Bí quyết phát triển trí não cho trẻ thông qua luyện đôi tay
(Giúp bạn)Trong giai đoạn ấu thơ, sự phối hợp hoạt động chân, tay sẽ giúp cho não bộ hay hệ thần kinh của con người phát triển và phân chia vai trò chỉ huy. Trong quá trình ấy, não bộ với vai trò chỉ đạo các hoạt động chân tay sẽ giúp trẻ bắt chước, thực hiện các thao tác bằng chân, tay. Những hoạt động này sẽ tác động trở lại, kích thích não bộ phát triển. Chính vì vậy, luyện kĩ năng điều khiển tay là một biện pháp vô cùng tốt cho sự phát triển của bé trong năm đầu đời.
- 1
Giai đoạn 0 – 3 tháng tuổi
Lúc mới sinh, tay bé thường khép lại một cách tự nhiên. Cho dù bạn cố gắng mở rộng bàn tay bé thì bé cũng sẽ tự động nắm khẽ lại. Trong 3 tháng đầu, vận động bàn tay của bé mang tính chất tự phát: Bé xòe ra hoặc nắm tay lại khi bé khóc hoặc giật mình.
Khoảng 3 tháng tuổi, bé có thể giữ một đồ vật nhẹ trong tay hoặc xuất hiện dấu hiệu mút ngón tay trỏ. Bạn có thể luyện vận động bàn tay cho bé bằng cách, khẽ mở các ngón tay của bé ra, đặt vào lòng bàn tay bé một món đồ chơi. Lúc đầu, bé không thể giữ đồ vật đó được lâu, nhưng bé sẽ hình thành phản xạ cầm, nắm đồ vật sau này.
Ngoài ra, bạn cũng có thể treo những món đồ chơi nhỏ và gợi ý để bé dùng tay túm lấy chúng. Phần lớn, các bé đều bị cuốn hút vào những đồ vật chuyển động xung quanh và thích thú dùng tay khám phá. Cách này còn giúp bé luyện tập phản xạ của tay và mắt rất tốt.
Nhiều bé còn có sở thích từ 3 tháng tuổi như: dùng tay tìm hiểu những phần khác nhau trên cơ thể như bé tự nắm ngón chân mình. Do đó, bạn có thể khuyến khích bé dùng tay sờ mặt mẹ, khi tay bé dừng ở chỗ nào, bạn nên gợi ý cho bé như “đây là mũi của mẹ”, “tai của mẹ”… để bé thích thú hơn.
- 2
Giai đoạn 4 – 7 tháng tuổi
Đây là cột mốc quan trọng để phát triển các kỹ năng vận động của bé. Thời điểm này, bé có thể hiểu được một phần ý nghĩa của cử động bàn tay. Nếu bạn đưa cho bé một món đồ, bé biết dùng tay để giữ lấy, nhìn ngắm và thậm chí bé còn biết chuyển đồ vật từ bàn tay này sang bàn tay kia.
Lúc này, bạn nên tăng cường các hoạt động điều khiển tay cho bé như cùng bé chơi vỗ tay, đưa cho bé những món đồ chơi phát ra âm thanh để bé tự lắc. Bạn cũng có thể hướng dẫn bé dùng tay đặt đồ chơi vào khung hình theo trật tự có sẵn, hoặc giúp bé lật mở những cuốn sách.
- 3
Giai đoạn 8 – 12 tháng tuổi
Khoảng 9 – 10 tháng tuổi, bé có thể dùng hai tay giữ đồ vật khá chắc chắn. Bé còn biết làm quen với thìa hoặc tự mình sử dụng cốc uống nước. 12 tháng tuổi, bé có khả năng ôm và tung bóng nhựa, vỗ tay, dùng ngón tay chỉ vào đồ vật và biết vẫy tay nói “bai bai” với mọi người.
Giúp bé điều khiển bàn tay:
Bạn nên để cho bé tự do bốc thức ăn, chơi đồ hàng trong phòng hoặc dùng tay sờ, nắm vào bất kỳ đồ vật an toàn nào. Giai đoạn này, bé có đặc tính tò mò cao nên bé rất thích dùng tay sờ vào mọi thứ.
