Cách nuôi dạy con khi có ông bà can thiệp
(Giúp bạn)Chuyện nuôi dạy con trẻ đôi lúc cũng làm hòa khí trong gia đình trở nên căng thẳng, nhất là khi có thêm sự xuất hiện của ông bà với những quan điểm quá khác biệt. Vậy phải làm thế nào trong các trường hợp đấy?
Mời bạn đọc cùng chia sẻ vấn đề này qua góc nhìn của hai vị giáo sư tâm lý trị liệu Neal và Susan Newfield cùng tiến sĩ giáo dục học Patricia Chase tại Đại học West Virginia (Hoa Kỳ).
- 1
Thống nhất ai đưa quan điểm cuối cùng
Trái với phương Tây, cuộc sống của các ông bố, bà mẹ trẻ ở VN vẫn thường được ông, bà can thiệp sâu trong nhiều mặt và mâu thuẫn theo đó phát sinh. Điều này là dễ hiểu với nền văn hóa luôn đề cao vai trò của người lớn tuổi (đối tượng được cho là có nhiều vốn sống và tri thức hơn) như VN. Trong khi đó, thực tế bạn trẻ hiện nay có nhiều cơ hội tiếp thu kiến thức mới và hợp thời hơn, cụ thể như một đứa trẻ có thể chia sẻ ngược lại với ông bà, cha mẹ những kỹ năng như dùng máy vi tính, sử dụng Internet…
Để giải quyết những mâu thuẫn giữa ông bà và phụ huynh trẻ trong cách nuôi dạy con cháu, trước tiên cần nhìn nhận rõ những điều được và mất của ông bà khi cùng gồng gánh trách nhiệm dạy cháu. Một số nghiên cứu ở Mỹ, Đài Loan cho thấy ông bà càng dành nhiều công sức cho việc chăm sóc cháu nhỏ càng dẫn tới việc sức khỏe bị giảm sút, sự căng thẳng tâm lý gia tăng và chất lượng mối quan hệ trong gia đình theo đó cũng ảnh hưởng. Trong trường hợp này, các bậc phụ huynh và ông bà nên cân nhắc và thống nhất phân chia trách nhiệm cụ thể để mối quan hệ trong gia đình không bị ảnh hưởng.
- 2
Một số giải pháp
- Cùng dành thời gian tham gia một số hoạt động tập thể phù hợp với không khí gia đình và khuyến khích mọi người cùng tham gia. Các bậc phụ huynh trẻ phải nhìn nhận và cân nhắc một sự thật là so với những người dọn ra ở riêng, họ đối mặt với thử thách, bất đồng nhiều hơn trong việc nuôi dạy con cái khi sống chung nhà với ông bà.
- Thống nhất với nhau ai sẽ là người đưa ra ý kiến cuối cùng khi mâu thuẫn trong gia đình phát sinh.
- Trẻ dễ bị căng thẳng khi phải tiếp nhận cùng lúc hai cách giáo dục khác biệt hoặc thấy cha mẹ và ông bà tranh cãi nhau vì mình. Cần thống nhất nguyên tắc nuôi dạy trẻ để chúng tin tưởng khi làm theo.
- Có thể tạo ra một số sự quan tâm khác dành cho trẻ như để trẻ vui chơi cùng bạn bè thân thiết, hàng xóm… của bạn. Điều này góp phần san sẻ gánh nặng chăm sóc trẻ cũng như sự can thiệp sâu vào cuộc sống của trẻ từ ông bà lẫn các ông bố, bà mẹ trẻ.
- Cố gắng hài hước và tạo môi trường trao đổi “mở” để mọi người thoải mái chia sẻ tâm sự cũng như nhận sự hỗ trợ, lời khuyên từ các thành viên khác trong gia đình.