Bí quyết phát triển trí tuệ con yêu

13:01 11/02/2014

(Giúp bạn)Trí não trẻ con trong vài năm đầu đời được ví như chiếc bọt biển “thấm hút” rất tốt các dữ kiện xung quanh. Điều này thật kỳ diệu, nhưng bạn có biết không? Khả năng tiếp thu “siêu phàm” của con trẻ có thể được bồi dưỡng và phát triển ngay cả khi bé con vừa được sinh ra. Để làm được điều này sẽ cần đến rất nhiều sự hỗ trợ từ cha mẹ.

Bạn có thể “xắn tay” vào xây dựng những viên gạch đầu tiên của tiến trình phát triển trí não của bé ngay từ những tuần đầu của thai kỳ. Theo Tiến sĩ Diane Bales (Chuyên gia phát triển con người tại Đại học Georgia), phụ nữ không nên chỉ bổ sung axit Folic trước giai đoạn mang thai và vẫn nên duy trì dung nạp axit Folic ngay cả trong thai kỳ và thời gian cho con bú. Loại vitamin nhóm B này sẽ giúp phát triển ống thần kinh của thai nhi cũng chính là bộ não và tủy sống của bé sau này (thai nhi đã có thể phát triển não bộ ngay từ 8 tuần đầu của thai kỳ). Ngoài ra, axit Folic thì chú ý bổ sung, còn thuốc lá bia rượu thì lưu ý tránh xa, các mẹ nhé!

bi-quyet-phat-trien-tri-tue-con-yeu-1

  • 1

    Nói chuyện với con ngay từ trong bụng

    Bạn đã biết rằng nhóc con có khả năng ghi nhớ và nhận diện ra giọng nói ngay khi còn trong bào thai hay chưa? Theo chuyên gia chăm sóc trẻ em Jackie Silberg, hầu hết các thai nhi đều cực kỳ thông minh khi còn ở trong bụng mẹ. Do đó, cha mẹ nên tăng cường đọc sách hoặc trò chuyện với bé thông qua một chiếc loa nhỏ, đồng thời xoa nhẹ bụng bầu một cách trìu mến. Điều này sẽ giúp thiết lập một kênh cảm xúc vững mạnh trước khi bé con thật sự nhận ra gương mặt và giọng nói của bạn sau này.

    bi-quyet-phat-trien-tri-tue-con-yeu-2

  • 2

    Nào ta cùng hát

    Bé con có thể không có bất kỳ loại nhạc cụ nào trong bụng của bạn để chơi nhưng chúng đã được trang bị sẵn khiếu âm nhạc bẩm sinh ngay khi còn nằm ngoan trong tử cung của mẹ. Đặc biệt, chúng có thể hiểu ngay cả khi chúng chưa thể nói. Do đó, các mẹ bầu luôn được khuyến khích mở nhạc hoặc hát ru các thiên thần trong bụng. Theo nghiên cứu, khi thai nhi bắt được tín hiệu âm nhạc, chúng sẽ có các cử động máy tay chân. Việc kết hợp thính giác và cử động tay chân liên quan đến hoạt động của cả não trái và não phải. Từ đó dần dần sẽ tác động đến sự phát triển của não trẻ.

  • 3

    Cho con bú

    Tuy hiện nay đã có nhiều loại sữa công thức chứa DHA và ARA, nhưng nguồn DHA và ARA tốt nhất trên thế giới vẫn nằm trong từng giọt sữa mẹ quý giá. Theo Tiến sĩ Bales, việc cho con bú giúp cải thiện sức khỏe thể chất và hệ miễn dịch của bé, đồng thời tăng tốc sự phát triển não bộ của bé. Ngoài việc mang lại cho bé những dưỡng chất thiết yếu từ sữa mẹ, việc cho con bú còn góp phần bồi đắp sự phát triển về giao tiếp và nhận diện khuôn mặt giữa mẹ và con. Bất kỳ sự hoàn thiện nào về giao tiếp cũng đều thúc đẩy sự hoàn thiện của não bộ. Bạn đã biết điều đó chưa?

