Trẻ nhịn tiểu rất dễ sinh bệnh

14:30 14/04/2015

(Giúp bạn)Việc trẻ nhịn tiểu gây hại rất nhiều đến sức khỏe, khiến người mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút và ảnh hưởng đến chất lượng học tập và sinh hoạt.

Tác hại khi trẻ nhịn tiểu

Theo Vnexpress, tình trạng nhà vệ sinh quá bẩn hoặc quá thiếu khiến nhiều học sinh cố nhịn đại tiểu tiện ở trường. Các bác sĩ cho rằng đây là một thói quen nguy hiểm bởi có thể dẫn đến nhiều bệnh như trĩ, nhiễm trùng tiết niệu, sỏi thận...

Trong những trẻ bị viêm đường tiết niệu đến khám và điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương, không ít em có thói quen nhịn tiểu tiện do không có điều kiện "giải tỏa" kịp thời. Biểu hiện bệnh là đau buốt khi đi tiểu, tiết rắt, nước tiểu đục.

Giáo sư Trần Đình Long, Trưởng khoa Thận - tiết niệu Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhịn tiểu tiện là một thói quen rất xấu, gây hại cho sức khỏe. Trong một buổi học, thường trẻ có nhu cầu đi tiểu ít nhất một vài lần. Thông thường, nước tiểu phải được đẩy ra khi chứa đầy bàng quang. Nếu nhịn lâu, nước tiểu bị ứ đọng dễ gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhất là bàng quang.

Mặt khác, việc nước tiểu lắng đọng lâu trong bàng quang còn làm lắng cặn, góp phần tạo sỏi đường niệu, gây đau đớn cho bệnh nhi. Việc nhịn tiểu lâu ngày cũng sẽ làm cơ thể mất phản xạ tiểu theo đúng chu kỳ, dẫn tới tiểu són, tiểu rắt. Một tác hại nữa của thói quen này là trẻ sẽ căng thẳng, khó tập trung vào học tập.

Do không có nhà vệ sinh sạch sẽ, nhiều học sinh cố gắng uống thật ít nước để giảm số lần tiểu tiện ở trường. Thói quen này cũng rất có hại cho sức khỏe.

Giáo sư Trần Đình Long cho rằng, nước nhiều khi còn quan trọng hơn thức ăn. Nó giúp lưu thông khí huyết, lọc và đào thải các chất độc. Cơ thể thiếu nước sẽ làm giảm khả năng thải độc, rối loạn điện giải, khiến người mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút.

Thiếu nước cũng khiến các loại sỏi dễ hình thành hơn. Chứng viêm đường tiết niệu và táo bón cũng khó cải thiện hơn khi không được cung cấp nước đầy đủ.

-1

Chia sẻ trên Báo điện tử VnMedia, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết thêm nếu trẻ nhịn tiểu, khiến nước tiểu lắng đọng lại có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu cấp tính. Bởi vốn dĩ trong nước tiểu lúc nào cũng có vi khuẩn, chỉ là nhiều hay ít mà thôi.

Còn việc trẻ nhịn tiểu trong thời gian dài sẽ tích tụ cặn và bị nhiễm trùng nước tiểu, sau đó có thể gây đái rắt. Trẻ tiếp tục nhịn như vậy thì nước tiểu sẽ ứ lại, canxi trong nước tiểu cũng lắng đọng theo sẽ tạo thành sỏi thận.

Bên cạnh việc mải chơi nhịn tiểu thì môi trường nhà vệ sinh ở trường học cũng là nguyên nhân làm hình thành thói quen nhịn tiểu ở trẻ. Vì thế, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng khuyến cáo với các bậc phụ huynh là cần phải chia sẻ với con trước khi đến trường rằng việc thay đổi môi trường là một thách thức vì phải làm quen với thầy cô giáo mới nên bé rất sợ. Rồi ở trường có thể khu vệ sinh không sạch sẽ như ở nhà.

Do vậy, nếu buồn đi tiểu thì bé cứ mạnh dạn xin phép cô giáo cho ra ngoài, hoặc nếu đi đến chỗ nào đó thì phải hỏi nhà vệ sinh công cộng. Tránh tạo cho trẻ thói quen nhịn tiểu. Dưới đây là một số lưu ý mà các bậc phụ huynh cần biết để kiểm soát việc nhịn tiểu của con:

- Tập cho trẻ có thói quen đi tiểu từ 2-3 giờ/lần

- Hướng dẫn các bé gái vệ sinh vùng bộ phận sinh dục sau khi đi vệ sinh để tránh bị viêm nhiễm

- Đưa trẻ đi xét nghiệm nước tiểu mỗi năm 1 lần để có thể phát hiện sớm các bệnh liên quan đến đường tiết niệu và điều trị kịp thời.

Thuốc tham khảo: Vitamin C 500mg

- Phòng và điều trị bệnh do thiếu Vitamin C.
- Methemoglobin huyết vô căn khi không có sẵn xanh methylen.

Thùy Linh

Nên đọc
-2 Hội chứng thận hư ở trẻ em: Nguyên nhân và biểu hiện
-3 Trẻ em không nên dùng thuốc Promethazin (như Phénergan)
-4 Triệu chứng của bệnh viêm phế quản ở trẻ em
-5 Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em

Theo GDVN

Comments