Cha đẻ tập đoàn Sony bày cách dạy con thông minh
(Giúp bạn)Lời nhắn nhủ “Sau ba tuổi thì đã muộn” cũng là tên của cuốn sách nói về phương pháp “khởi động sớm” trong giáo dục của vị doanh nhân nổi tiếng người Nhật – ngài Masaru Ibuka, cha đẻ của tập đoàn Sony lừng danh.
- 1
Khủng hoảng nằm ở… trường mầm non
Từ giữa thế kỷ trước, với ước mơ đưa Nhật Bản ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội kéo dài, ông chủ hãng Sony đồng thời là nhà giáo dục tâm huyết và người cha rất mực yêu thương con cái đã nghiên cứu về các vấn đề giáo dục để rồi đi đến kết luận: cội rễ của mọi sự khủng hoảng nằm ở các… trường mầm non, ở những công dân trong độ tuổi “búp trên cành”.
Theo ông, đây chính là độ tuổi trẻ đang phát triển với mức độ “thần tốc” cả về thể chất lẫn trí tuệ. Chính vì thế, việc kịp thời khuyến khích sự phát triển của trẻ lúc này là cực kỳ quan trọng. Đúc rút từ kinh nghiệm làm cha của chính mình và của các nhà giáo dục cự phách như Maria Montessori, Glenn Doman và Shinichi Suzuki, phương pháp “khởi động sớm” của Masaru Ibuka đã ra đời và trở nên nổi tiếng không chỉ trong phạm vi nước Nhật.
Trong cuốn “Sau ba tuổi thì đã muộn”, Masaru Ibuka chỉ ra rằng thời kỳ lĩnh hội kiến thức quan trọng nhất ở con người diễn ra từ lúc chào đời cho đến khi 3 tuổi. Và bởi vậy, cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ được học hỏi thật nhiều trong giai đoạn nền móng này thay vì để trẻ phát triển tự nhiên khiến khả năng của chúng bị thui chột phí hoài. Tuy nhiên, một điều quan trọng mà Ibuka muốn nhắn nhủ là: giáo dục sớm không nhằm đào luyện nên “thần đồng” mà chỉ đơn giản là giúp trẻ phát triển một cách toàn diện để trở thành những công dân thành đạt và hạnh phúc sau này.
Theo Ibuka, không có trẻ nào sinh ra đã là thiên tài hay bất tài, tất cả là tùy thuộc vào cách chúng được dạy dỗ ra sao. Bất cứ bé nào cũng có cơ hội để trở nên khỏe khoắn, thông minh hơn nếu được dạy dỗ đúng cách, đúng lúc. Điều quan trọng là đừng bỏ lỡ thời điểm mà trẻ có thể thu nạp kiến thức hiệu quả nhất.
- 2
Những nguyên tắc giáo dục cơ bản
Không ít chuyên gia giáo dục và tâm lý phản đối việc đào tạo trẻ ở độ tuổi còn quá nhỏ. Họ cho rằng khối lượng thông tin mà ta chủ động nạp cho trẻ sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên hệ thần kinh của trẻ, và bởi vậy tốt nhất là cứ để trẻ tự tiếp cận mọi thứ một cách tự nhiên. Trong khi đó, Ibuka thì cho rằng cần phải làm ngược lại!
Theo ông, sai lầm lớn nhất của chúng ta trong giáo dục con trẻ là đã hoán đổi thời điểm cần dạy dỗ chúng một cách nghiêm khắc với thời điểm cần để chúng được tự do phát triển. Cụ thể là muốn trẻ lớn lên vừa thông thạo vài ngoại ngữ, vừa giỏi bơi lội, vừa kéo violon điêu luyện thì cần phải cho chúng tiếp cận với tất cả ngay từ khi chưa đầy ba tuổi. Còn khi trẻ đã lớn hơn thì lại phải tôn trọng sự lựa chọn của trẻ, không ép chúng theo đuổi những gì mà chúng không thích.
Dưới đây là một số nguyên tắc giáo dục cơ bản của Ibuka:
Dừng ảnh hưởng của phụ huynh đối với trẻ khi chúng đã qua tuổi mầm non
Dạy con cũng như uốn cây. Muốn cây có hình dáng ra sao thì phải uốn cành từ lúc còn non, chờ lúc cành đã cứng mới uốn thì chỉ có… gẫy.