    bi-quyet-phat-trien-tri-tue-con-yeu-3

  • 4

    Chơi với bé

    Các bậc cha mẹ được khuyến khích cùng chơi với con càng nhiều càng tốt. Hãy cho trẻ trải nghiệm những điều mới lạ với độ khó phù hợp và tăng dần. Thỉnh thoảng, hãy cho trẻ “thử sức” với những trò hơi quá tầm. Bằng cách này, bạn sẽ thu hút được sự chú ý của con trong khi vẫn khuyến khích bé tìm tòi và học hỏi. Đừng ngại khi bạn có vẻ hơi ngớ ngẩn những lúc mặt đối mặt với con hoặc nằm mọp xuống sàn để cùng tham gia trò vui với bé nhé.

    bi-quyet-phat-trien-tri-tue-con-yeu-4

  • 5

    Tận dụng ngôn ngữ yêu thương

    Tình yêu luôn là phép màu kỳ diệu giúp nảy mầm nhiều thứ trong đó có trí não của bé. Hãy tận dụng càng nhiều thời gian có thể càng tốt để giao tiếp với con. Đó có thể là hoạt động đọc sách cùng nhau, nhại tiếng của nhau, trò chuyện, học chữ hoặc hát cùng với nhau. Mẹ có thể “tập nói” bằng chính giọng của bé yêu. Mẹ cũng nên thường xuyên gọi tên bé một cách thân thương để làm cho bé quen và bắt đầu phản ứng bập bẹ trả lời. Ngay cả khi bé chưa biết nói cũng không có nghĩa là bé đang không đang “bí mật” phát triển khả năng ngôn ngữ, từ vựng và tạo ra nhiều kết nối trong não.

  • 6

    Yêu thương và uốn nắn

    Nhiều người thường cảnh báo rằng nếu bạn bế con quá nhiều, bạn sẽ chẳng may làm hư trẻ. Điều này thật vô lý khi mọi đứa trẻ đều cần được ôm ấp và cảm thấy được yêu thương. Khi được ẵm bồng và âu yếm, trực giác của bé sẽ tự động xây dựng nên một tấm áo ấm áp của sự gần gũi và tin tưởng. Bé sẽ cảm thấy an toàn khi luôn được mặc chiếc áo vô hình này. Từ đó, bé con sẽ yên tâm khám phá và học hỏi thế giới xung quanh một cách tích cực nhất.

    bi-quyet-phat-trien-tri-tue-con-yeu-5

  • 7

    Khuyến khích sự hiếu động

    Đừng lo lắng khi bé con nhà bạn trở nên hiếu động và luôn muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Tất cả mọi thứ đều rất mới mẻ và bé thì luôn tò mò, háo hức muốn hiểu thêm, khám phá ngay vì sao tấm màn cửa lại bay phấp phới hay chiếc vòng tay cứ mãi xoay tròn. Điều quan trọng là bạn nên tạo điều kiện cho bé phát triển hài hòa và đồng đều cả năm giác quan càng nhiều càng tốt.

    bi-quyet-phat-trien-tri-tue-con-yeu-6

  • 8

    Ngôn ngữ dấu hiệu

    Các dấu hiệu cũng nên được tận dụng để giao tiếp với trẻ. Đó có thể là cái gật đầu của mẹ khi đồng ý cho bé nghịch đồ chơi hay cái dang tay để báo hiệu bạn muốn ẵm trẻ. Các dấu hiệu này là công cụ đào tạo khả năng giao tiếp cực kỳ hiệu quả ngay từ những năm tháng đầu đời của trẻ khi khả năng giao tiếp bằng lời và việc kiểm soát cử động chưa hoàn thiện. Ngoài ra, việc sử dụng các dấu hiệu giao tiếp này còn giúp trẻ tránh trở nên bực bội và quấy khóc khi chúng chưa thể diễn đạt chính xác điều chúng cần hoặc muốn.

    bi-quyet-phat-trien-tri-tue-con-yeu-7

  • 9

    Thư giãn thôi

    Bạn đã hoặc sẽ cố gắng rất nhiều vì một tương lai thông minh của con. Thật ra, bạn không cần phải nỗ lực quá nhiều khi hiểu được điều cốt lõi trong phát triển trí tuệ của con nằm ở cách bạn thiết lập được kênh giao tiếp với trẻ từ những ngày đầu (cả trong và ngoài bụng). Từ đây, bất kỳ hoạt động hoặc việc làm nào có ích cho kênh giao tiếp này thì cũng đều nên được tận dụng và phát huy, các mẹ nhé!

Comments