Cách giải quyết chuyện tài chính trong gia đình

15:47 10/02/2014

(Giúp bạn)Trong mối quan hệ vợ chồng, thật khó để cân bằng giữa tình cảm và tài chính nếu không có sự đồng cảm, sẻ chia và thấu hiểu nhau. Hãy cùng tìm hiểu vấn đề và những giải pháp để tháo gỡ những rắc rối liên quan đến tài chính nhé.

  • 1

    “Em / anh không có tiền để làm những thứ mình thích!”

    Cách giải quyết: Chuyện trò chân tình 

    Hãy tạm gác lại chuyện tiền bạc sang một bên và dành một buổi tối để hai vợ chồng cùng ngồi lại với nhau và ôn lại những giấc mơ, mục tiêu chung như mua được căn nhà hợp ý, sắm sửa nội thất tiện nghi, đi du lịch khám phá hay sinh con... Đó là những ước mơ chung gắn kết hai người đến với cuộc sống vợ chồng, nhưng lại rất dễ bị che khuất và lãng quên bởi những bộn bề hối hả trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày với hàng đống khoản phải chi tiêu. Hồi tưởng lại những giấc mơ chung sẽ tạo nên cảm giác gắn bó và sự đồng lòng giữa hai vợ chồng trong việc cân đối thu chi, cùng nhau tiết kiệm. Đồng thời, khi đã có sự đồng lòng nhất trí của hai vợ chồng thì khi chi tiêu, tâm lý cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.
    Cùng một nửa của mình bàn bạc sẽ tốt hơn việc xin lời khuyên của người khác, cho dù họ có là một người có chuyên môn về tài chính đi chăng nữa, bởi lẽ không ai hiểu rõ vấn đề tài chính trong gia đình bằng vợ chồng bạn cả.
  • 2

    “Em / anh đang vung tay quá trán"

    Cách giải quyết: Cùng nhau xem xét và cân đối lại các khoản chi tiêu

    Cùng nhau xem xét, kiểm tra lại việc chi tiêu không chỉ để hiểu hơn về các nhu cầu riêng và chung của hai vợ chồng mà còn có thể đưa ra những biện pháp “cứng rắn” nhằm kiểm soát tốt hơn tình hình chi tiêu của hai vợ chồng. Thay vì quan tâm vào các khoản tiêu nhỏ phát sinh hàng ngày hãy tập trung nhiều hơn đến những khoản phải chi cố định xem chúng có thật sự cần thiết và hợp lý hay không. Việc bạn có mua một chiếc áo mới hay không cũng chẳng là gì so với việc tháng nào cũng chi một khoản tiền không nhỏ vào trung tâm thể dục mà chẳng mấy khi bạn có đủ thời gian và sự kiên nhẫn để đến đó.
     
    cach-giai-quyet-chuyen-tai-chinh-trong-gia-dinh-1
    Phải kiềm chế trước những thứ mình thích thật khó khăn? Hãy nghĩ đến những
    mục tiêu lớn hơn mà các bạn đã định làm cùng nhau

    Sau khi cùng xem xét lại việc chi tiêu, hai vợ chồng hãy bàn bạc thật kỹ lưỡng với nhau, hoặc nếu cần thiết thì xin lời khuyên của người có kinh nghiệm để có thể đưa ra những biện pháp hay hướng cắt giảm các khoản chi không cần thiết, điều này giúp các bạn từng bước đạt được những gì mình muốn trong khả năng có thể.
  • 3

    Anh / em đừng tiêu tiền như khi còn độc thân!”

