh những nét tính cách chung của lứa tuổi thì mỗi đứa trẻ lại bộc lộ những nét tính cách riêng của mình bởi vì mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt, có những nét đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ một đứa trẻ nào khác.
- 1
Những mối quan tâm của cá nhân
Phát huy và tăng cường cá tính của trẻ không phải lúc nào cũng được thực hiện dễ dàng, vì thực tế có rất nhiều vấn đề cản trở đến quá trình này. Chẳng hạn, nếu trong gia đình có hai đứa con thì cá tính của chúng thường tương tự nhau. Ví dụ, bạn mua cho đứa lớn cây đàn piano để bé học đàn, chúng ta sẽ thấy: đứa em sau đó cũng muốn học đàn piano hơn các loại nhạc cụ khác. Kết quả là đứa em cũng học đàn piano, cho dù điều này không phù hợp lắm với khả năng thực sự của bé. Điều này có nghĩa, những định hướng riêng của cha mẹ đã ảnh hướng đến loại hình giáo dục mà cha mẹ áp dụng cho trẻ và loại ngành nghề muốn trẻ theo đuổi sau này. Đôi khi, điều này có thể làm tổn hại đến cá tính của trẻ, vì nó sẽ xuất hiện những xung đột giữa kỹ năng với những điều mà trẻ thật sự quan tâm.
- 2
Chống lại áp lực khi trẻ so bì với bạn bè
Trẻ từ 7 - 8 tuổi trở đi thường hay có tư tưởng so bì với bạn bè. Đôi khi, trẻ mong muốn mạnh mẽ là được gia nhập vào một nhóm nào đó, đến nỗi trẻ có thể gác sở thích hay ý muốn riêng của rmình sang một bên để cho phù hợp với "trào lưu" chung. Những trường hợp như vậy, chúng ta nên khuyến khích trẻ chống lại những mong muốn không phù hợp ấy, cho dù điều này có thể khiến trẻ trở nên khác biệt so với mọi người. Hãy trấn an trẻ bằng cách, dần giúp trẻ hiểu rằng, bản thân trẻ là một cá nhân riêng biệt.
- 3
Nuôi dưỡng cá tính của trẻ
Chúng ta thử tiến hành những bước sau đây, nhằm khám phá những yếu tố khác nhau trong cá tính của trẻ để từ đó biết cách nuôi dưỡng, nâng đỡ những phẩm chất tích cực và độc đáo của trẻ.
- 4
Hãy tìm hiểu cá tính của trẻ
Chúng ta hãy thử đặt mình vào một điều kiện khác biệt để nhìn nhận về cảm xúc thật sự của con mình. Tìm hiểu xem điều gì làm nên sự khác biệt giữa bé với những đứa trẻ khác. Hãy quên đi những điều khiến chúng ta phân tâm, chỉ cần tập trung vào bé và những phẩm chất đặc trưng của bé mà thôi. Như thế sẽ giúp chúng ta có một hình ảnh rõ nét hơn về tính cách của con mình.
- 5
Nhìn nhận những ưu điểm của trẻ
Có lẽ chỉ cần quan sát, chúng ta đã có thể nhìn nhận những ưu điểm của con mình, nhưng nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu, dành thời gian để suy ngẫm, liệt kê ra những năng lực và đặc tính của trẻ thì sẽ có ích hơn rất nhiều.
Khuyến khích những điều trẻ quan tâm. Phát huy cá tính của trẻ còn bao gồm cả việc đưa ra những hoạt động vui chơi để trẻ có cơ hội bày tỏ và phát triển sự quan tâm của bản thân. Không có những dịp như thế, cá tính của trẻ sẽ không thể phát triển mỹ mãn được. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu xem trẻ đang quan tâm đến điều gì nhất và điều gì chúng ta có thể hỗ trợ để gúp trẻ phát triển.
Khen ngợi những thành quả trẻ đã đạt được. Hãy xem lại mức độ đánh giá của chúng ta về sự tiến bộ của trẻ. Sự thừa nhận, ủng hộ của chúng ta đối với những thành quả mà trẻ đã đạt được về bất cứ việc gì đều rất quan trọng đối với sự phát triển tích cực của trẻ, đó có thể là trong học vấn, thể thao hoặc sáng tạo… Trẻ có nhu cầu được chúng ta thừa nhận và tự hào về những thành quả mà trẻ đã nỗ lực đạt được.
Nên tránh so sánh bé với những đứa trẻ khác. Việc so sánh trong một vài khía cạnh nào đó có thể đem lại kết quả tốt, chẳng hạn khi bé cũng ngoan giống như anh của bé. Tuy nhiên, đôi khi việc so sánh bé với anh của bé lại tạo cho bé cảm giác là cá tính của bé bị "đồng hóa", chứ không còn là "một tài sản riêng" của bé nữa. Khi đó, niềm hạnh phúc của bé sẽ bị giảm đi ít nhiều. Nói chung, trong hầu hết mọi trường hợp, chúng ta nên tránh việc so sánh bé với những đứa trẻ khác.
Khích lệ năng lực của trẻ. Chúng ta nên cố gắng để có thể tối ưu hóa những tiềm năng của trẻ, cho dù tiềm năng ấy liên quan đến bất kỳ lĩnh vực nào, thậm chí có thể nằm ngoài sự qua tâm của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta mong rằng trẻ lớn lên sẽ làm bác sĩ, song trẻ lại biểu hiện năng khiếu trong diễn xuất…