Cách dạy con về tiền bạc
(Giúp bạn)Giúp trẻ tiếp cận với vấn đề vật chất thật không đơn giản, bởi chỉ một chút lệch lạc về nhận thức cũng có thể khiến trẻ gây ra những hành động sai lầm.
- 1
Giúp trẻ nhận thức giá trị đồng tiền
Chỉ cần thưởng cho trẻ một khoản tiền nho nhỏ khi trẻ được điểm cao hoặc đạt thành tích gì đấy, trẻ sẽ có cơ hội nhận thức được giá trị của đồng tiền và biết quý trọng hơn. Khi trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ đừng vì sợ con tiêu tiền bừa bãi mà hạn chế không cho con tiếp xúc với tiền. Dạy trẻ nhận thức về giá trị đồng tiền, ngân hàng, thẻ tín dụng... sẽ giúp trẻ tự tin hơn, hiểu biết hơn khi trưởng thành.
Tuy nhiên cũng nên thận trọng quan sát con sử dụng đồng tiền như thế nào cho hợp lý, tránh trường hợp cho con thật nhiều tiền để chúng đua đòi. Nhiều bậc phụ huynh than vãn ngày nay trẻ con đòi hỏi nhiều quá. Chúng không biết quý trọng đồng tiền mà cha mẹ vất vả làm ra. Hãy nói cho con bạn về hoàn cảnh một số người rất khó khăn mới kiếm được cơm ăn áo mặc.
- 2
Cho tiền tiêu vặt
Hãy cho con một khoản tiền tiêu vặt, đó cũng là cách tập cho con chi tiêu. Thường xuyên theo dõi chi tiêu của con để hướng dẫn, giúp con chọn ra cách chi tiêu nào có lợi nhất.
Khi con còn nhỏ, bạn cho con bao nhiêu tiền tiêu vặt, con cũng không quan tâm lắm, nhưng khi con lên cấp 2 thì bắt đầu có so sánh hơn thua với bạn bè. Từ đó, trẻ dễ nảy sinh tâm lý đua đòi. Cần lưu ý, cho con tiền tiêu vặt không đồng nghĩa với việc để mặc trẻ muốn làm gì thì làm mà phải quản lý hoặc hướng dẫn trẻ chi tiêu hữu ích.
- 3
Nuôi heo tiết kiệm
Đây là một thói quen tốt mà bố mẹ nên khuyến khích trẻ. Nên giúp con bạn đặt mục tiêu cho tiền tiết kiệm. Ví dụ khi con muốn có một chiếc xe đạp hay một cái máy tính… thay vì đồng ý ngay, bạn có thể gợi ý con tiết kiệm tiền để mua. Khi nhận được thành quả từ nỗ lực của mình, trẻ sẽ rất tự hào và giữ gìn cẩn thận.
Trong trường hợp trẻ muốn mua một món đồ có giá trị bằng số tiền trẻ vừa có được, thay vì cho phép trẻ sử dụng toàn bộ số tiền đó để mua ngay, tại sao bạn không khuyên trẻ nên chia tiền đó ra hai phần, một phần dành tiết kiệm, còn phần kia tích lũy dần để mua món đồ mà trẻ ao ước. Đây là dịp tốt để dạy trẻ biết kiềm chế sự ham muốn. Nếu phải chờ một thời gian sau mới mua được vật chúng ao ước, trẻ sẽ biết trân trọng hơn giá trị của món đồ đó. Trẻ cần được dạy bảo rằng mọi đòi hỏi của bản thân không phải lúc nào cũng được đáp ứng.
Tiền không thể thay thế cho sức khỏe của bạn, không thể làm bạn hài lòng với công việc hay thoải mái với mọi người. Hãy dạy cho trẻ rằng có nhiều thứ còn quý giá hơn tiền, và giá trị của con người còn dựa vào nhiều tiêu chuẩn khác chứ không chỉ ở sự giàu có.