    Cách giải quyết: San sẻ và độc lập

    Các chuyên gia cho rằng hai vợ chồng nên có một tài khoản chung để chi tiêu cho những khoản cố định phục vụ những nhu cầu, mong ước và trách nhiệm chung của cả gia đình, bên cạnh đó nên có một số ngân sách riêng và nhỏ hơn dành cho những nhu cầu mang tính cá nhân của mỗi người. Làm như vậy sẽ giúp các cặp vợ chồng giảm bớt tranh cãi về việc không hài lòng trong cách sử dụng tiền của người còn lại.
    Hãy cùng đi đến ý kiến thống nhất xem mỗi người sẽ đóng góp bao nhiêu vào tài khoản chung, và lên kế hoạch chi tiết xem ngân sách chung ấy sẽ dùng cho những khoản chi nào, đó có thể là sinh hoạt phí, tiền học cho con, tiền dành cho du lịch hay khoản tích lũy dành cho lúc nghỉ hưu... Việc này không những giúp các cặp vợ chồng cùng san sẻ với nhau về trách nhiệm đối với gia đình mà còn giúp bạn có cái nhìn rộng hơn về cuộc sống và tương lai, từ đó so sánh với điều kiện tài chính hiện tại để cân nhắc hơn trước những nhu cầu không cần thiết.
    Tuy vậy, các bạn cũng cần lưu ý là việc có tài khoản riêng khi đã chung sống với nhau không có nghĩa là bạn có thể tiêu xài hoang phí, nếu không vẫn có thể xảy ra mâu thuẫn. Tùy vào mức thu nhập cũng như thói quen tiêu dùng mà mỗi người có cách sử dụng tài khoản riêng của mình, nhưng nếu có sự chênh lệch quá lớn trong các khoản chi tiêu củ hai người thì chắc chắn các bạn cần nói chuyện với nhau về vấn đề này.
  • 4

    “Phải có người quản lý tài chính!”

    Cách giải quyết: Hãy cùng chịu trách nhiệm

    cach-giai-quyet-chuyen-tai-chinh-trong-gia-dinh-2
    Cùng nhau cố gắng, và vợ chồng bạn sẽ hạnh phúc rất nhiều khi
    ước mơ thành hiện thực

    Hãy cùng thống nhất với nhau xem ai sẽ quản lý việc chi tiêu hàng ngày, ai sẽ chịu trách nhiệm đầu tư lâu dài. Tùy khả năng của từng người mà có sự phân công trách nhiệm hợp lý. Khi đã có sự phân chia rõ ràng, mỗi người cần tự giác cập nhật thông tin về những khoản thu chi đều đặn và chính xác, cần đảm bảo có sự chia sẻ lẫn nhau để kịp thời điều chỉnh và cân đối. Không nên quá ỷ lại vào vợ hoặc chồng mình mà đùn đẩy trách nhiệm cho họ, không ai muốn gánh vác tất cả gánh nặng tài chính trong khi người còn lại luôn thoái thác và không mảy may quan tâm đến cảm giác của mình.
  • 5

    “Những gia đình xung quanh chúng ta có vẻ lúc nào cũng dư dả tiền bạc hơn!”

    Cách giải quyết: Bạn có chắc vậy không?

    Những cặp vợ chồng lớn tuổi hơn đã có cuộc sống hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần sẽ có kinh nghiệm nhiều hơn để bạn học hỏi cách chi tiêu và quản lý tiền bạc. Đừng hỏi họ đã kiếm được bao nhiêu mà hãy học xem họ đã chi tiêu như thế nào để có cuộc sống an nhàn hay tích lũy được cho tương lai. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng khi so sánh mình với người khác, bởi hoàn cảnh và quan niệm về tiền bạc của mỗi người không giống nhau, nếu không khéo léo có thể gặp phải rắc rối vì sự ghen tị và khó chịu.
    Hãy cẩn thận kẻo bị kéo theo thói quen tiêu xài hoang phí của những người xung quanh, cũng đừng ngại chia sẻ những mục tiêu và mơ ước của mình với bạn bè, đó có thể là động lực để bạn vươn tới mục đích đã đặt ra.
    Chúc các bạn sớm tìm thấy giải pháp phù hợp với gia đình mình để không bị những rắc rối muôn thuở trong vấn đề tài chính làm “điên đầu”, làm được điều ấy bạn sẽ giữ được tổ ấm của mình luôn hài hòa, ấm áp.

Comments