Biến chứng sau sinh mổ: Cách khắc phục
(Giúp bạn)Những bà mẹ sinh mổ, một khi thực hiện tốt theo sự chỉ dẫn của người thầy thuốc, những biến chứng sau sinh mổ hầu hết không xảy ra.
Những dấu hiệu cần lưu ý trong thời gian hậu phẫu
Theo Vnexpress, sốt là phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể sốt do mặc ấm quá mức, nằm than, thiếu nước. Vì vậy mẹ cần uống nhiều nước, nếu mùa nóng nên mặc quần áo thoáng mát, có thể nằm điều hòa, nhưng nên có những phút tắt điều hòa mở cửa cho phòng thông thoáng.
Sản dịch: Dù bạn sinh mổ, sản dịch vẫn sẽ chảy ra ngoài âm đạo như khi sinh thường và đây là dấu hiệu cho thấy tử cung đang hồi phục tốt. Trong 3 hoặc 4 ngày đầu, sản dịch có màu đỏ tươi, sau đó lượng máu dần dần bớt đi và chuyển qua màu hồng, màu nâu khi nội mạc tử cung co lại.
Đến khoảng ngày thứ 10 sản dịch sẽ có màu hơi vàng hoặc không màu. Các mẹ cần lưu ý nếu thấy sản dịch không chảy ra sau sinh, sản dịch có mùi hôi hay sản dịch có màu đỏ tươi trở lại, cần phải báo ngay với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết rất nguy hiểm với bà mẹ sau sinh.
Vết mổ sưng đỏ, đau hoặc tiết dịch: Vết mổ là vết thương, do vậy cần giữ khô sạch để tránh nhiễm trùng. Nếu vết mổ sưng đỏ đau hoặc chảy dịch vàng là những dấu hiệu bất thường, mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Hiện tượng cương sữa: sau sinh mổ, vào ngày thứ 3 - 4 trở đi hai vú căng sữa, ấn căng đau, có sốt cao và kèm theo nổi hạch hai bên nách. Xử trí: dùng tay mát-xa vú, cố gắng và kiên nhẫn mát-xa mạnh hai vú để cho sữa chảy ra nhiều, động tác mát-xa hai vú như vậy giúp cho sự tiết sữa ra được dễ dàng, tránh được sự cương tắc ở các tuyến vú.
Tụ dịch lòng tử cung hay còn gọi là bế sản dịch: trong những ngày đầu sản dịch có thể tự ra âm đạo, sau đó ngưng hẳn, hoặc kéo dài dai dẳng, có thể kèm sốt, căng tức trằn vùng hạ vị, khi sờ nắn trên bụng, thấy đáy tử cung còn ở trên cao, ấn có thể căng tức và đau. Siêu âm tử cung và hai phần phụ, thấy tử cung lớn, lòng tử cung có ứ dịch.
Hiện tượng trên là do cổ tử cung đóng kín làm cho sản dịch không thoát ra ngoài được, gây ứ đọng trong lòng tử cung, nếu không xử trí khối ứ dịch hóa mủ có thể gây viêm nội mạc tử cung và gây nhiễm trùng huyết.
Xử trí, dùng ống hút karmant hút dịch ra, hay có thể dùng tay nong cổ tử cung để dịch thoát ra ngoài dễ dàng, kết hợp dùng thuốc co hồi tử cung như Oxytocin tiêm bắp với liều 10 - 20 đơn vị, ngày dùng 1 - 2 lần. Kết hợp với thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng và trợ sức.
Làm gì để tránh những biến chứng?
Cũng theo Sức khỏe và Đời sống, những bà mẹ sinh mổ, một khi thực hiện tốt theo sự chỉ dẫn của người thầy thuốc, những biến chứng sau sinh mổ hầu hết không xảy ra.Việc thực hiện theo những chỉ dẫn sau: không nên nằm bất động một chỗ trên giường, cần xoay trở nằm nghiêng phải hoặc nghiêng trái, trong ngày đầu tiên sau mổ. Sang đến ngày thứ 2 trở đi, nên ngồi dậy và đi lại.
Có thể nằm sấp mỗi ngày 20 - 30 phút, giúp cho sản dịch được thoát ra dễ dàng, đồng thời nên mát-xa bụng mỗi ngày giúp cho tử cung co hồi tốt và đẩy sản dịch ra ngoài nhanh hơn. Cần cho bé bú sớm, động tác cho bú cũng làm tăng sự co hồi tử cung, tránh chảy máu sau sinh mổ.
Điều quan trọng nữa, khi bé bú mẹ sớm trong 3 ngày đầu, bé được hưởng nguồn sữa non từ mẹ, mà trong sữa non, có rất nhiều chất kháng thể từ mẹ truyền qua, sau này bé lớn lên, ít bị bệnh dị ứng. Mẹ ăn uống đủ chất, ăn lượng thịt tăng lên, như thịt heo, thịt bò, tim gan cật heo, trứng và sữa, nhằm giúp cho vết mổ liền sẹo tốt và mẹ tăng sức đề kháng cơ thể.
Điều quan trọng hơn cả, đó là sự chăm sóc tận tụy của ông bố và người thân trong gia đình, động viên, khích lệ cho bà mẹ, đây là liều thuốc bổ quý giá hơn cả bất kỳ loại thuốc tốt nào dành cho bà mẹ.
Tiến Khê
Theo GDVN