Lúc này, bạn có thể cho bé làm quen với thìa để bé thành thạo điều khiển ngón tay cái và ngón tay trỏ. Bé 1 tuổi có thể hiểu nhiều yêu cầu của bạn, vì vậy bạn nên hướng dẫn bé cách rung hoặc bóp đồ chơi để chúng phát ra âm thanh vui vẻ.Càng về cuối năm bé sẽ càng thuần thục hơn những động tác mà nó đã biết và tiếp tục khám phá những việc khó hơn, như học cách điều khiển những ngón tay độc lập với những ngón khác. Bé thích thò tay vào lỗ mũi hay lỗ tai, có khả năng chỉ vào những đồ vật nó muốn, bắt đầu vỗ tay theo nhạc và sẵn sàng giơ tay ra để nắm lấy tay bạn.
Bạn có thể:
- Cột những đoạn len ngắn có màu khác nhau vào mỗi ngón tay của bé để nó nhìn và cảm thấy từng ngón có thể vận động một cách độc lập. Lưu ý cột sợi len gọn gàng mà không quá chặt.
- Thọc tay vào những lỗ nhỏ là cách tốt nhất để giúp nó học cách sử dụng từng ngón tay một cách độc lập, vì thế, nên mua một ít đất sét màu để bé thọc ngón tay vào đó tùy thích.
- 4
Giai đoạn 13 – 18 tháng
Bé đi được và thích sục sạo mọi nơi, nhưng đi chưa vững, hay bị ngã cũng như khó di chuyển khi gặp những chỗ ngoặt. Bé có thể cúi xuống nhặt đồ chơi, sau đó đứng lên mà không vịn vào một vật khác. Bé chập chững thường muốn tự làm mọi thứ. Bé luôn chân, luôn tay khám phá mọi thứ mà không vì mục đích rõ ràng nào cả. Bé thích đặt vào, lấy ra các thứ đồ chơi, đồ vật, cũng như thích dịch chuyển các thứ từ nơi này đến nơi khác; thích xếp đặt mọi thứ về đúng chỗ của nó… Bé làm đủ mọi thứ: ném bóng ném đồ vật, kéo đẩy, đong đinh… xếp nhà, xếp tháp hai tầng, giở trang sách… bé nghỉ rồi lại chơi, đi lên rồi lại đi xuống…Bé có thể vẽ vài nét nguệch ngoặc trên giấy. Bé biết tự cầm cốc để uống nước; biết cầm thìa thức ăn đưa vào miệng nhưng chưa chính xác.
Giúp bé vận động bàn tay:
- Chuẩn bị cho bé đồ chơi và môi trường để bé vận động: Cha mẹ có thể chuẩn bị cho bé những đồ chơi như: Một cái xe bằng gỗ chắc chắn (xe nôi hoặc xe đẩy), một số thùng để bé đựng các thứ, bé lấy ra rồi bé lại bỏ vào (có thể dùng những thùng giấy bỏ đi…), búp bê, hoặc gấu to… để bé bế hoặc vận chuyển, ôtô, đoàn tàu… để bé kéo, những quả bóng cao su, nhựa hoặc làm bằng giấy… Đồng thời chuẩn bị cho bé một môi trường chơi thoải mái và an toàn với bé.
- Cho bé xếp hình lắp ghép, tô màu và vẽ: Bạn có thể mua hoặc làm cho bé những bộ xếp hình đơn giản, nhưng bạn phải hướng dẫn bé cách xếp các mảnh hình vào với nhau như thế nào. Bé có thể xếp 3- 4 khối gỗ thành một cái tháp. Bé rất thích xếp chồng các khối gỗ thành cái tháp cao để bé hất đổ. Bạn hãy sử dụng vỏ của những lon bia, nước ngọt, hộp sữa, bao diêm…để bé chơi xếp chồng.
- Hãy cho bé những ổ khoá cũ có chìa để bé tự cho chìa vào ổ.
