Cách chống nóng cho bà bầu
(Giúp bạn)Những ngày nắng nóng bà bầu nên uống nhiều nước, ăn đỗ đen hoặc thanh long để giải nhiệt.
Thời tiết nắng nóng mùa hè khiến nhiều người không khỏi kêu ca, phàn nàn. Đặc biệt với bà bầu, thời tiết oi bức càng làm chị em mệt mỏi. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều độc giả đang bầu bí đã gửi thắc mắc về cách ăn uống và biện pháp chống nắng hiệu quả.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ths.BS chuyên khoa II Vũ Ngọc Khanh (Khoa phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) về những vấn đề nói trên.
- 1
Các chứng bệnh ngày nắng nóng
Với nhiệt độ cao 38 -39 độ C, những ngày nắng nóng đầu hè 2013 đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người. Đặc biệt với bà bầu thì sự mệt mỏi tăng gấp đôi. Trong tiết trời nóng nực rất dễ dẫn đến một số hiện tượng nguy hiểm, nếu không chú ý có thể gây tử vong.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Vũ Ngọc Khanh, nắng nóng gây ra cảm nóng, nếu đi nhiều ngoài trời nắng có thể gây cảm nắng. Thêm nữa, nắng nóng gây thoát mồ hôi nhiều có thể dẫn đến tụt huyết áp. Bởi vì, khi mang thai, bà bầu không ăn được nhiều, kèm theo thoát mồ hôi nhiều dẫn đến mất nước nên bị ngất xỉu.
Trong những ngày nắng nóng, nhiều gia đình thường có thói quen sử dụng điều hòa nhiệt độ. Với bà bầu, nếu nằm ngủ trong phòng có nhiệt độ điều hòa quá thấp sẽ gây viêm họng. Vì vậy nên bật điều hòa ở mức 26 -27 độ C là thích hợp nhất.
Bà bầu cần tránh ra nắng khi thời tiết nhiệt độ cao.
- 2
Cảnh giác với chứng tụt huyết áp
Khi mang bầu, huyết áp thường thấp kèm theo nắng nóng, thoát mồ hôi nên hiện tượng tụt huyết áp rất dễ xảy ra. Khi bị tụt huyết áp, bà bầu có triệu chứng vã mồ hôi, đầu óc choáng váng, hoa mắt và bị ngã xuống.
Theo bác sĩ Khanh, nếu thấy bệnh nhân tụt huyết áp do nắng nóng, đầu tiên phải đưa người đó vào nơi râm mát. Vì tụt huyết áp khiến máu không lên não được nên phải để bệnh nhân nằm chỗ mát, thoáng và bật quạt. Sau đó, cho bà bầu uống nước mát, nước chè đường (nước chè pha ít đường), trà gừng và nằm nghỉ tại chỗ trong một lúc.
Với bà bầu, khi gặp bất cứ triệu chứng nào bất thường cần thăm khác bác sĩ để có tư vấn hợp lý nhất. Các triệu chứng bất thường bao gồm: ra máu âm đạo, xuất hiện cơn co thắt 5-10 phút/lần, nôn mửa...
- 3
Các cách giải nhiệt mùa nóng cho bà bầu
Về chế độ ăn uống
Ths.BS Vũ Ngọc Khanh, trong quan niệm của Đông y, đỗ đen có tính hàn nên vào mùa hè là loại thực phẩm tốt cho tất cả mọi người. Người mang bầu bầu ăn chè đỗ đen giúp giải nhiệt, hết mụn nhọt.
Ngoài ra, muốn giải nhiệt, bà bầu cần uống nhiều nước. Nhưng không nên uống nhiều nước chè, vì loại nước này dễ làm mất ngủ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phụ nữ có thai không nên ăn quá ngọt. Ngoài ra, bà bầu không nên uống nhiều nước mía vì có thể gây hiện tượng đái tháo đường thai nghén. Trong mùa hè, bà bầu nên ăn thanh long hoặc hoa quả có tính mát.
Bà bầu lưu ý chọn hoa quả có tính mát để giải nhiệt.
Trong mùa hè, nhiệt độ cao gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Nếu không được bảo quản cẩn thận rất có thể người ăn sẽ gặp phải bệnh rối loạn tiêu hóa.
Vì vậy, bác sĩ Khanh chia sẻ, bà bầu khi gặp rối loạn tiêu hóa sẽ ảnh hưởng bất lợi đến thai nhi. Vì đi đại tiện nhiều sẽ kích thích sự chuyển dạ, đẻ non, sảy thai. Các bà bầu phải ăn chín, uống sôi, thái nhỏ, ninh nhừ, đừng ăn những thức ăn quá lạnh, đặc biệt không nên ăn nhiều hải sản vì có thể gây dị ứng.
Về trang phục
Những ngày nhiệt độ cao, khi làm việc, bà bầu cần chọn công việc nhàn nhã, nhẹ nhàng, không đi lại nhiều dưới trời nắng. Mặc quần, áo, váy cho bà bầu thoáng mát, chất liệu cotton giúp hút mồ hôi tốt.
Về bổ sung khoáng chất
Hiện có viên bổ thai tổng hợp gồm canxi, axit folic, DHA... Nếu muốn đủ chất, người mang thai có thể uống sữa bầu với lượng 1 cốc/ngày. Ngoài ra, bà bầu nên ăn tăng thêm lượng thịt, cá, trứng.
Về chế độ tập luyện
Trong những ngày nắng nóng, bà bầu vẫn nên duy trì chế độ tập luyện nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh khiến cơ thể mất nước. Một số bà bầu thường chọn cách đi bơi ngày hè, tuy nhiên, không phải bất cứ gia đình nào cũng có bể bơi trong nhà. Cho nên muốn đến bể bơi, bà bầu phải đi ra ngoài trời nắng. Mặt khác, chất lượng nước ở một số bể bơi không đảm bảo có thể gây dị ứng da.
Bác sĩ Khanh cho rằng: "Theo tôi, bà bầu không nên đi bơi. Nước ở một số bể bơi khá nóng chứ không phải mát như nhiều người nghĩ. Nếu nhiệt độ ngoài môi trường khoảng 37, 38 độ C thì nước trong bể bơi cũng ở mức 33, 35 độ. Việc phụ nữ mang thai ngâm nước chưa chắc đã tốt cho sức khỏe".
Về tư thế nằm cho bà bầu
Khi mang thai, người phụ nữ rất khó khăn trong việc chọn tư thế nằm để thoải mái nhất. Cũng giống như chế độ ăn uống, cẩn phải chọn thế nằm để vừa thoải mái cho mẹ nhưng không ảnh hưởng đến thai nhi.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo: "Với bà bầu, nằm nghiêng là tốt nhất. Bởi vì, khối thai lớn nằm trong bụng, trong khi phía trước cột sống lưng có 1 động mạch, và 1 tĩnh mạch nhằm cung cấp máu tuần hoàn cho chính tử cung. Khi nằm ngửa khiến khối thai đè lên 2 dây tuần hoàn máu này làm cản trở sự cung cấp máu đi và về cho thai nhi".