Cách đối phó khi bé "bất kham"
(Giúp bạn)Bạn đã bao giờ chứng kiến một đứa trẻ nói liến thoắng ngay cả khi nó được yêu cầu phải im lặng? Đó là đứa trẻ hư hay nó chỉ là đứa trẻ cần được dạy dỗ để kiểm soát bản thân của mình?
Có những đứa trẻ dường như không bao giờ biết nhẫn nại chờ đến lượt mình. Có những đứa trẻ khi xếp hàng trên lớp, nó sẵn sàng xô đẩy chỉ vì muốn được đứng ở vị trí nhất định nào đó hoặc bên cạnh người nào đó. Một số trẻ em có hành vi bốc đồng như thế đã được đưa đi kiểm tra ADD (Rối loạn thiếu tập trung), ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý) nhưng người ta không thấy có vấn đề gì bất thường. Vậy tại sao những đứa trẻ này không thể kiểm soát bản thân? Có điều gì nhầm lẫn ở đây chăng? Câu trả lời là: Không.
Theo Michele B, giáo viên cũng là một tác giả của trang web Circle of Moms, tất cả trẻ em cần phải được dạy rằng kiểm soát bản thân là thứ nó phải làm, chứ không phải là thứ mà cha mẹ hay thầy cô giáo sẽ làm cho nó. Chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng trẻ em thông minh hơn sự thực bởi nó đã nói chuyện và tranh luận với chúng ta. nhưng thực tế, não của trẻ nhỏ đâu đã phát triển đầy đủ.
Hãy giúp trẻ học cách kiểm soát bản thân thông qua việc phát hiện và lặp đi lặp lại ở những tình huống cụ thể, chứ không phải thông qua các bài giảng và sự trừng phạt. Sự phát hiện và lặp đi lặp lại đó xảy ra từ từ, suốt thời thơ ấu. Bài học kiểm soát bản thân đặc biệt quan trọng trong 10 năm đầu đời của trẻ. Và Michele B cũng chia sẻ 7 “gạch đầu dòng” để giải quyết vấn đề bốc đồng của trẻ.
- 1
Giúp trẻ chú ý đến sự bốc đồng của chúng
Sự bốc đồng có thể xảy ra bất thình lình, bất chấp những gì gọi là hợp lý, có thể khiến bạn coi thường những việc mà bạn đã biết là nên làm. Để bé có thể kiểm soát bản thân, bạn nên giúp bé nhận thức được các hành động của mình trước khi có những hành động xấu.
Bạn nên giúp bé nhận thức được hành động của mình trước khi bé có những lựa chọn xấu
- 2
Đưa ra những chiến lược cụ thể
Chỉ ra hành động sai của bé mới là một nửa của công việc. Bạn phải nói cho bé biết bạn muốn bé phải làm gì. Ví dụ: “Con không được hét khi người lớn đang nói chuyện. Con phải ngồi im, trật tự. Như thế mới ngoan”.
- 3
Đừng thuyết trình
Trẻ con cần thời gian để thấu hiểu thông tin và phát triển dần dần. Khi bạn có thái độ lên lớp thuyết trình, đứa trẻ sẽ rối loạn vì quá nhiều thông tin và nó sẽ không muốn nghe.
- 4
Cần ngắn gọn, cô đọng
Hãy sử dụng những câu ngắn và những hành động cụ thể. Ví dụ, nếu bé đòi bim bim trước bữa cơm, bạn có thể nói ngay: “Con không được ăn bim bây giờ. Con phải ăn xong cơm mẹ mới cho ăn bim. Mẹ cất gói bim này vào tủ cho con nhé”.
- 5
Đưa ra những gợi ý
Hãy đưa ra những gợi ý có tính nhắc nhở. Ví dụ, nếu bé không ngồi yên trên ghế và chơi như yêu cầu của bạn, hãy lấy những dải ruybăng khoanh vùng trên ghế và yêu cầu bé phải ngồi trong đó. Bạn ngồi bên ngoài, cạnh bé. Nếu bé đòi ra ngoài, hãy buộc bé quay trở lại bằng cách đếm từ 1 đến 20.
- 6
Chú ý nhắc lại
Chìa khóa của sự kiểm soát hành vi bốc đồng là dạy con bạn phải nghĩ như thế nào trước khi hành động, và điều này đòi hỏi bạn phải nhắc đi nhắc lại.
- 7
Trao cho bé cơ hội thực hành
Trẻ con học từ kinh nghiệm nhiều hơn là từ ngôn ngữ. Cách tốt nhất để chúng hiểu tốt bài học là bạn phải nhắc đi nhắc lại. Sau khi bạn đã hướng dẫn bằng lời, hãy cho bé cơ hội được thực hành.