- Đến những tháng tuổi này bé có thể nguệch ngoạc được một vài nét trên giấy. Bé thường dùng cả cánh tay để đẩy bút đi và dễ để trượt giấy, vì vậy bạn nên cho bé những tờ giấy to, bút chì mềm để bé vẽ. Giấy vẽ để trên bàn và cho bé ngồi vẽ hoặc để giấy lên giá vẽ, gắn giấy lên tường để bé vẽ. Cũng có thể cho bé dùng ngón tay hoặc que để vẽ lên nền đất. Cho bé dùng tăm bông, bàn chải to, hoặc các ngón tay nhúng vào bột màu, mực màu… để bé vẽ những nét nghệch ngoặc, các dấu chấm.
- Cùng chơi với trẻ: khi cùng chơi với trẻ cha mẹ sẽ có những hướng dẫn cho trẻ chơi để phát triển khéo léo đôi bàn tay ở trẻ.
- Khuyến khích khi trẻ thực hiện được các thao tác đôi bàn tay: cha mẹ tạo điều kiện cho trẻ và đồng thời khuyến khích trẻ khi trẻ thực hiện được các thao tác như cầm thìa, cầm cốc để uống nước.
- 5
Giai đoạn 18 – 36 tháng
Khi được 18 tháng đôi tay của bé đã trở nên khéo léo hơn. Đôi khi bạn thấy bé vẽ bằng tay phải và cả tay trái, nhiều bé cầm bút còn chưa đúng cách. Bé thích dùng bút lông, bút dạ, bút màu… Bé thích vẽ với những đứa trẻ khác trên một tờ giấy to. Bé có thể đẩy cái ghế đến chỗ đồ vật được giấu trên cao. Bé có thể chơi với bộ xếp hình đơn giản, biết xâu hạt, … Bé lên 2 thích leo trèo, bò. chạy, nhảy… cũng như bé thích mang vác, kéo đẩy.
Bạn có thể:
- Tập cho bé sử dụng cả bàn tay để mở nắp một cái lọ, hoặc dùng ngón cái và các ngón tay còn lại để nhặt những vật rất nhỏ lên.
- Bạn nên thường xuyên yêu cầu bé đặt vật này lên trên một vật kia một cách chính xác hơn. Lúc này những ngón tay được dùng để chỉ hoặc khều đồ vật. Bé đã biết sử dụng từng ngón riêng lẻ hay phối hợp nhau và có thể cân nhắc sử dụng bàn tay như thế nào để làm điều mình muốn.
- Cho bé tô màu, vẽ và xé dán: Vì đã được làm quen với bút chì và giấy từ giai đoạn trước nên lúc này bé có thể sẽ muốn viết và vẽ thường xuyên hơn. Khi bé vẽ, hãy chỉ cho bé biết nên dùng màu nào và nói với bé về cái mà bé đang cố thể hiện qua những nét nguệch ngoạc của mình.
- Chơi bóng: Ở độ tuổi này bé thích chơi tất cả các trò chơi với bóng. Nhưng bé ném bóng chưa chính xác, đá bóng bắt bóng còn vụng về. Vì vậy khi ném bóng cho bé, bạn phải chắc chắn rằng bé đã đứng vững và tay bé duỗi thẳng. Khi mới chơi bé còn ôm bóng trong tay. Khi bé chơi quen thì bạn làm khó hơn một chút. Lúc đầu cho bé chơi quả bóng bay, bóng nhựa nhẹ để bé bắt. Bạn hãy cho bé những quả bóng các loại; những túi đậu, chiếc vợt, chiếc giỏ… để ném bóng vào…
Như vậy, sự khéo léo đôi bàn tay của trẻ phát triển cùng với sự phát triển lứa tuổi của trẻ, vì vậy để sự đôi bàn tay của trẻ phát triển tốt nhất cha mẹ cần tạo môi trường và dụng cụ cho trẻ vận động và luyện đôi bàn tay, khuyến khích trẻ và chú ý đến sự an toàn của trẻ khi vận động.