Các chứng bệnh sẽ gặp về mắt khi mang thai
(Giúp bạn)Khi mang thai, sự thay đổi hormone sẽ ảnh hưởng đến những bộ phận trên cơ thể người mẹ. Mắt cũng bị ảnh hưởng do có nhiều mạch máu nhỏ, vốn nhạy cảm với những biến động huyết học trong thai kỳ.
Theo thông tin trên trang thông tin điện tử của Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, các hóc- môn sinh dục làm tăng giữ nước tại các tổ chức nhiều sợi collagene, tổ chức cơ. Biến đổi mô học này hoàn toàn không gây ra bệnh lý cho mắt. Giác mạc có rất nhiều sợi collagene nên khi mang thai độ cong của nó có thể thay đổi, gây ra cận hoặc loạn thị từ tuần thứ 30 của thai kỳ trở đi.
Trên thực tế có nhiều sản phụ đến khám mắt vì những bệnh cần đeo kính mà trước đó họ chưa hề bị. Cảm giác của lòng đen (giác mạc) cũng giảm nhẹ. Các sản phụ nên tháo kính tiếp xúc khi mang thai bởi sẽ rất khó chịu nếu đeo: do giác mạc phù, độ cong giác mạc thay đổi, thiếu nước mắt…
Rối loạn điều tiết, thiểu năng qui tụ sẽ gây những khó chịu nhất định cho sản phụ, một số trường hợp phải điều trị bằng tập mắt. Nhãn áp tưởng sẽ cao khi thai nghén, may thay trên thực tế thì nhãn áp có xu hướng hạ trong suốt quá trình mang thai. Phù mi, sụp mi do phù gian bào gặp khoảng 12% trong số các sản phụ. Một số ca nặng phải phẫu thuật nếu sau đẻ sụp mi vẫn tồn tại dai dẳng.
Bà bầu cần chú ý những dấu hiệu
Sưng mắt: Theo Sức khỏe và Đời sống, trong ba tháng cuối thai kỳ, thai phụ thấy mắt sưng phù và khó nhìn mọi vật. Nguyên nhân do sự thay đổi hormone trong thai kỳ. Sưng mắt thường đi kèm với sưng phù tay, chân. Ngoài ra, mắt có thể sẽ phù nặng hơn nếu cơ thể thiếu nước và ăn nhiều muối.
Để giảm sưng phù, bạn nên uống đủ nước (khoảng 1,8 - 2 lít nước/ngày), ăn nhiều rau xanh và trái cây, tránh các món ăn quá mặn.
Mờ mắt: Khi mang thai, giác mạc và thủy tinh tể trở nên dày hơn, làm cho quá trình tuần hoàn máu ở vùng mắt bị hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến mắt bị giảm thị lực. Hiện tượng này thường biến mất sau khi sinh.
Nếu mắt mờ gây ảnh hưởng đến công việc, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được tư vấn, cắt kính hỗ trợ thị giác trong suốt thai kỳ.
Nốt sần trong mí mắt: Khi mang thai, tuần hoàn máu ở vùng mắt bị hạn chế, dễ gây tắc nghẽn, tạo thành những nốt sần trong mí mắt. Ngoài ra, một số vi khuẩn hoạt động dưới mí mắt cũng gây nên những nốt sần. Đối với thai phụ thường xuyên trang điểm mắt, hiện tượng này phổ biến hơn.
Do đó, nên hạn chế kẻ viền mí mắt khi trang điểm. Đồng thời, thai phụ nên hạn chế ăn chất béo và uống nhiều đồ mát.
Khô mắt: Những đốm sáng trước mắt hoặc mắt nhoè đi khi nhìn lâu, xốn, chảy nước mắt sống, nhức… đó là những dấu hiệu cho thấy mắt bị khô. Để hạn chế tình trạng này, có thể nhỏ nước muối sinh lý nếu khô mắt nặng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt. Trong trường hợp mắt đau nhiều, người bệnh cần phải đi khám ở cơ sở chuyên khoa mắt, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Phù võng mạc: Bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp trong thai kỳ có thể gây biến chứng trên mạch máu võng mạc. Giai đoạn đầu, mạch máu nhỏ ở đáy mắt bị phình ra. Nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến co, bong võng mạc, mù, thậm chí gây biến chứng nghiêm trọng đến não.
Do đó, thai phụ bị bệnh tăng huyết áp hoặc tiểu đường cần được theo dõi sức khoẻ chặt chẽ, kiểm tra mắt thường xuyên. Như thế, bác sĩ sẽ sớm phát hiện và xử lý kịp thời những dấu hiệu bất thường, giúp thai phụ trách những biến chứng đáng tiếc.
Tiến Khê
Theo GDVN