Đừng coi thường những ý nguyện “con nít” của trẻ, bằng không bạn sẽ gieo cho con mối hoài nghi về khả năng của mình suốt cuộc đời. Ngược lại, hãy truyền cho con niềm tin và trao cho con nhiều sự lựa chọn rồi để con tự chọn lấy “món” hợp với “khẩu vị” của mình nhất.
Không nựng con bằng giọng điệu đả đớt
Sự ngọng nghịu, đả đớt có thể hằn sâu vào tâm trí của con và trở thành chiếc barie cản trở con nắm bắt ngôn ngữ một cách chuẩn xác. Không quá bảo bọc nhưng đừng bỏ mặc con. Chăm lo quá mức có thể biến con thành “gà tồ”, nhưng để con phát triển như cỏ dại thì còn tệ hơn. Những đứa trẻ được sống trong sự quan tâm lớn lên thường lạc quan, nhân hậu và điềm tĩnh hơn.
Hành vi nào của trẻ cũng có căn nguyên riêng
Ví như vì ghen tị với sự quan tâm của cha mẹ dành cho em bé, đứa con lớn có thể cố tình… tè dầm và điều mà cha mẹ cần làm là phải loại bỏ căn nguyên ấy (quan tâm hơn đến con) chứ không phải là tìm cách trấn áp hành vi của con.
Tăng cường khen ngợi, hạn chế mắng mỏ
Tất nhiên là cũng có lúc phải đe nẹt, nhưng sẽ tốt hơn nếu ta thuyết phục hoặc cho bé được lựa chọn. Chẳng hạn nếu bé toan xé tờ báo mà mẹ chưa kịp đọc, thay vì giằng lại tờ báo và đánh vào tay bé khiến bé “ức chế”, mẹ có thể đổi cho bé tờ báo cũ để bé tha hồ xé (xin nói thêm: xé giấy cũng là một “bài tập” để bé rèn luyện đôi tay nhỏ).
Nêu gương bằng hành động
Khuyên nhủ bao giờ cũng dễ tiếp thu hơn cấm đoán. Nhưng hiệu quả hơn cả khuyên nhủ là hành động của chính cha mẹ. Con trẻ ưa bắt chước những gì chúng nhìn thấy hơn là những lời nói suông. Vì thế hãy nêu gương tốt cho con trong mọi việc.
Từ học nhạc cho đến học bơi, trẻ nhỏ đều có thể học được một cách dễ dàng từ rất sớm nếu được hướng dẫn đúng lúc, đúng cách. Dưới đây là một số phương pháp “khởi động sớm” mà Ibuka đề xuất:
• Lên 3 tuổi là bé đã có thể tập kéo violon. Nhưng để bé sớm “kết thân” với âm nhạc, bạn nên cho bé nghe nhạc thường xuyên ngay từ lúc sơ sinh (thậm chí từ lúc còn trong bụng mẹ). Khi lớn hơn một chút, hãy dạy bé vừa nhịp chân vừa vỗ tay khi nghe nhạc.
• Lúc bé bi bô tập nói, bạn có thể dạy bé đọc thơ. Bộ nhớ của bé có thể lưu giữ được 200 bài thơ ngắn và dạy bé học thuộc thơ chính là cách tốt nhất để rèn trí nhớ cho bé.
• Bé rất thích thú khi có thể để lại “dấu vết” trên tờ giấy trắng và bạn sẽ dễ dàng dụ bé học vẽ khi bé mới 9-10 tháng tuổi. Tuy nhiên, “suất học” chỉ nên kéo dài chừng 10 phút và mỗi tuần chỉ cần 2 suất. (Lưu ý: Không yêu cầu bé vẽ theo mẫu hay theo “đơn đặt hàng”, bố mẹ có thể gợi ý nhưng hãy để bé tự do sáng tạo).
• Dạy bé làm đồ chơi từ khi 2-3 tuổi. Việc tự làm đồ chơi (dù chỉ là xé giấy, nặn đất…) vừa giúp bé rèn luyện đôi tay vừa phát huy trí tưởng tượng của bé.
• Có thể dạy bé bơi từ khi còn đang… ẵm ngửa. Các nghiên cứu cho thấy trẻ chưa biết đi cố gắng nổi trên mặt nước y như cách chúng cố gắng bò trên mặt đất vậy. Còn tập trượt patin thì có thể bắt đầu từ lúc trẻ… chập chững biết đi, bởi đây chính là thời điểm mà bé ham sử dụng đôi chân để tiến lên nhất.