Cách bảo quản thuốc an toàn mùa hè
(Giúp bạn)Trong những ngày thời tiết nóng nực, nhiệt độ ở nơi bảo quản thuốc có thể tăng lên cao hơn 30ºC, làm thuốc bị thay đổi lý tính, hóa tính, làm giảm tác dụng thuốc, thậm chí gây nguy hiểm cho người sử dụng thuốc. Điều này càng quan trọng với bệnh nhân bị những căn bệnh mãn tính như tiểu đường và tim mạch. Bởi vậy, các dược phẩm đề nghị người sử dụng thuốc cần bảo quản thuốc ở nhiệt độ 20-25ºC.
- 1
Nhiều nguy cơ
Những thuốc cần quan tâm đặc biệt:
Bất kỳ loại thuốc nào trong hộp khí dung có thể nổ tung khi tiếp xúc với nhiệt độ trên 48OC.
Albuterol inhalers: những ống kim loại chứa thuốc salbutamol dùng trong hen suyễn có thể bị nổ ở nhiệt độ trên 48OC, đồng thời hàm lượng thuốc bị hụt giảm đáng kể.
Diazepam: nồng độ của thuốc bị giảm 25% khi thuốc được để ở nhiệt độ 37OC.
Concentrated epinephrine: nhiệt độ cao có thể làm giảm 64% hiệu lực của thuốc.
Lorazepam: khi giữ thuốc ở nhiệt độ 36OC thì nồng độ thuốc giảm 75%.
Mometasone (formoterol): nhiệt độ trên 48OC sẽ làm ống chứa thuốc bị nổ.
Hormone giáp trạng: hormone tuyến giáp có thể thay đổi bởi nhiệt độ quá cao, dẫn đến liều lượng không phù hợp.
Insulin: nhiệt độ quá nóng có thể làm insulin kém hiệu quả. Nó cũng có thể khiến các lọ chứa insulin dễ phát nổ.
Một liều thuốc bị biến chất, chẳng hạn như insulin hoặc nitroglycerin có thể khiến bệnh nhân “chết như chơi”. Những loại thuốc thông thường khác nếu bị biến chất cũng sẽ gây tác dụng vô cùng nguy hại.
Đôi khi nhìn vào màu sắc viên thuốc hoặc thuốc nước thấy không có gì thay đổi, bệnh nhân nghĩ thuốc vẫn còn tốt, nhưng thật sự chúng đã ít nhiều biến chất nếu được bảo quản ở nhiệt độ không thích hợp. Khi bị biến chất, các loại thuốc kháng sinh có thể gây tổn hại cho dạ dày và thận, aspirin gây kích ứng dạ dày nghiêm trọng hơn, kem thoa da có chứa hydrocortisone trở nên vô dụng. Ngoài ra các loại que thử như thử đường huyết, thử thai sẽ cho kết quả không chính xác, nhất là khi khí hậu nóng ẩm.
Các loại thuốc điều trị các bệnh về tuyến giáp trạng, các thuốc ngừa thai và tất cả thuốc có chứa hormone rất dễ bị biến chất khi nhiệt độ thay đổi bởi những thuốc này có thành phần là protein, một khi gặp nhiệt độ cao các protein sẽ bị biến tính.
- 2
“Nâng như trứng, hứng như hoa”
Điều này hoàn toàn đúng với các chế phẩm insulin dành cho bệnh nhân tiểu đường, các thuốc trị động kinh, các thuốc chống đông máu… Những thay đổi nhỏ về hàm lượng của thuốc này sẽ gây ảnh hưởng lớn cho sức khỏe. Để bảo đảm chất lượng của thuốc cần lưu ý những điểm sau:
Bất cứ loại thuốc nào, nơi cất thuốc lý tưởng nhất là nơi khô mát (trừ những thuốc bắt buộc phải để trong tủ lạnh theo chỉ dẫn của nhà sản xuất). Không để thuốc ở nơi ẩm ướt trong nhà tắm (vì nghĩ nơi đây mát hơn). Sự ẩm ướt cũng làm thuốc biến chất một cách mau chóng. Không nên để thuốc trong các ngăn kéo ở nhà bếp. Tốt nhất mỗi nhà nên thiết kế một tủ thuốc gia đình đặt ở nơi khô mát và có khóa nhằm tránh sự nghịch phá của trẻ nhỏ.
Không nên lấy thuốc ra khỏi bao bì nguyên thủy vì càng làm thuốc dễ tiếp xúc với nhiệt độ bất lợi bên ngoài. Riêng người cao tuổi cần soạn thuốc dùng cho mỗi ngày thì thuốc được lấy ra khỏi bao bì nguyên thủy cũng cần phải bảo quản ở nơi khô mát.
Các chế phẩm insulin chưa được khui phải để trong tủ lạnh (nhưng không phải là ngăn đông đá). Sau khi khui có thể để ở phòng 20OC giúp việc chích thuốc được thuận tiện hơn. Không để thuốc trong cốp xe hơi mà để hẳn trong xe, khi rời khỏi xe nên mang thuốc theo chứ không để lại trong xe.
Trong trường hợp khẩn cấp phải dùng viết chích adrenaline (chẳng hạn như EpiPen) hoặc một liều insulin khi phải lưu thông trên đường thì nên hỏi nhà thuốc cung cấp cho những túi chứa thuốc có chức năng giữ lạnh.
Khi đi máy bay nên để thuốc trong túi xách tay, không nên để ở vali ký gửi khoang hành lý vì nhiệt độ ở khoang máy bay rất nóng. Không nên sử dụng những loại thuốc đã bị đổi màu hoặc màu không đồng nhất dù còn hạn sử dụng, cũng nên kiểm tra xem thuốc có mùi lạ hay không. Loại bỏ những viên thuốc bị dính vào nhau, bị sứt mẻ hay mềm hơn so với bình thường.