Bí tiểu sau sinh
(Giúp bạn) Bí tiểu sau sinh là nỗi ám ảnh của rất nhiều phụ nữ, nhất là đối với những mẹ đã từng trải qua cảm giác khó chịu và đau đớn.
Bí tiểu ở sản phụ sau sinh là một trong những biến chứng thường gặp, có khoảng 15% các bà mẹ sau sinh rơi vào tình trạng bí tiểu. Tuy không gây nguy hiểm nhưng khiến cho sản phụ khó chịu về vận động và cảm giác lo lắng.
Thế nào là bí tiểu sau sinh?
Theo Sức khỏe & đời sống, thông thường sau khi sinh 2 - 4 giờ sản phụ có thể đi tiểu, nếu khoảng 1 - 2 ngày sản phụ có cảm giác buồn đi tiểu nhưng lại không đi tiểu được. Khiến cho sản phụ có cảm giác căng tức và khó chịu. Khám lâm sàng thấy có khối cầu bàng quang, ấn vào cảm giác căng tức. Sau khi được hướng dẫn tập đi tiểu như ngồi theo tư thế tự nhiên, đắp ấm trên bụng vùng dưới rốn và mở vòi nước cho chảy từ từ nhưng sản phụ cũng không tự đi tiểu được.
Nguyên nhân gây bí tiểu sau sinh
Khi sản phụ sinh con trong chuyển dạ sinh, khi ngôi thai xuống thấp, thường là đầu thai nhi đè vào cổ bàng quang hay niệu đạo gây ứ đọng nước tiểu làm bàng quang căng giãn, khi giãn nhiều làm mất trương lực, làm co thắt cơ cổ bàng quang gây nên hiện tượng bí tiểu.
Trường hợp trong lúc sinh phải cắt tầng sinh môn để giúp cho đầu thai nhi sinh ra được dễ dàng, sau sinh phải khâu lại chỗ cắt các vết khâu bị sưng nề làm cho người mẹ khi đi tiểu không dám rặn tiểu vì đau. Sau khi sinh, bàng quang không nhạy cảm với kích thích khi nước tiểu đầy gây bí tiểu. Ngoài ra khi bí tiểu, động tác thông tiểu nhiều lần gây viêm bàng quang, làm cho triệu chứng bí tiểu thể hiện rõ.
Cách xử trí khi bị bí tiểu sau sinh
Đầu tiên sản phụ cần tập đi tiểu để tạo lại phản xạ tự nhiên, kết hợp với chườm ấm vùng bụng dưới rốn, uống nhiều nước. Nếu tình trạng không cải thiện sản phụ cần đến cơ sở y tế bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể như cho dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn, thuốc kháng viêm chống phù nề chèn ép vào cổ bàng quang và nguyên tắc sau cùng hỗ trợ tăng cường trương lực bàng quang giúp khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường…
Phương pháp xoa bóp chữa bí tiểu sau sinh
ThS.BS Khánh Toàn (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108) cho biết, muốn khắc phục triệt để chứng bệnh này, điều đầu tiên và hết sức cần thiết là sản phụ phải được khám một cách kỹ lưỡng nhằm xác định nguyên nhân bí tiểu do thực thể hay cơ năng. Nếu là thực thể, nhất thiết phải được xử lý bằng các biện pháp của Tây y, nếu là cơ năng thì có thể tiến hành xoa bóp, day bấm các huyệt vị châm cứu của Đông y theo quy trình dưới đây:
- Sản phụ nằm ngửa thoải mái trên giường, toàn thân thư giãn, ổn định tư tưởng, dùng dầu nóng xoa toàn bụng, đặc biệt là bụng dưới. Tiếp đó, đặt hai bàn tay chồng lên nhau xoa bụng dưới theo chiều kim đồng hồ cho đủ 50 vòng với một lực vừa phải sao cho tại chỗ nóng lên là được. Lại dùng ngón tay cái miết dọc đường trục giữa từ rốn xuống điểm giữa bờ trên xương mu 30 lần.
- Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay giữa tiến hành day bấm các huyệt Khí hải, Quân nguyên và Thúc cốt, mỗi huyệt chừng nửa phút. Để tìm ba huyệt vị này chỉ cần vạch một đường từ rốn đến điểm giữ bờ trên xương mu, chia đường này làm 3 phần bằng nhau. Huyệt Thúc cốt nằm ở điểm chính giữa bờ trên xương mu, huyệt Quan nguyên nằm ở điểm nối 3/5 trên và 2/5 dưới của đoạn rốn - bờ trên xương mu, huyệt Khí hải nằm ở điểm nối 1,5/5 trên với 3,5/5 dưới của đoạn nối này. Điểm cần lưu ý là, khi day bấm huyệt Thúc cốt phải đạt được cảm giác tê buốt chạy xuống âm hộ.
- Dùng hai ngón tay cái hoặc ngón tay giữa day ấn đồng thời cả hai huyệt Túc tam lý trong 1 phút. Vị trí huyệt Túc tam lý: Sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài 1 khoát ngón tay là vị trí của huyệt, ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.
- Dùng hai ngón tay cái day ấn đồng thời cả hai huyệt Âm lăng tuyền trong nửa phút. Vị trí huyệt Âm lăng tuyền: Sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây kẻ một đường ngang, đường này cắt bờ sau trong đầu trên xương chày ở đâu thì đó là huyệt.
- Dùng hai ngón tay cái day ấn đồng thời cả hai huyệt Tam âm giao trong 1 phút. Vị trí huyệt Tam âm giao: Ở trên mắt cá chân trong 3 thốn, ngay sau bờ trong xương chày.- Cho sản phụ nằm sấp, dùng lòng bàn tay xát mạnh vùng xương cùng cụt trong 1 phút sao cho tại chỗ nóng lên là được. Tiếp đó dùng ngón tay giữa day ấn huyệt Ủy dương trong nửa phút. Vị trí huyệt Ủy dương: Xác định điểm giữa nếp ngang giữa khoeo chân, từ đây đo ra ngoài 1 thốn.
Trà Mi
Theo GDVN