Làm sao để phát huy tính tự lập ở trẻ
(Giúp bạn)Càng lớn, trẻ càng nhận thức được rằng mình là một cá thể riêng biệt. Cùng với sự nhận biết điều này, bé có nhu cầu tự mình làm lấy những công việc riêng.
Để thật sự phát huy được tính tự lập, bé phải không ngừng "vượt qua những giới hạn" để tự khám phá thế giới xung quanh. Đó là lý do tại sao cần phải đặt yếu tố an toàn về nhà cửa đối với những bé ở độ tuổi "khám phá". Thay vì bạn cứ phải chạy vòng quanh theo bé, canh chừng và la rầy mỗi khi bé đụng vào đồ vật nào đó có thể gây nguy hiểm thì hãy cất những đồ vật ấy ở nơi khác nhằm tạo không gian an toàn cho bé tự khám phá
Các bậc cha mẹ cần đặt ra những giới hạn, nhưng thỉnh thoảng cũng nên phá lệ cho trẻ được "nắm quyền" một lần - dù là những quyết định của bé đôi khi rất lạ lùng. Chẳng hạn như đứa con 2 tuổi của bạn cứ một mực đòi mặc áo ấm khi trời đang nóng nực, hãy cứ chiều bé. Bé sẽ nhanh chóng nhận thấy điều này là không hợp lý và hiểu ra vấn đề. Để cho bé tự nhận biết được sự việc chính là tạo cơ hội để bé học giỏi và trưởng thành hơn...
Có thể tự mình hoàn thành tốt công việc là chìa khoá của một tính cách độc lập và một kỹ năng khéo léo trong tương lai. Nhưng để khuyến khích được khả năng này, người lớn cần hướng dẫn bé làm từ việc nhỏ nhất. Hãy hướng dẫn chậm rãi và rõ ràng từng bước một. Ví như muốn dạy bé đặt một cái tách lên bàn thì hãy làm từng bước một: Đầu tiên phải lấy đĩa lót, sau đó đến cái tách, rồi cái thìa. Theo dõi bé làm như thế nào và nhớ khen thưởng nếu bé làm tốt.
Khi bé xem bạn làm điều gì đó (nấu ăn, lau nhà, sắp xếp bàn ghế, ủi áo quần...) mà tỏ vẻ rất hứng thú thì nghĩ là bé đang muốn tham gia cùng bạn. Những lúc như vậy, hãy tìm cách nào đó để bé có thể trợ giúp bạn (ví dụ như bé không thể tự ủi quần áo, nhưng có thể mang quần áo đã gấp gọn đặt vào trong tủ...).
Nếu bạn đã chỉ định cho bé một công việc nào đó rồi, hãy giảng giải vàc chỉ dẫn thật kỹ dù điều này có thể làm bạn tốn khá nhiều thời gian. Hãy dành thời gian, hướng dẫn và cùng làm một công việc nào đó với bé (chẳng hạn như gấp chăn màn vào mỗi buổi sáng). Bé của bạn sẽ cảm nhận thấy tự hào hơn sau khi tự mình hoàn thành công việc.
Tất nhiên chuyện bạn quay lưng lại để bé một mình tại trường không phải là một điều dễ chấp nhận đối với bé, nhưng nếu bạn tỏ thái độ bình thường và "lơ" đi một chút những "đau khổ" của con, bé cũng sẽ cảm nhận vấn đề bình tĩnh hơn. Nói lời tạm biệt nhẹ nhàng nhưng theo kiểu sự việc là phải như vậy rồi đi thẳng ra cửa và nếu bé có khóc thét lên, cũng đừng để cho bé thấy bạn cũng rất bối rối và lo lắng. Các cô giáo sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề.
Luôn bày tỏ sự yêu thương và nâng đỡ của bạn đối với bé và bé sẽ cảm thấy tự tin hơn mỗi khi cần tự mình là điều gì. Khuyến khích trẻ mỗi khi bé tự mình cố gắng thực hiện điều gì đó và không tỏ thái độ bực mình khi bé cứ liên tục hỏi ý kiến bạn. Vì đây là điều bé sẽ muốn và cần trong một khoảng thời gian khá dài trước khi thật sự tự lập.