Cách phát hiện tinh hoàn ẩn - bệnh lý hay gặp ở bé trai
(Giúp bạn)Tinh hoàn ẩn hay còn gọi là tinh hoàn chưa xuống hoặc vắng tinh hoàn. Ðây là một hiện tượng không bình thường đối với các bé trai.
Thế nào là tinh hoàn ẩn
Tinh hoàn ẩn hay còn gọi là tinh hoàn chưa xuống hoặc vắng tinh hoàn. Ðây là một hiện tượng không bình thường đối với các bé trai, đặc biệt là những bé vừa chào đời, tinh hoàn (1 bên hay cả 2 bên) đã không nằm trong bìu.
Tinh hoàn ẩn không phải là một hiện tượng quá hiếm gặp ở các bé trai. Khoảng 30% các bé sinh non bị tinh hoàn ẩn, ở trẻ sinh đủ tháng tỷ lệ là 3%. Khoảng 70% trường hợp tinh hoàn ẩn sẽ xuống bìu trong những tháng đầu. Sau một tuổi, tỷ lệ này còn rất ít.
Trao đổi trên Vnexpress, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân cho biết, tinh hoàn - cơ quan sản xuất ra tinh trùng - khi còn trong bào thai xuất phát từ nguyên thủy là trong ổ bụng.
Từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 28 của thai kỳ, tinh hoàn di chuyển từ trong ổ bụng xuống bìu. Những bất thường trong quá trình di chuyển có thể gây ra bệnh lý tinh hoàn ẩn do chúng ngừng di chuyển.
Trong quá trình thăm khám thai kỳ, siêu âm không cho thấy rõ ràng được vị trí của tinh hoàn nằm ở trên bìu hay chưa. Khi siêu âm 3D hoặc 4D thì mới chỉ khảo sát được cấu trúc bìu đã có hay chưa nhưng chưa đánh giá được thể tích tinh hoàn ở trong đó.
Cách phát hiện được tinh hoàn ẩn
Tinh hoàn ẩn có thể là một bên hoặc hai bên. Các bậc phụ huynh có thể dễ dàng phát hiện khi nhìn thấy túi bìu không cân đối: Một bên trông bình thường và một bên nhỏ hoặc xẹp lép (ẩn tinh hoàn một bên) hoặc cả hai túi bìu nhỏ, xẹp.Khi sờ vào bìu không thấy đủ hai tinh hoàn. Nắn vào bìu sẽ không thấy tinh hoàn ở 1 hoặc cả 2 bên.
Có thể nắn thấy tinh hoàn ở ống bẹn
Có trường hợp tinh hoàn lúc ở bìu, lúc bị co lên trên ống bẹn. Khi khám dùng ngón tay đẩy tinh hoàn xuống bìu được nhưng khi bỏ tay ra thì tinh hoàn lại bị kéo lên trên cao, ngoài túi bìu.Với cách phát hiện như trên có thể xác định được bệnh.
Bệnh có thể được phát hiện ngay sau đẻ và đặt ra kế hoạch theo dõi, điều trị. Tuy nhiên, nếu còn nghi ngờ các bậc phụ huynh nên đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác hơn.
Trong quá trình tắm cho trẻ, cha mẹ hãy massage nhẹ ở cơ quan sinh dục của trẻ để khảo sát, nếu thấy được hai tinh hoàn nằm ở hai bên và da quy đầu có thể tụt ra ngoài, lỗ tiểu luôn luôn nằm ở đỉnh của dương vật là bình thường.
Xét riêng trường hợp tinh hoàn ẩn, cách nhận biết đơn giản nhất là sờ bìu của bé khi đứng mà không thấy tinh hoàn. Khi bé nằm, sờ lên vùng bẹn có thể thấy có một khối cộm nhỏ di động.
Cũng theo báo này cho biết về số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh nhân tinh hoàn ẩn nếu được điều trị khi quá 15 tuổi, tỷ lệ có con tự nhiên chỉ còn 15%. Điều trị từ giữa 9-12 tuổi, tỷ lệ có con tự nhiên là 30%; giữa 5-8 tuổi là 40%; giữa 2-3 tuổi là 50% và giữa 1-2 tuổi là 90%.
Với tinh hoàn ẩn, thể ở trong bìu có thể mổ hở, nếu nằm trong bụng thì tiến hành phẫu thuật nội soi. Nếu phát hiện con bị tinh hoàn ẩn, bố mẹ có thể đưa con đến khám tại khoa Ngoại các bệnh viện nhi hoặc các khoa Nam học.
Nên phẫu thuật ở lứa tuổi nào?
Ở lứa tuổi dưới 1 tuổi: Nếu tinh hoàn chưa xuống bìu nhưng sờ nắn thấy ở ống bẹn, thấp về phía túi bìu thì nên theo dõi thêm, một số trường hợp tinh hoàn sẽ xuống bìu khi trẻ đến 1 tuổi. Nếu sau 1 năm tuổi mà tinh hoàn vẫn chưa xuống bìu thì nên điều trị thuốc và chuẩn bị phẫu thuật sớm.
Còn nếu không nắn thấy tinh hoàn ở ống bẹn, siêu âm có thể thấy tinh hoàn trong ổ bụng thì nên mổ sớm vào những tháng cuối của năm tuổi đầu tiên.
Ở lứa tuổi trên 1 tuổi: Hầu hết các bệnh nhân tới khám ở lứa tuổi trên 1 tuổi.Chỉ định mổ tốt nhất là từ 1 tới 2 tuổi.
Tùy theo tường trường hợp mà các bác sĩ chỉ định điều trị: Ðiều trị bằng thuốc nội tiết trước, nếu không kết quả mới phẫu thuật hoặc phải phẫu thuật ngay để đưa tinh hoàn xuống bìu.
Tiến Khê
Theo GDVN